Thứ hai, 06/05/2024, 19:12 [GMT+7]

Hải, lục, không quân Việt Nam trang bị nhiều vũ khí mới

Thứ sáu, 07/02/2014 - 09:04'
Triển khai lộ trình hiện đại hóa Quân đội đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xác định, những năm qua toàn quân đã tiếp nhận, đưa vào biên chế nhiều loại VKTBKT mới, hiện đại, với số lượng lớn.

Nhanh chóng làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại mới đưa vào trang bị, cùng với tổ chức bảo đảm kỹ thuật, đồng bộ và khai thác, sử dụng hiệu quả VKTBKT hiện có, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành kỹ thuật Quân đội. Các chuyên ngành kỹ thuật cần phải nâng cao trình độ, năng lực tham mưu với các cấp ủy Đảng, chỉ huy; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, huy động mọi nguồn lực cho công tác kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 hiện đại của Việt Nam.
 
Cán bộ, kỹ thuật viên Nhà máy X56 (Cục Kỹ thuật Quân chủng Hải quân) sửa chữa khí tài phục vụ bảo đảm kỹ thuật VKTBKT.

Triển khai lộ trình hiện đại hóa Quân đội đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xác định, những năm qua các đơn vị toàn quân đã tiếp nhận, đưa vào biên chế nhiều loại VKTBKT mới, hiện đại, với số lượng lớn.

Cùng với đó là việc bảo đảm kỹ thuật, đồng bộ, đưa vào khai thác, huấn luyện, phục vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bước đầu đạt kết quả tiến bộ, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đại tá Võ Tá Quế, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân khẳng định: Lực lượng kỹ thuật của Quân chủng đã thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT phục vụ SSCĐ, huấn luyện; là năm thứ ba Quân chủng bảo đảm an toàn bay tuyệt đối, số vụ uy hiếp an toàn bay giảm.

Công tác kỹ thuật góp phần nâng cao sức mạnh SSCĐ của Quân chủng; đặc biệt là đã huấn luyện, diễn tập hiệp đồng quân binh chủng số lượng nhiều hơn, đạt chất lượng cao, sát thực tế chiến đấu.

Ngành kỹ thuật đã góp phần giúp lực lượng không quân hải quân bảo đảm kỹ thuật, đi vào huấn luyện vượt thời gian 6 tháng so với kế hoạch. Quân chủng đã khai thác, làm chủ VKTBKT mới, hiện đại; bảo đảm bảo dưỡng, khắc phục được những hỏng hóc khi không còn chuyên gia của bạn.

Trong thời gian tới, Quân chủng tiếp tục tiếp nhận, đưa vào biên chế, khai thác nhiều loại VKTBKT hiện đại; tổ chức lựa chọn, làm điểm công tác bảo đảm kỹ thuật theo vòng đời đối với một số loại máy bay; tiến hành sửa chữa, tăng hạn, ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ mới vào bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Đoàn 681 Hải quân - đơn vị được trang bị một số loại vũ khí, khí tài, bao gồm tổ hợp tên lửa đối hải Bastion và tổ hợp ra đa bờ Monolit-B - Ảnh: Chinhphu.vn

 

Năm nay, Quân đội ta tiếp nhận rất nhiều chủng loại VKTBKT mới, hiện đại và đưa vào trang bị, nên công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và nghiên cứu khoa học-công nghệ, tìm các giải pháp kỹ thuật phục vụ khai thác, huấn luyện làm chủ VKTBKT được chú trọng hàng đầu.

Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật cho biết: Tổng cục đã chỉ đạo các chuyên ngành kỹ thuật, các đơn vị triển khai bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, tăng hạn, niêm cất VKTBKT đúng kế hoạch; triển khai các trung tâm bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT công nghệ cao.

Các ngành phối hợp với các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu tổ chức biên dịch, biên soạn tài liệu, xây dựng mô hình, thiết bị mô phỏng huấn luyện; nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng kết quả các đề tài khoa học-công nghệ phục vụ bảo đảm kỹ thuật. Các nhà trường, cơ sở huấn luyện, nhà máy nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện chuyên môn kỹ thuật phục vụ bảo đảm kỹ thuật, khai thác làm chủ VKTBKT.

Ngành kỹ thuật toàn quân tăng cường tập huấn cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các đơn vị, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ quản lý, khai thác VKTBKT. Các chuyên ngành kỹ thuật chú trọng những vấn đề rút ra từ các hội thi, hội thao để tổ chức huấn luyện, nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật, làm chủ VKTBKT, như Cục Kỹ thuật binh chủng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành tăng-thiết giáp; tên lửa-khí tài đặc chủng những vấn đề rút ra qua hội thi… Tổng cục Kỹ thuật còn phối hợp với các học viện, nhà trường, các cơ quan chiến lược nghiên cứu những vấn đề phát triển mới về tổ chức và bảo đảm kỹ thuật trong các hình thức tác chiến mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc…

Trong tổ chức huấn luyện khai thác, làm chủ VKTBKT mới, hiện đại, cần sự tham gia tích cực của ngành kỹ thuật toàn quân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu. Đại tá Hoàng Hồng Hà, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng Hải quân chia sẻ: Quân chủng đang quản lý số lượng lớn VKTBKT công nghệ cao, hiện đại, do đó cần phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật chuyên môn giỏi, thành thạo thực hành.

Ngành kỹ thuật Hải quân cần có sự tham gia của lực lượng kỹ thuật toàn quân nhằm giải quyết những vấn đề kỹ thuật mới nảy sinh, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, làm chủ VKTBKT phục vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Toàn ngành đang triển khai thực hiện hai khâu đột phá là xây dựng chính quy và làm chủ VKTBKT, gắn với thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu Nghị quyết 382 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng xây dựng điểm để nhân rộng trong toàn ngành.

 Hải quân đánh bộ Việt Nam trong trang phục và sử dụng súng trường tấn công hiện đại TAR -21

Cùng với làm chủ VKTBKT mới, ngành kỹ thuật toàn quân tập trung nỗ lực thực hiện đạt kết quả cao công tác bảo đảm VKTBKT hiện có; duy trì vững chắc đồng bộ VKTBKT cho các đơn vị đã được nghiệm thu; tiếp tục cải tiến, hiện đại hóa, nhất là VKTBKT lục quân, bảo đảm khi có tình huống là cơ động, chiến đấu được ngay.

Ngành kỹ thuật chú trọng đầu tư sản xuất, trang bị, bảo đảm đồng bộ khí tài, bao gồm khí tài nhìn đêm, trinh sát và chỉ huy bắn phục vụ tác chiến ban đêm, trong các điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp. Bảo đảm tốt VKTBKT cho huấn luyện, diễn tập với cường độ cao, quyết liệt thực hiện an toàn về người và VKTBKT, bảo đảm an toàn kho tàng, cơ sở kỹ thuật và an toàn giao thông.

 

Theo Quân Đội Nhân Dân

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...