Thứ tư, 15/05/2024, 16:03 [GMT+7]

Cảnh giác cao với loại tội phạm lừa đảo qua mạng internet

Thứ tư, 10/04/2019 - 19:07'
(BLC) - Thời gian gần đây, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook, viber… đang có dấu hiệu gia tăng. Một số vụ lừa đảo xảy ra tại thành phố Lai Châu mới đây cho thấy, dù lực lượng chức năng có nỗ lực vào cuộc nhưng mỗi người dân không nâng cao tinh thần cảnh giác, thì không chỉ rơi vào “cái bẫy” của tội phạm lừa đảo mà còn rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Điển hình như trường hợp của ông Vũ Xuân M. phường Tân Phong, thành phố Lai Châu. Trên facebook cá nhân ông M. nhận được lời mời kết bạn với một tài khoản mang tên Hộp Thư Tri Ân. Một thời gian sau, ông được thông báo trên tin nhắn Messenger với Mã số “M12” (Quyết định ngày 1/4/2019 về việc tặng giải thưởng của Công ty TNHH Giải FB Mesenger ADS - khách hàng may mắn trúng giải đặc biệt của hệ thống facebook, thông qua hệ thống lựa chọn giải thưởng ngẫu nhiên) là 700 triệu đồng. Trong tin nhắn còn kèm theo một lưu ý nhằm tăng sự chú ý và tạo độ tin cậy với khách hàng như: “Sau khi khách hàng nhận được tin nhắn thông báo này, hệ thống sẽ tự động khóa tài khoản và gửi thông báo cho khách hàng để bảo lưu và tránh sự tranh chấp giải thưởng từ khách hàng khác. Mọi sự thắc mắc, liên hệ Tổng đài CSKH 08 96220806”. Với niềm tin trúng thưởng thật, ông M. đã thực hiện theo các bước hướng dẫn của tin nhắn từ tài khoản mang tên Hộp thư tri ân hoàn chỉnh bộ hồ sơ nhận giải thưởng với giá 3 triệu đồng, phí làm hồ sơ ngân hàng 7.500.000 đồng. Trong tin nhắn Hộp thư tri ân cũng giải thích rõ - hồ sơ nhận giải thưởng gồm có 4 bộ, 1 bộ nộp cho Bộ Công thương, 1 bộ nộp Bộ Công an, 1 bộ nộp Công ty facebook nhận giải, kèm theo 1 bộ hồ sơ nộp cho bên Ngân hàng để thực hiện chuyển tiền vào tài khoản trúng thưởng. Hiện khách hàng đã đóng 3 bộ, còn 1 bộ bên Ngân hàng là hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ nhận giải với số tiền 707 triệu đồng trong vòng 15 phút, chi trả 100% bằng tiền mặt. Do số tiền quá lớn, cùng với các thủ tục được tư vấn, hướng dẫn tỷ mỉ... các đối tượng phạm tôi nhanh chóng lấy được niềm tin của người dùng, từ đó đưa ra các chiêu bài dụ dỗ, đe dọa hoặc khống chế buộc nạn nhân phải nộp tiền.

 Công an thành phố Lai Châu tuyên truyền các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook… tới người dân bản Gia Khâu 1, xã Nậm Loỏng.

Công an thành phố Lai Châu tuyên truyền các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook… tới người dân bản Gia Khâu 1, xã Nậm Loỏng.

Thượng tá Đinh Hồng Dương - Phó trưởng Công an thành phố Lai Châu cho biết, đây là thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên các trang mạng xã hội hiện nay, người dùng facebook tự động nhận được tin nhắn từ tài khoản có tên: Hộp Thư Của Bạn, Thông báo Sự Kiện… nhằm thông báo tài khoản của người đã may mắn trúng thưởng hoặc tri ân khách hàng facebook messenger của quý, năm, để thu hút người dùng tham gia. Đặc biệt trong thời gian gần  đây, các đối tượng phát đi nội dung "Tài khoản Mesenger của bạn mang mã số trúng thưởng là "527979" đã may mắn trúng thưởng phần quà giải nhất gồm 1 xe Honda SH 150i kèm phiếu tiền mặt lên đến 700 triệu đồng. Sau đó dụ dỗ người dùng truy cập một đường link có tên miền http://www.hosoxesh.com để được hướng dẫn làm hồ sơ nhận giải. Về hình thức, những dạng lừa đảo không mới và phương thức lừa đảo không quá cao siêu. Song chúng đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của người dùng mạng xã hội với những món hời lớn. Khi truy cập và hoàn tất các thủ tục, những đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng nộp lệ phí bằng nhiều hình thức như chuyển khoản, nạp thẻ cào... Tùy vào giải thưởng và mức độ lừa đảo mà các tin tặc đưa ra "lệ phí" cao hay thấp. 

