Chủ nhật, 19/05/2024, 05:34 [GMT+7]

Chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ sáu, 07/12/2012 - 14:24'
(BLC) – Tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn luôn được đại biểu và cử tri quan tâm. Nội dung chất vấn kỳ họp này tập trung vào các lĩnh vực: đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, điều kiện sống của người dân trong các điểm tái định cư, vùng dự án... Phóng viên Laichâu Online lược ghi:

>>Khai mạc Kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII

Đại biểu Lò Thị Phương - Tổ đại biểu huyện Mường Tè chất vấn:

Theo kế hoạch đến Quý III/2013 huyện Mường Tè bắt đầu di dân tái định cư (TĐC) Thủy điện Lai Châu. Tổng nhu cầu gỗ phục vụ làm nhà TĐC của nhân dân là trên 16.000m3. Căn cứ Công văn số 237/SNN-LN, ngày 6/6/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc khai thác gỗ TĐC công trình Thủy điện Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè thì việc lấy gỗ tại khu vực rừng phòng hộ thì phải có dấu búa bài cây và thuộc thẩm quyền của Sở NN&PTNT, về khối lượng quy định không quá 10m3/hộ. Như vậy xin được hỏi: Sở NN&PTNT đã có kế hoạch để đảm bảo thủ tục khai thác gỗ phục vụ TĐC cho nhân dân chưa? Nếu 10m3/hộ không đủ làm nhà sàn theo phong tục của đồng bào dân tộc Thái thì có hướng nào mở cho dân không

Ông Hà Văn Um – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời:

Căn cứ vào các Nghị quyết, Quyết định, Thông tư của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT về di dân, TĐC Thủy điện Lai Châu. Sở NN&PTNT đã làm việc và có văn bản số 237/SNN-LN về việc khai thác gỗ TĐC công trình Thủy điện Lai Châu gửi UBND huyện Mường Tè, trong đó về trình tự, thủ tục khai thác rừng tự nhiên quy hoạch là rừng phòng hộ như sau:

Về thiết kế khai thác: UBND huyện Mường Tè chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT chỉ đạo các phòng chuyên môn và các hộ gia đình tổ chức đánh giá tại thực địa để thu thập số liệu, đóng dấu búa bài cây đối với số cây khai thác (trường hợp thiếu về nhân lực có thể thuê đơn vị tư vấn để điều tra, thiết kế). Kết thúc đánh giá tại thực địa, Ban quản lý rừng phòng hộ chủ trì, tổng hợp số liệu, thuyết minh thiết kế khai thác chọn, phiếu bài cây khai thác, bản đồ chung khu khai thác.

Về thẩm định, cấp phép khai thác: Hộ gia đình gửi 1 bộ hồ sơ về UBND huyện. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị, thuyết minh thiết kế khai thác chọn, phiếu bài cây khai thác, biên bản xác nhận của Kiểm lâm địa bàn và bản đồ khu khai thác. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu chưa hợp lệ, UBND huyện (hoặc Phòng NN&PTNT được ủy quyền) phải thông báo cho hộ gia đình biết để bổ sung theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, phòng NN&PTNT huyện thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt hồ sơ, cấp phép khai thác và trả kết quả cho hộ gia đình đồng thời gửi Sở NN&PTNT, Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã. Thời hạn của giấy phép khai thác tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày ban hành.

Thực hiện khai thác, nghiệm thu gỗ: UBND xã, kiểm lâm địa bàn hướng dẫn, giám sát khai thác việc chặt hạ đúng cây đã có dấu bài chặt và số hiệu cây của từng hộ ghi trên lý lịch của từng hồ sơ giấy phép. Hạt kiểm lâm, Phòng NN&PTNT huyện kiểm tra việc khai thác theo giấy phép được cấp. Sau khi chặt hạ, cắt khúc, xẻ; khi khai thác xong, gỗ vận chuyển xuất ra khỏi khu vực khai thác, các hộ báo hạt kiểm lâm huyện đo đếm, làm thủ tục nghiệm thu gỗ theo quy định hiện hành.

Như vậy, việc cấp phép khai thác gỗ trong rừng phòng hộ cho các hộ thuộc đối tượng di dân, TĐC Dự án Thủy điện Lai Châu tại huyện Mường Tè thuộc thẩm quyền quyết định của UBND huyện Mường Tè. Hiện nay, UBND huyện đã phối hợp với đơn vị tư vấn của Sở NN&PTNT là Trung tâm tư vấn Quy hoạch khảo sát thiết kế đã thiết kế khai thác được khoảng 90m3 gỗ trong rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ cho 13 hộ gia đình tại bản Nậm Khao, Nậm Pục xã Nậm Khao.

