Thứ tư, 08/05/2024, 01:32 [GMT+7]

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên

Thứ năm, 21/07/2016 - 11:07'
(BLC) – Những năm qua, lực lượng biên phòng Lai Châu đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế - xã hội thiết thực, hiệu quả. Nhờ đó, không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân mà còn góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, ổn định.

Đại tá Phan Hồng Minh - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lực lượng BĐBP tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, tuần tra, bảo vệ 265,095 km đường biên giới, trong đó có gần 192km biên giới đất liền và hơn 73km đường sông, suối với 79 cột mốc thuộc 229 bản biên giới tại 23 xã, 4 huyện giáp biên. Địa bàn biên giới chủ yếu là núi cao, rừng già, rậm rạp, xa khu dân cư, khoảng cách giữa các mốc khá xa nhau. Đây là khu vực sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều; tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp do những hoạt động chống phá của các thế lực phản động, thù địch, lôi kéo người dân di cư tự do… Vì vậy, những năm qua, trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm quốc phòng của Đảng, Nhà nước gắn với đặc điểm địa bàn, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội các thôn bản vùng biên. Trong đó, trọng tâm là tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, nâng cao đời sống bằng các mô hình phù hợp với thực tiễn.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông chăm sóc đàn bò.

Trước tiên phải kể đến là mô hình cai nghiện tập trung cho người nghiện ở khu vực biên giới. Là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình này, Trung tá Lò Văn Hiêng – Trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ (huyện Mường Tè) cho biết: Xã Pa Ủ có gần 3.000 nhân khẩu, chủ yếu là người La Hủ. Đời sống khó khăn của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn chưa cao nên nhiều tệ nạn xã hội còn tồn tại, trong đó có nạn ma túy, do đó cuộc sống người dân vốn đã nghèo lại càng khó khăn hơn. Trước tình hình đó, Đồn đã phối hợp với Đảng uỷ, chính quyền xã tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho những đối tượng nghiện ma tuý. Thời điểm năm 2008, xã có 127 người nghiện ở cả 12 bản.

Để mô hình đảm bảo hiệu quả, sau khi rà soát, Đồn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của ma tuý và những hệ lụy của nó với đời sống xã hội. Đồng thời, vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng mô hình "xã không có ma tuý”. Hướng dẫn các đối tượng cam kết thực hiện đúng quy định của việc cai nghiện. Đồng thời, phân công cán bộ quân y có nghiệp vụ và kinh nghiệm để theo dõi và điều trị cai nghiện cho từng trường hợp. Nhờ quản lý chặt chẽ 24/24 giờ, theo dõi thường xuyên bằng các liệu pháp, chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động phù hợp. Sau 1 tháng, 15/15 người tham gia đã cắt cơn, chưa có trường hợp tái nghiện.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ tháng 5/2008 đến nay, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh giao cho BĐBP trực tiếp tổ chức cai nghiện 12 đợt cho 375 người nghiện tại địa bàn các xã biên giới. Kết thúc các đợt cai, 375 người nghiện đã hoàn toàn cắt cơn, sức khoẻ bình thường, tinh thần ổn định, tái hoà nhập với cộng đồng. Do làm tốt công tác cai nghiện nên tình hình an ninh chính trị ở địa phương được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được ổn định, các loại tội phạm giảm hẳn. Kinh tế ở địa phương đang dần phát triển đi lên, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên. Số người được cai nghiện cũng tập trung lao động sản xuất, các hộ gia đình có người nghiện, trước kia nghèo đói, bây giờ phát triển ổn định hơn.

Mô hình củng cố cơ sở chính trị xã Nậm Ban cũng đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Để củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự xã Nậm Ban (giai đoạn 2007-2010), Đảng uỷ Biên phòng tỉnh với Huyện uỷ Sìn Hồ đã phối hợp thành lập Ban chỉ đạo gồm 17 đồng chí. Thành lập đội công tác gồm 10 cán bộ, ra quân thực hiện kế hoạch từ ngày 25/8/2007 - đến 4/2010. Qua tổng kết 3 năm thực hiện, từ chi bộ yếu kém nhiều năm, Nậm Ban trở thành chi bộ trong sạch vững mạnh, nay đã được phát triển thành Đảng bộ, hệ thống chính trị xã đã đủ sức lãnh đạo và hoạt động tốt. Kinh tế xã có bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo hàng năm giảm nhanh, nhiều cây trồng vật nuôi có năng suất cao được đưa vào thâm canh sản xuất.

