Thứ ba, 07/05/2024, 06:33 [GMT+7]

Lời Bác – Mệnh lệnh thiêng liêng

Thứ ba, 13/05/2014 - 09:52'
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” – lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại đoàn Quân tiên phong-Đại đoàn 308, cách đây đã 60 năm, nay lại thêm một lần vang vọng trên Đất tổ, trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời Bác-Mệnh lệnh thiêng liêng”, do Quân đoàn 1, Quân khu 2, Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội tổ chức tối 12-5 tại Phú Thọ…

Mệnh lệnh của 60 năm trước

Ngược dòng lịch sử, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt Đại đoàn 308, trên đường đơn vị về tiếp quản Thủ đô. Tại đây, Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữa lấy nước”. Chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời Bác-mệnh lệnh thiêng liêng” được tổ chức nhằm ôn lại lời dạy của Người, cũng là dịp để đánh giá việc Sư đoàn 308 thực hiện lời Người căn dặn trong 60 năm qua. Đây cũng là hoạt động kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2014) và kỷ niệm 60 năm ngày Người căn dặn Đại đoàn 308 tại Đền Hùng (19-9-1954/19-9-2014).

Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình giao lưu.

Tham dự đêm giao lưu nghệ thuật có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó chính ủy Quân khu 2; Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 1.

60 năm, một quãng thời gian dài nếu so với cuộc đời một con người, đã qua đi, song lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những nhân chứng có mặt hôm đó tại đền Giếng vẫn mãi âm vang, như vừa mới hôm qua. Thiếu tướng Hồ Phương, nguyên Chính trị viên Đại đội phòng không (Sư đoàn 308); Đại tá Trần Văn Đông, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308); Đại tá Tống Xuân Đài, người bảo vệ Bác Hồ, đều vinh dự có mặt trong buổi nói chuyện của Người tại Đền Hùng năm xưa.

Năm đó, Đại tá Trần Văn Đông vừa tròn 25 tuổi. Ông tâm sự, hôm đó, khi cùng đơn vị đến Đền Giếng, mọi người thấy Bác ngồi bên trái cửa ra vào. Trông Bác hồng hào, khỏe mạnh, anh em ai nấy đều rất phấn khởi. Bác nói với giọng thân tình, ấm áp. Đầu tiên Bác khen bộ đội ta nói chung, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 nói riêng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thiếu tướng Hồ Phương (ngoài cùng bên phải) và Đại tá Trần Văn Đông tham gia giao lưu. 

Bác còn dặn rằng, thắng lợi mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn phải tiếp tục đấu tranh lâu dài với lực lượng phản động. Về tiếp quản Thủ đô, mới là những ngày đầu giải phóng, tệ nạn xã hội còn nhiều, nên các cháu phải giữ được phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng.

Khi được người dẫn chương trình đưa tấm ảnh chụp Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308, Đại tá Trần Văn Đông cười sung sướng: “Lúc đó, tôi leo lên bậc thang cao nhất để được ngồi gần Bác hơn. Tôi chính là người tựa cột đây”.

Đối với Thiếu tướng Hồ Phương thì trước khi được đến gặp Bác tại Đền Hùng năm đó, ông đã có may mắn được gặp Bác, vẽ chân dung Bác. “Tôi vẫn nhớ như in lời khen của Bác dành cho tôi, rằng tuy là nghiệp dư, nhưng cháu vẽ được thế này là tốt lắm. Lần này được về Đền Hùng gặp Bác Hồ, tôi sung sướng lắm và vẫn nhớ như in lời Bác dặn dò ân cần, rằng các cháu thay mặt quân, dân về tiếp quản Thủ đô, phải làm thật tốt nhiệm vụ này”.

Đại tá Tống Xuân Đài thì nhớ lại: “Khoảng 19 giờ ngày 18-9-1954, khi đến Đền Giếng, tôi được thông báo Bác đã về đến đây, sáng mai vào nhận nhiệm vụ”. Đêm đó gần như là một đêm trắng của Đại tá Tống Xuân Đài, vì sau 9 năm kháng chiến, nay ông lại sắp được gặp Bác Hồ. 7 giờ sáng ngày 19-9, ông Đài sang Đền Giếng, thấy Bác Hồ đã ngồi trước Đền, ngắm cảnh thiên nhiên. Bác mặc bộ quần áo gụ nâu, da dẻ hồng hào.