Chưa kể, khi người dùng truy cập các website đó để kê khai thông tin cá nhân sẽ bị chúng chiếm quyền điều khiển tài khoản (hack nick) và phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo mượn tiền, mua card hộ đến những tài khoản bạn bè trong danh sách của bạn.

Điều đáng nói là các trang web do đối tượng phạm tội tự đăng ký ở nước ngoài, có những hình ảnh do chúng tự tạo ghép các đợt trao giải, để người dùng tin tưởng nhấn truy cập đường link và làm theo hướng dẫn nhập thông tin cá nhân như: chứng minh thư Nhân dân, năm sinh địa chỉ tài khoản, mật khẩu facebook cùng với đủ lý do để yêu cầu khách hàng nộp tiền, nộp thẻ tài khoản để làm hồ sơ nhận thưởng. Thông thường ban đầu, tội phạm thường dùng sim rác để mạo nhận là nhân viên chăm sóc khách hàng liên lạc dẫn dụ bị hại nạp tiền từ 3 triệu đồng trở lên để đăng ký hồ sơ, nếu thấy bị hại tin tưởng chúng tiếp tục yêu cầu nộp thuế thu nhập và các khoản khác từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng và tài khoản do chúng lấy được từ chứng minh thư Nhân dân của người khác, thay ảnh đến mở tại các ngân hàng thương mại. Khi nhận được tiền chúng lập tức rút ngay để tránh phong tỏa. Khi không thể lừa được nữa chúng khóa tài khoàn, hủy sim và số điện thoại đã dùng để liên lạc trước đó, tránh sự truy lùng của cơ quan chức năng. Cũng chính vì vậy, việc tìm ra các đối tượng phạm tội này gặp rất nhiều khó khăn do thiếu manh mối và các bằng chứng liên quan đều bị đối tượng xóa sạch.

Trước thực trạng trên, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Công an thành phố Lai Châu đã tích cực vào cuộc, điều tra phá án, đồng thời gửi thông báo tới các cơ quan, công sở, các địa phương để tuyên truyền tới người dân về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng internet. Đẩy mạnh khuyến cáo người dùng facebook khi nhận được các thông tin thông báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc nợ cước, trúng thưởng, khuyến mãi… cần tiến hành kiểm tra lại thật kỹ thông tin tại website chính thức của đơn vị thông báo. Đối với hành vi giả danh cơ quan tư pháp không chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng; khẩn trương thông báo về Công an thành phố Lai Châu để phối hợp giải quyết. Tuyệt đối không khai báo bất kỳ thông tin cá nhân, không cung cấp tài khoản, mật khẩu facebook trên các diễn đàn hoặc mạng xã hội, không nên tin và truy cập các trang web, đường link từ những tin nhắn trúng thưởng, không thực hiện hướng dẫn nộp tiền, gửi mã thẻ cào để lĩnh thưởng, để không phải rơi vào cảnh trắng tay sau cả đời tích cóp.

Công an thành phố Lai Châu thông báo một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm lừa đảo qua mạng internet:1. Đối tượng sử dụng các số thuê bao di dộng, mạng Internet (công nghệ Voip) giả mạo các số điện thoại của lực lượng Công an và tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra... gọi điện thoại đến số máy điện thoại của công dân (chủ yếu là phụ nữ, người già nghỉ hưu...) để đe dọa, lừa gạt bằng việc thông báo các chủ thuê bao điện thoại có liên quan đến vụ án và có số tiền trong tài khoản thẻ ngân hàng hoặc đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng là tiền bất hợp pháp và yêu cầu bị hại chuyển, gửi số tiền sang tài khoản của cơ quan pháp luật (thực chất là tài khoản của các đối tượng lừa đảo) để xác minh trong thời gian ngắn, các đối tượng cam kết nếu kết quả xác minh không liên quan thì sẽ chuyển trả lại nguyên vẹn số tiền đã chuyển khoản. Nếu không thì sẽ bị khởi tố điều tra, bắt giam, cùng với đó còn đe dọa không được thông báo cho người thân và không được chậm trễ khi chuyển tiền. Vì nhẹ dạ cả tin, tâm lý hoang mang, lo sợ khi bị điều tra nên các bị hại đã gửi hoặc chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình sang tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp. Ngay sau khi tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng của đối tượng thì đối tượng ngay lập tức chuyển khoản đến nhiều nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau (sử dụng internet banking) sau đó rút tiền ra và chiếm đoạt.

