Thứ sáu, 29/03/2024, 12:56 [GMT+7]

Ngừa lây lan biến thể Covid-19 mới

Chủ nhật, 12/02/2023 - 10:45'
Tình hình dịch Covid-19 được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp trong bối cảnh sau Tết Nguyên đán nhu cầu giao thương cao, người dân tham gia lễ hội và du lịch tăng. Vì vậy, việc chủ động các biện pháp phòng nguy cơ lây lan biến thể mới là rất cần thiết.

Thứ sáu, ngày 10/02/2023 - 14:18



Lượt nhập cảnh tăng cao, thời tiết thay đổi, các biến chủng mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện tiềm ẩn nguy cơ dịch chồng dịch. Ảnh: ĐINH TIẾN

Kiểm soát chặt tại sân bay, cửa khẩu

GS, TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế vừa có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh dịp Tết và mùa Lễ hội 2023. Theo Sở Y tế Hà Nội, vừa qua Sở giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tổ chức giám sát công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh tại chín lễ hội ở tám quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đối với các quận, huyện có lễ hội làng, các Trung tâm Y tế thực hiện việc giám sát bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch. CDC Hà Nội tăng cường kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, duy trì việc kiểm tra thân nhiệt hành khách nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, sàng lọc, ngăn chặn, đáp ứng kịp thời với các dịch bệnh xâm nhập. GS, TS Đặng Đức Anh đã đề nghị ngành Y tế thành phố chủ động đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời bởi nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh là rất lớn.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), từ ngày 20-26/1/2023, tiếp nhận 8.344 lượt người nhập cảnh được kiểm tra sức khỏe, không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Theo bác sĩ Trần Huyền Trân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh, lượt nhập cảnh cao tại cửa khẩu cũng là một trong những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải trong việc phòng, chống dịch. Đồng thời, theo dự báo, thời gian tới dịch Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, trong khi đó người dân ngày càng chủ quan với dịch bệnh, không bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và miễn dịch do hiệu lực vaccine ngày càng giảm dần theo thời gian. Để phòng, chống dịch đạt hiệu quả, địa phương tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các ca ngoài cộng đồng qua đó giám sát các biến chủng mới nhằm đưa ra các phương án.

Với Quảng Ninh, theo Sở Y tế, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm, hiện tỉnh đang hoàn thiện "Phương án tổng thể đón và phục vụ khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu, cảng biển, sân bay trên địa bàn Quảng Ninh". Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp dự phòng như: Giám sát thân nhiệt hành khách, lái xe từ xa, sát khuẩn, rà soát tổ chức tiêm đủ bốn mũi vaccine phòng Covid-19 với người làm việc trong lĩnh vực du lịch… Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Quảng Ninh đang tiếp tục chủ động giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên thế giới, trong khu vực và trong nước; dự báo và chuẩn bị các phương án, kế hoạch cũng như điều kiện cơ sở vật chất, thuốc chữa bệnh, nhân lực, đáp ứng với dịch. Quyết tâm của tỉnh là không để bùng phát dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế-xã hội luôn được diễn ra trong trạng thái ổn định, bình thường.

Sẵn sàng phương án ứng phó


Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 1.300 ca mắc Covid-19, giảm mạnh so thời gian trước đó và không ghi nhận bệnh nhân tử vong. Tuy vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, cần thận trọng với dịch bệnh bởi số ca mắc và tử vong do SARS-CoV-2 trên thế giới vẫn rất cao. Nhất là mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định duy trì cảnh báo ở cấp độ cao nhất trên toàn cầu với đại dịch Covid-19 sau ba năm ban hành vì cho rằng đại dịch này vẫn gây ra một cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc tế. Đến nay, thế giới đã ghi nhận gần 600 biến thể phụ của SARS-CoV-2, trong đó năm biến thể phụ đang phải giám sát vì có khả năng biến đổi và trở thành áp đảo. Đáng chú ý, biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh đã xuất hiện ở 70 quốc gia. Các biến thể phụ này được cảnh báo ngày càng có khả năng né tránh được hệ miễn dịch.

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), hiện tại vấn đề giám sát, xét nghiệm Covid-19 không được chặt chẽ như thời gian trước và số liệu báo cáo hằng ngày chưa phản ánh đúng thực tế. Hiện, nhiều người mắc Covid-19 nhưng không làm xét nghiệm và cũng có không ít người có sốt, ho và xét nghiệm dương tính cũng không khai báo y tế như trước đây. "Tuy nhiên, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Điều này do người dân đã có miễn dịch cộng đồng và miễn dịch do từng mắc Covid-19", PGS, TS Trần Đắc Phu nói. Dù vậy, với đặc tính biến đổi liên tục của SARS-CoV-2, trong khi miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian, vị chuyên gia khuyến cáo vẫn phải cảnh giác trước dịch bệnh này, nhất là trong thời điểm mùa xuân có nhiều lễ hội tập trung đông người, cộng thêm thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan.

Còn theo quan điểm của TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chúng ta cần có những giải pháp song song. Hướng thứ nhất là tiếp tục mở rộng tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo ông Châu, việc tiêm đủ các mũi vaccine bảo vệ người dân không bị nặng, hạn chế tử vong, đặc biệt là những người ở nhóm nguy cơ bị mắc Covid-19. Song song đó cần tiếp tục theo dõi giám sát các biến thể có thể xuất hiện trong thời gian tới, diễn tiến bệnh cảnh lâm sàng, đặc biệt là các chùm ca bệnh nặng xuất hiện trong bệnh viện. "Chúng ta không được chủ quan, phải tiếp tục sẵn sàng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị để không bị bất ngờ khi số lượng người mắc Covid-19 gia tăng trở lại. Bài học kinh nghiệm làn sóng dịch bệnh trở lại lần thứ tư năm 2021 chúng ta không bao giờ quên được. Vì vậy cần tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện về chẩn đoán điều trị", TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đề xuất.

Để phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo khi đi du xuân hoặc tham gia các lễ hội, người dân cần chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân. Cùng đó, các địa phương phải theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại địa bàn mình quản lý, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện trang thiết bị y tế, nhân lực đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

 

Cập nhật Thứ sáu, ngày 10/02/2023 - 14:18/ Hiếu Dân /https://nhandan.vn/

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...