Về mức khai thác không quá 10 m3 gỗ tròn/hộ gia đình: Hiện nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT chưa có chính sách quy định, hướng dẫn cụ thể đối với việc khai thác gỗ cho các hộ thuộc đối tượng phải di dân, TĐC các công trình thủy điện. Để có cơ sở thực hiện trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã vận dụng quy định hạn mức khai thác gỗ tại các Thông tư và Thông tư liên tịch của Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước để hướng dẫn UBND huyện Mường Tè thực hiện chính sách, góp phần giúp các hộ ổn định cuộc sống. Căn cứ báo cáo kết quả rà soát thực tế nhu cầu gỗ cần khai thác để làm nhà thuộc đối tượng di dân, TĐC của huyện thì nhu cầu cần khai thác gỗ của hộ bình quân khoảng 7,74 m3/hộ gia đình. Như vậy mức khai thác 10 m3/hộ là phù hợp đủ cho gia đình làm nhà. Trường hợp các hộ có nhu cầu hơn 10 m3/hộ thực tế không nhiều, các hộ trong cùng khu vực có thể trao đổi, mua bán với nhau để đáp ứng nhu cầu làm nhà.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp để có chính sách kịp thời hỗ trợ nhân dân.

Đại biểu Sùng Lử Páo – Tổ Đại biểu huyện Tam Đường chất vấn:

Đến bao giờ ngành nông nghiệp tỉnh mới sản xuất tại chỗ được các giống cây trồng, vật nuôi giá rẻ cho người dân? Giải pháp cụ thể của ngành là gì trong việc ngăn chặn dịch lở mồm long móng, tai xanh, tụ huyết trùng ở vật nuôi và các loại dịch bệnh trên cây trồng?

Ông Hà Văn Um – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời: Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lai Châu là đơn vị sự nghiệp được thành lập ngày 2/12/2010 nhưng chỉ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 2011. Từ đó đến nay, đơn vị đang trong quá trình kiện toàn bộ máy và chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sản xuất, cung ứng giống cho bà con trên địa bàn. Tuy nhiện hiện nay diện tích đất để sản xuất giống hạn chế, khó mở rộng, cán bộ kỹ thuật còn thiếu, ít kinh nghiệm về sản xuất giống, hơn nữa cơ sở vật chất của Trung tâm cũng chưa hoàn thiện nên thiếu công cụ sản xuất. Trong thời gian qua, Sở đã chỉ đạo Trung tâm tập trung vào một số hoạt động như khảo nghiệm và sản xuất được 10 giống lúa mới và đã lựa chọn được 4 giống lúa cho năng suất, chất lượng cao; phối hợp, sản xuất 13ha giống lúa Séng cù tại xã Bình Lư, sản xuất thử nghiệm 3ha giống lúa lai F1 tổ hợp Thục hưng tại xã Bình Lư; sản xuất thử nghiệm giống ngô lai F1 LVN25 và giống ngô lai F1 SB099; sản xuất và cung ứng ra thị trường 60 vạn con cá giống các loại… Theo dự kiến đến năm 2015 Trung tâm cơ bản đáp ứng được 50% nhu cầu giống lúa thuần xác nhận và 10% nhu cầu giống lúa đặc sản của địa phương, 20% nhu cầu giống ngô lai. Việc sản xuất giống vật nuôi là việc khó thực hiện được ngay. Hiện nay, Sở đã cố gắng nỗ lực để sớm sản xuất được con giống nhưng với lực lượng mỏng, kinh nghiệm còn ít, trang bị còn hạn chế nên lượng giống sản xuất được, cung ứng cho bà con còn hạn chế. 

Câu hỏi của đại biểu về các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh, Sở xin trả lời như sau: Dịch lở mồm long móng, tai xanh ở gia súc xuất phát từ nguyên nhân cơ bản đó là tập quán thả rông gia súc trong khi việc chăm sóc vật nuôi không tốt, còn bị bỏ đói, rét nên làm yếu con vật. Bên cạnh đó, việc vận chuyển vật nuôi không an toàn cũng là một nguyên nhân dịch bệnh. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về dịch bệnh để nâng cao ý thức phòng ngừa cho người dân. Duy trì thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin, thực hiện tháng tiêu độc khử trùng, kiểm soát giết mổ gia súc, kiểm dịch chặt chẽ động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Thực hiện giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi từ cơ sở nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn dịch, bệnh. Hướng dẫn người dân phương thức chăn nuôi.