Đại tá Tống Xuân Đài chia sẻ những kỷ niệm trong lần nghe Bác Hồ nói chuyện tại Đền Hùng 60 năm trước.

Lời Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308, đến nay Đại tá Tống Xuân Đài còn nhớ rõ. Cùng với lời dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, Bác còn nhấn mạnh rằng, tiếp quản Thủ đô là nhiệm vụ hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, do vậy phải chuẩn bị thật kỹ càng. Về Thủ đô, phải dựa vào dân; phải tiếp tục học tập chính trị, quân sự và học tập cả việc tuần tra canh gác. Nhân dân Thủ đô đã phải cực khổ vì chịu áp bức của giặc Pháp, vậy nên không được coi người dân sống trong vùng địch là người đi theo địch.

Son sắt khắc ghi, thực hiện tốt lời Bác dạy

Tham dự Chương trình giao lưu nghệ thuật, Thiếu tướng Nguyễn Hiền, nguyên Phó chính ủy Sư đoàn 308 đã có những chia sẻ sâu sắc về việc làm theo lời Bác dạy của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 năm xưa và Sư đoàn 308 sau này. Ông tâm sự, trong lần nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 năm xưa, Bác dặn cùng với tiếp quản Thủ đô, đơn vị phải đẩy mạnh học tập, huấn luyện, tiếp tục chiến đấu, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Lời căn dặn của Người đã thấm vào máu thịt của chúng tôi. Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Trong kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi biết Mỹ có vũ khí hiện đại, tối tân hơn thực dân Pháp, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết tiến công và giành được nhiều thắng lợi lớn”, Thiếu tướng Nguyễn Hiền chia sẻ.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn 308 tiếp tục lập được những thành tích vẻ vang, đặc biệt là những thành tích, chiến công trong các chiến dịch như: Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào, Đông Hà-Quảng Trị. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương miền Bắc và thực hiện đòn nghi binh chiến lược, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Thiếu tướng Nguyễn Hiền (thứ 2 từ trái qua) và lớp cán bộ của Sư đoàn 308 tham gia giao lưu.

Tiếp bước cha anh đã đi dọc chiều dài 2 cuộc trường chinh kháng chiến của dân tộc, lớp cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 308 hôm nay tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, giành nhiều thành tích, thực hiện tốt lời Bác căn dặn năm xưa. Đại tá Nguyễn Bá Thông, Chính ủy Sư đoàn 308 khẳng định: Vinh dự được viết tiếp trang sử vàng của Đại đoàn 308, trong những năm qua, toàn Sư đoàn tiếp tục khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Sư đoàn chú trọng đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Thượng úy Phan Văn Trung, Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) thì chia sẻ, để có thể tiếp nối truyền thống vẻ vang của một đơn vị đã được Bác ân cần dặn dò trước khi về tiếp quản Thủ đô, thì mỗi cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn hôm nay cần tích cực học tập, tìm hiểu về truyền thống vẻ vang của Sư đoàn; ra sức học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên từng cương vị, chức trách được giao. Là cán bộ chính trị, bản thân Trung luôn coi trọng giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, muốn vậy, phải bám sát các chỉ thị, nghị quyết của trên và tình hình nhiệm vụ cụ thể của đơn vị.

Kết thúc chương trình giao lưu nghệ thuật, Thiếu tướng Nguyễn Hiền đã có những lời sẻ chia gan ruột: “Thực tiễn huấn luyện, chiến đấu của đơn vị đã chỉ ra rằng, những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định đến thắng lợi là sự đoàn kết trên dưới một lòng; là nhờ đoàn kết quân dân; là cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật. Ngày nay, để có thể “giữ lấy nước” như lời Bác dạy, chúng ta phải coi trọng việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ”.

“Người là niềm tin tất thắng”, bài hát ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh vang vọng giữa đêm giao lưu, vang vọng trong lòng người tham dự. Chương trình giao lưu nghệ thuật tuy đã khép lại, song lời dạy của Bác Hồ năm xưa vẫn cứ vọng vang trong lòng người: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”…

 

Theo HỒNG HẢI – HOÀNG HÀ/QĐND

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...