Thứ tư, 08/05/2024, 08:48 [GMT+7]

Tân Uyên kiểm soát chặt địa bàn, ngăn chặn dịch Covid – 19

Thứ ba, 18/02/2020 - 12:17'
(BLC) - Kiểm soát chặt địa bàn là giải pháp chính yếu để Tân Uyên không cho dịch Covid-19 xâm nhập. Đây là giải pháp xuyên suốt trong phòng dịch của huyện từ đầu mùa dịch đến nay và sẽ tiếp tục được chú trọng thực hiện trong thời gian tới.

So với các huyện trong tỉnh, Tân Uyên là một trong những địa phương có nhiều người đi lao động tại Trung Quốc – nơi khởi phát dịch Covid -19. Theo số liệu thống kê từ cơ quan chuyên môn, toàn huyện có 599 người đi lao động ở Trung Quốc trở về Việt Nam và đang cư trú tại địa phương, trong đó 594 người có mặt tại địa bàn đã qua 14 ngày theo dõi, đến nay sức khỏe ổn định, không có biểu hiện bất thường. Tính đến ngày 13/2, toàn huyện có 5 người về địa phương (dưới 14 ngày) đang được tiếp tục theo dõi. Huyện cũng đang giám sát 10 người Trung Quốc ở trên địa bàn. Qua tìm hiểu, cơ quan chức năng huyện xác định có 1 trường hợp đi từ tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) qua Cửa khẩu Lào Cai về bản Hô Bon (xã Phúc Khoa); các trường hợp còn lại đi từ 5 tỉnh: Vân Nam, Hà Bắc, Tứ Xuyên, Giang Tô và Sơn Đông (Trung Quốc), không có người nào đi từ tâm dịch trở về. Trên bàn huyện vẫn còn 359 trường hợp đi lao động tại Trung Quốc chưa trở về Việt Nam.

Song song với kiểm soát số người đi từ Trung Quốc về, huyện Tân Uyên theo dõi chặt chẽ những trường hợp đi từ vùng dịch trong nước như: Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, thành phố Hồ Chí Minh về huyện sau đợt tết Nguyên đán vừa qua. Theo đó có tổng số 271 người và đang được theo dõi sức khỏe tại gia đình dưới sự giám sát sát sao của các nhân viên y tế bản, tổ dân phố. Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh, huyện thành lập Trung tâm cách ly tại Trạm Y tế thị trấn, quy mô 15 phòng với 60 giường bệnh. Hiện tại, huyện chưa có trường hợp nào nghi ngờ nhiễm Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân nghi nhiễm phải cách ly, giám sát.

Huyện cũng thành lập tổ phản ứng nhanh, tổ giám sát tình hình dịch bệnh; đội cấp cứu lưu động sẵn sàng tham gia cấp cứu bệnh nhân khi có dịch bệnh xảy ra. Việc nắm rõ di biến động của những người đi, về từ những vùng có dịch, không chỉ cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang theo dõi sát sao mà còn nhận được sự đồng tình ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các tầng lớp Nhân dân. Bà con nhận thức rõ: phòng dịch cho mình nghĩa là gia đình, cộng đồng được bảo vệ và ngược lại.

Điều này quả là thuyết phục khi chúng tôi được bà Đoàn Thị Oanh - Trưởng Phòng Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện Tân Uyên cho biết thông tin sinh động: Thời gian trước đây, khi bà con các bản có những biểu hiện cảm cúm thông thường, thường đến Trạm Y tế khám hoặc tự đi mua ở các hiệu thuốc về điều trị tại nhà. Nhưng từ khi nghe thông tin có dịch Covid-19, khi thấy có những biểu hiện: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở, đau mỏi cơ... người dân đã chủ động đến Trung tâm Y tế huyện để khám và có nguyện vọng điều trị đến khi nào khỏi mới thôi. Đối với những trường hợp này, sau khi thăm khám, cán bộ y tế sẽ xem xét mức độ tình trạng sức khỏe của người bệnh để tuyên truyền, hướng dẫn điều trị nội trú hay ngoại trú. Hiện nay, mỗi ngày trung bình có khoảng 200 lượt người đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện. Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác phòng dịch Covid-19 trên địa bàn huyện.

Cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền cho Nhân dân xã Pắc Ta về phòng dịch bệnh Covid – 19.

Cơ quan chuyên môn của huyện Tân Uyên tuyên truyền tới Nhân dân xã Pắc Ta cách phòng dịch Covid-19.

Để nhận thức của người dân thay đổi được như vậy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể huyện đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là công tác tuyên truyền. Cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, cụ thể như: Phòng Văn hóa Thông tin huyện tuyên truyền trên xe lưu động, phát trên 9.500 tờ rơi, treo băng-rôn tại những nơi công cộng; đăng tải, cập nhật thường xuyên các thông tin về Covid-19 trên Cổng Thông tin điện tử huyện; tăng cường thời lượng phát sóng trên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện và thông qua hệ thống loa truyền thanh không dây đến các bản, tổ dân phố. Các tổ chức đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên huyện… bằng các việc làm thiết thực như: Huy động hội viên, đoàn viên hỗ trợ công sức, hiện vật may khẩu trang phát miễn phí cho người dân và học sinh vùng khó khăn, cùng chung tay phòng dịch Covid-19. Ngành Giáo dục - Đào tạo huyện chỉ đạo các đơn vị trường học thường xuyên phun khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp, đồ dùng, dụng cụ học tập, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường khi có chỉ đạo.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý các đối tượng đi từ vùng dịch trong và ngoài nước về địa bàn, Hiện số lao động đang làm việc ở Trung Quốc và các tỉnh trong nước chưa về vẫn còn. Yêu cầu các xã, thị trấn báo cáo số người đi, về theo ngày để huyện nắm và chủ động bố trí cách ly theo đúng quy định. Tổ chức phun khử trùng đợt 2 ở tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học, các vị trí tập trung đông người để góp phần phòng dịch hiệu quả - bà Đoàn Thị Oanh cho biết thêm.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...