Về việc hạn chế dịch bệnh trên cây trồng Sở sẽ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các giống cây khi đưa vào trồng, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh và triệt để trừ các loại sâu, bệnh trên cây trồng, hướng dẫn người dân luân canh cây trồng để tránh dịch bệnh. Thực hiện tuyên truyền cho nhân dân toàn tỉnh về công tác phòng chống sâu, bệnh hại cây trồng.

Đại biểu Sùng Lử Páo - Tổ đại biểu huyện Tam Đường chất vấn: Tuyến Quốc lộ 4D (đoạn trước cổng Bệnh viện Đa khoa huyện đến chân dốc đỏ) huyện Tam Đường xuống cấp nghiêm trọng, khó khăn đi lại của nhân dân. UBND tỉnh đã có Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 25/6/2010 để mở rộng và nâng cấp tuyến đường trên. Ngành đã cắm mộc lộ giới, người dân đang chờ đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà và công trình dân sinh nhưng đến nay vẫn chưa thấy tiến hành khởi công xây dựng. Việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường trên có tiến hành nữa không? Nếu tiếp tục nâng cấp, mở rộng thì bao giờ hoàn thành?

Ông Đoàn Đức Long – Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, dự án bị đình giãn tiến độ cho đến 30/6/2012 mới được khởi động lại, tiến độ hoàn thành vào năm 2013. Thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 24/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư nguồn Ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thì đoạn mở rộng quy mô theo văn bản số 6318/BGTVT-KHĐT ngày 2/8/2012 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phải tạm dừng giãn hoãn tiến độ thi công do vượt quy mô dự án đã điều chỉnh. Sau khi có thông báo tạm dừng thi công đoạn mở rộng quy mô của Bộ GTVT, Sở GTVT đã có Công văn số 1112/SGTVT-KH ngày 9/10/2012 gửi UBND huyện Tam Đường về việc báo cáo tình hình triển khai thi công đoạn Km 60 + 410 – Km 63 (Đoạn từ cổng trào đến chân dốc đỏ) với nội dung Sở GTVT báo cáo UBND huyện Tam Đường để không thực hiện giải phóng mặt bằng đoạn Km 60 + 410 – Km 63 theo phương án mở rộng, chỉ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo phương án duyệt ban đầu là B nền = 7,5m, B mặt = 5,5m. Khi nào Bộ GTVT cho phép tiếp tục mở rộng đoạn này, Sở GTVT sẽ có báo cáo cụ thể với UBND tỉnh, huyện và các ngành chức năng.

Hiện nay, đoạn tuyến mở rộng quy mô 16,5m dừng không thi công nhưng vẫn triển khai thực hiện theo quy mô đã được duyệt ban đầu (B nền = 7,5m, B mặt = 5,5m). Sở GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công để hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2013. Trước mắt Sở GTVT đề nghị UBND huyện Tam Đường, UBND xã Bình Lư có văn bản thông báo, tuyên truyền, vận động nhân dân không xây dựng các công trình kiên cố trong phạm vi đã cắm cọc GPMB với quy mô 16,5m để tránh lãng phí khi phần mở rộng được phép triển khai lại.

Đại biểu Vàng Thị Chính – Tổ đại biểu thị xã Lai Châu chất vấn:

Một số doanh nghiệp trên địa bàn thị xã được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, UBND tỉnh có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Ông Vũ Văn Lương - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời:

Hiện nay trên địa bàn thị xã Lai Châu có 105 doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất trong đó có 90 doanh nghiệp được thuê đất và 15 doanh nghiệp được giao đất. Đầu tháng 10/2011 UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, xử lý đất của các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Lai Châu. Theo đó Sở đã kiểm tra 105 doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất trong đó có 61 doanh nghiệp sử dụng đất đúng theo mục đích, 44 doanh nghiệp chậm đưa đất vào sử dụng. Trên cơ sở đó Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất của 6 doanh nghiệp vì chậm đưa đất vào sử dụng. Tuy nhiên doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho giãn tiến độ thực hiện dự án đến hết năm 2012 và 2013 do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi tình hình kinh tế suy giảm, lạm phát kéo dài. UBND tỉnh đã cho phép 6 doanh nghiệp trên giãn tiến độ thực hiện dự án, đến nay cả 6 doanh nghiệp đang xây dựng để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích cam kết. Đối với 38 doanh nghiệp chậm đưa đất vào sử dụng vì lý do vướng mắc về thủ tục chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền (một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính) nên còn vướng mắc về mặt thủ tục. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất của 6 doanh nghiệp (7 dự án) được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng.

Kiên - Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...