2. Đối tượng mạo danh là cán bộ của các ngân hàng, nhà mạng di động gọi điện thoại đến các chủ thuê bao di dộng thông báo trúng giải thưởng của ngân hàng liên kết với Viettel, Vinaphone, Mobiphone,.. hoặc gửi tin nhắn qua mạng xã hội Facebook, Zalo về việc trúng thưởng tiền và xe máy do Công ty Honda và mạng xã hội Facebook tổ chức. Sau đó đối tượng hướng dẫn các chủ thuê bao, chủ tài khoản Facebook, Zalo tìm hiểu những thông tin giải thưởng và cách trao thưởng tại các trang Web giả mạo do chúng tạo ra để cung cấp thông tin cá nhân và xem các thông tin giải thưởng, danh sách người đã nhận thưởng, thông tin về người liên hệ để trao thưởng. Các thông tin này đều được các đối tượng làm giả (ảnh chụp chứng minh Nhân dân, tên công ty, địa chỉ, số điện thoại liên hệ). Nhóm đối tượng sử dụng các thuê bao di động khác nhau để gọi điện thoại cho nạn nhân hướng dẫn các bước nộp phí nhận thưởng, thuế, lệ phí đăng ký xe máy được thưởng, lệ phí quay phim, chụp ảnh đồng thời yêu cầu chủ thuê bao chuyển tiền hoặc mua thẻ điện thoại để đọc số serial và mã thẻ nạp cho các đối tượng rồi chiếm đoạt số tiền đó.

3. Lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng, các nhóm đối tượng lừa đảo đăng tin rao bán các mặt hàng (điện thoại, máy tính,..) trên các trang mạng, diễn đàn, mạng xã hội Facebook với giá rẻ hơn thực tế đang được bán trên thị trường. Khi người tiêu dùng hỏi về thông tin các mặt hàng đó, các đối tượng quảng cáo là các mặt hàng trên đều được xách tay từ nước ngoài được miễn thuế nên bán với giá rẻ. Sau khi đã tư vấn và người tiêu dùng muốn mua, các đối tượng lừa đảo yêu cầu đặt cọc từ 50% giá trị mặt hàng trở lên và sẽ chuyển hàng ngay sau khi nhận tiền đặt cọc, tuy nhiên các đối tượng không chuyển hàng như đã thoả thuận và chiếm đoạt tiền đặt cọc của người mua.

4. Thông qua mạng xã hội Facebook, các đối tượng lừa đảo (thường giả danh là người nước ngoài, quân nhân Mỹ, phi công, thương gia giàu có...) yêu cầu kết bạn nói chuyện bằng tiếng Việt (thường nói sai chính tả, ngữ pháp tiếng Việt để thể hiện là người nước ngoài) ngỏ ý làm quen, hứa hẹn tình cảm với nạn nhân thường là phụ nữ Việt Nam. Sau khi đã làm quen với nạn nhân, các đối tượng thường nói đang có nhiều tiền đô la Mỹ và muốn gửi tiền cho nạn nhân để nhận hộ, góp vốn làm ăn hoặc ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn như tiền, vàng, kim cương, tiền đô la... cho nạn nhân. Khi bị hại đã "cắn câu", đồng bọn đóng giả nhân viên giao nhận, hải quan, thuế,... thông báo thùng quà bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hoá có giá trị và yêu cầu phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót. Sau đó, các đối tượng giả danh này cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền vào tài khoản hoặc nộp phí qua thẻ cào điện thoại rồi chiếm đoạt số tiền và số thẻ nạp điện thoại đó. Nếu không thuyết phục được, các đối tượng sử dụng thủ đoạn đe doạ nạn nhân như sẽ bị tịch thu số tiền, quà hoặc sẽ bị bắt nếu không nộp tiền lấy quà.

5. Các đối tượng đánh cắp (hack) tài khoản Facebook, Zalo cá nhân của người khác hoặc lập các tài khoản Facebook, Zalo mạo danh người khác. Sau khi chiếm được tài khoản Facebook, Zalo các đối tượng thay đổi mật khẩu, vào phần tin nhắn Messeger để đọc, tìm hiểu các mối quan hệ, cách nói chuyện của chủ tài khoản Facebook, Zalo với bạn bè của nạn nhân. Qua đó tìm ra những người thân thiết, thường xuyên nói chuyện (chat) với chủ tài khoản, các đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, Zalo đã chiếm đoạt được để nhắn tin vay tiền bạn bè trong Facebook, Zalo, nhờ họ chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp hoặc mua hộ thẻ cào điện thoại với mệnh giá lớn nhằm chiếm đoạt.

Đức Thắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...