Mô hình nuôi, đỡ đầu các cháu học sinh được Đảng uỷ Biên phòng tỉnh triển khai từ năm 2010 đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên biên giới có thêm điều kiện học tập. Kinh phí thực hiện mô hình bằng việc vận động cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong toàn cơ quan, đơn vị xây dựng “Hũ gạo tình thương” với khẩu hiệu hành động “Mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên mỗi ngày làm một việc tốt”, “Mỗi tổ chức Đảng mỗi tháng có một chương trình hành động thiết thực”. Đến  nay 13 Đồn Biên phòng và Tiểu đoàn huấn - Cơ động đã nhận nuôi, đỡ đầu 29 cháu học sinh, mức hỗ trợ từ 350.000 đến 400.000 đồng/tháng/cháu, trong đó 5 cháu ăn nghỉ trực tiếp tại đồn cho đến khi học hết THCS.

Đặc biệt là mô hình giúp đồng bào La Hủ phát triển kinh tế - xã hội; xoá đói giảm nghèo của các Đồn Biên phòng tuyến Mường Tè. Trong đó, Đồn Biên phòng Pa Ủ đã làm cho nhân dân bản Hà Xi 34 căn nhà; thành lập 1 tổ công tác gồm 10 đồng chí, hướng dẫn nhân dân phương thức sản xuất, thâm canh cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đã làm 400m2 ruộng lúa nước 2 vụ, 300m2 nương hoa màu; 1 chuồng bò; trồng 0,5ha cỏ VA06 nuôi gia súc, đến nay đàn bò đã có 9 con. Đồn Biên phòng Ka Lăng hoàn thành 20 căn nhà cho nhân dân để bảo đảm cuộc sống định canh, định cư. Đồn cũng thành lập 1 tổ công tác tại bản để hướng dẫn, bồi dưỡng về cách duy trì công việc của bản và hướng dẫn nhân dân khai hoang được 2,5ha diện tích lúa nước, làm 1,5km mương nước sinh hoạt cho cả bản và nước sản xuất, hỗ trợ 305kg thóc giống, 70kg ngô giống. Đồn Biên phòng Thu Lũm làm 21 căn nhà cho 21 hộ dân, duy trì 1 tổ công tác để hướng dẫn đồng bào khai hoang ruộng nước, thâm canh cây trồng và chăn nuôi gia súc tập trung.

Ngoài ra, mô hình nuôi cá hồi, cá tầm của Đồn Biên phòng Pa Vây Sử thu về trên 250 triệu đồng/năm khẳng định hướng đầu tư về tăng gia sản xuất nuôi cá hồi, cá tầm là đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình hỗ trợ rau xanh của Đồn biên phòng Nậm Xe không chỉ đáp ứng lượng rau, củ, quả cho đơn vị mà còn cải thiện bữa ăn cho các cháu học sinh THCS bán trú dân nuôi xã Nậm Xe; Mô hình nuôi bò, dê tập trung của Đồn Biên phòng Huổi Luông từng bước giúp người dân xây dựng vùng chăn nuôi gia súc tập trung; Mô hình hợp tác xã Đoàn Kết của Đồn Biên phòng Ma Ly Pho không chỉ phát triển đàn bò với 51 con (BĐBP 25  con, nhân dân 26 con) tạo sinh kế bền vững cho bà con mà còn vận động được 49 hộ ra sinh sống ổn định sát biên giới để quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, ngăn chặn tình trạng người dân Trung Quốc vượt biên khai thác trộm lâm, thổ sản, chăn thả gia súc …

Theo đánh giá của Đại tá Phan Hồng Minh thì các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Nhất là làm chuyển biến nhận thức trong Nhân dân biết tự chủ trong lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, tích cực tăng gia, chăn nuôi có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống, tăng thêm lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Bộ đội biên phòng.

Nguyễn Duân

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...