Thứ ba, 07/05/2024, 18:00 [GMT+7]

Dịch Covid-19, nông dân Phong Thổ gặp nhiều khó khăn

Thứ ba, 18/02/2020 - 17:22'
(BLC) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc cấm giao thương, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) đã khiến nhiều hộ nông dân gặp khó khăn. Các sản phẩm như: chuối, sắn, nghệ và gừng không thể xuất khẩu, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến ngày 17/2, trên thế giới có 71.323 ca nhiễm bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra. Trong đó, 1.770 trường hợp đã tử vong gồm 5 trường hợp ngoài Trung Quốc; Việt Nam cũng có 16 trường hợp nhiễm bệnh, 7 trường hợp đã khỏi bệnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn huyện biên giới Phong Thổ được kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, huyện đã cách ly hơn 60 trường hợp đi lao động từ Trung Quốc về nước tại khu vực cách ly Trung tâm Y tế huyện; Trung tâm Văn hoá, Du lịch và giới thiệu sản phẩm Ma Lù Thàng.

Cũng vì dịch Covid-19, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; xuất, nhập cảnh đối với người dân hầu như không diễn ra tại khu vực Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng. Khi chúng tôi có mặt tại Ma Lù Thàng, một bầu không khí vắng lặng bao trùm khắp mọi nơi. Hàng quán đóng cửa, rất ít người và phương tiện qua lại; khu vực nhà xưởng thu mua chuối, tập kết hàng hóa không một bóng người. Nếu so với trước đó khoảng một tháng, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa tấp nập thì hiện nay hoàn toàn vắng vẻ. Người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những hộ nông dân, bởi thị trường tiêu thụ của họ chủ yếu là bên Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, có nhiều diện tích chuối chín không bán được. Các loại nông sản khác gồm sắn, nghệ, riềng, gừng cũng không thể xuất khẩu dù đây đang là thời điểm  thu hoạch của bà con. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ. Diện tích chuối của toàn huyện là 3.828ha, trong đó 3.596ha đã cho thu hoạch. Diện tích sắn 768ha, nghệ 158,3ha, cây riềng 31,3ha và gừng là 9,6ha. Nếu so với thời điểm này của năm 2019, giá chuối đang ở mức 10-15 nghìn đồng/kg, sắn 4-5 nghìn đồng/kg, con số đó khẳng định mức thiệt hại của người nông dân đang phải gánh chịu là không nhỏ.

ảnh1: Không khí vắng vẻ Trạm kiểm soát liên hợp ở cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng thời điểm phòng, chống dịch Covid-19

Không khí vắng vẻ tại Trạm kiểm soát Liên hợp Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng do dịch Covid-19.

Anh Lù Văn Sum ở bản Pa Nậm Cúm, xã Ma Ly Pho chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình tôi có trên 400 gốc chuối đã cho thu hoạch nhưng hiện không thể bán được, ước thiệt hại gần 20 triệu đồng. Hàng năm, nếu ở thời điểm này chuối bán rất được giá mang lại thu nhập cao cho gia đình. Nhưng giờ không bán được chỉ biết chặt chuối về cho lợn ăn, mà lợn ăn cũng không thể hết được”. 

Anh Sum lắc đầu ngán ngẩm, giờ đây không biết phải làm sao, chỉ mong dịch sớm qua đi để bà con buôn bán trở lại bình thường. Gia đình anh cũng được tuyên truyền về dịch Covid-19 nên luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch. Dù không bán được nhưng việc chăm sóc, bảo vệ cho cây chuối vẫn được gia đình anh Sum thực hiện bình thường. Không chỉ gia đình anh Sum, hiện có hàng nghìn hộ dân trồng chuối khác ở các xã Ma Ly Pho, Huổi Luông, Bản Lang, Hoang Thèn… bị ảnh hưởng bởi việc không thể xuất khẩu được chuối. Các khoản thu nhập từ việc bán nông sản sang bên kia biên giới không còn, nguồn thu bị ảnh hưởng nên cuộc sống của nhiều hộ rơi vào khó khăn. Theo thông tin từ huyện Phong Thổ, giá trị xuất khẩu hàng địa phương năm 2019 đạt 18,5 triệu USD và mục tiêu của năm 2020 là 19 triệu USD. Phần lớn nguồn thu từ các mặt hàng xuất khẩu của địa phương là hàng nông sản, vì vậy dịch Covid-19 đã trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu hiện nay.

Ông Vương Thế Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay mà huyện đang tập trung thực hiện là phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân trên địa bàn. Với việc hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu, nhất là các loại nông sản của địa phương đang gặp khó khăn có thể sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song Huyện ủy, UBND huyện cùng các phòng, ban, Nhân dân các dân tộc vẫn quyết tâm thực hiện các mục tiêu trên; quyết tâm không để dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn, huyện sẽ đồng hành, sát cánh cùng nông dân khắc phục khó khăn trước mắt.

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống của nông dân trên địa bàn huyện biên giới Phong Thổ. Song đến nay, bà con rất ủng hộ các quy định về phòng, chống dịch trên địa bàn. Nhận thức về dịch bệnh được nâng cao, phương châm không để xảy ra dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân cần được đặt lên hàng đầu.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...