Thứ bảy, 18/05/2024, 18:53 [GMT+7]

Phát huy vai trò người đại biểu dân cử

Thứ tư, 25/09/2013 - 16:22'
(BLC) - Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lai Châu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm là người đại diện của nhân dân, tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Phát huy vai trò tích cực của mình trong hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu đã phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, từ đó có ý kiến chất vấn với các cơ quan liên quan hoặc kiến nghị với Thường trực HĐND, các ban HĐND để tổ chức các đoàn giám sát, nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục. Nhiều đại biểu đã kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, thể hiện bản lĩnh, tâm huyết trong hoạt động dân cử. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, phát huy vai trò người đại biểu dân cử trong hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu xin trao đổi một số giải pháp sau:

Đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khoá XII. Ảnh: Tùng Phương

Một là, trong các hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND, việc tham gia quyết định tại các kỳ họp HĐND là quan trọng nhất và năng lực quyết định của HĐND tỉnh trước hết phụ thuộc vào năng lực của từng đại biểu HĐND. Do đó chất lượng đại biểu HĐND là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Vì vậy trong công tác bầu cử đại biểu HĐND cần thực sự coi trọng việc lựa chọn các ứng cử viên để bầu; việc xây dựng cơ cấu đại biểu cần cân nhắc làm thế nào vừa đảm bảo tính cơ cấu (vùng miền, dân tộc, tôn giáo, các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng…), vừa đảm bảo  chất lượng đại biểu, không nên nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực. 

Hai là, quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các cấp, các ngành và toàn xã hội nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, vị trí, quyền hạn trách nhiệm của HĐND và đại biểu HĐND. Đây cũng là cách tạo ra áp lực của dư luận xã hội đối với đại biểu HĐND, buộc mỗi đại biểu phải hoạt động tốt hơn, có trách nhiệm hơn trước xã hội và cử tri. Đồng thời mỗi đại biểu HĐND phải xác định đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương”.

Ba là, theo luật định HĐND có chức năng, nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng với bộ máy như hiện nay thì khó thực hiện tốt nên phải xây dựng bộ máy tương ứng. Đối với HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cần quy định rõ Thường trực HĐND gồm có: Chủ tịch và các Phó chủ tịch; đồng thời tăng số lượng các đại biểu hoạt động chuyên trách của các ban HĐND tỉnh ngoài Trưởng hoặc Phó ban chuyên trách, nên bố trí một ủy viên có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực tương ứng để hoạt động chuyên trách.

Bốn là, quy định chặt chẽ cơ chế giám sát để tập thể HĐND và cử tri giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu HĐND nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu trước cử tri. Cần quy định cụ thể thời gian đại biểu HĐND phải dành cho hoạt động dân cử trong từng tháng hoặc quý; quy định chế độ sinh hoạt định kỳ để nhận xét đánh giá hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Hàng năm, mỗi đại biểu HĐND phải xây dựng chương trình công tác, đăng ký với Thường trực HĐND và báo cáo kết quả thực hiện với cử tri nơi mình được bầu.

Năm là, đổi mới công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu, cần thường xuyên cung cấp đầy đủ tài liệu, nhất là các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các luật mới được ban hành, các thông tin về tình hình KT - XH của địa phương cho đại biểu HĐND. Vì vậy, mỗi đại biểu phải chủ động, tích cực nắm bắt thông tin, nắm tình hình thực tế của địa phương để tham gia thực hiện tốt công tác giám sát, thẩm tra, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng tại diễn đàn kỳ họp của HĐND.

Sáu là, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu bằng nhiều hình thức (hội thảo, tập huấn theo chuyên đề…). Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu, nhất là các kiến thức về quản lý Nhà nước, pháp luật và kỹ năng có tính đặc thù trong hoạt động như: kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, tiếp xúc cử tri, giám sát tại kỳ họp, giám sát thường xuyên, thẩm tra, chất vấn, phản biện...

Bảy là, mỗi đại biểu HĐND phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước tập thể HĐND. Năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, không thụ động phụ thuộc vào hoạt động của Thường trực HĐND và các ban HĐND. Mỗi đại biểu HĐND cần tích cực rèn luyện kỹ năng giao tiếp, vận động, thuyết trình, không chỉ trong kỳ họp HĐND mà ngay trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Đại biểu HĐND phải thực sự là người đại diện của dân, phải trở thành những người bạn, như những người thân của cử tri.

 

Nguyễn Ngọc Dũng - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...