Thứ ba, 21/05/2024, 08:35 [GMT+7]

Bán đảo Triều Tiên: Đối thoại thay đối đầu

Thứ năm, 06/01/2011 - 14:28'
Những ngày đầu năm 2011, lập trường hướng đến đối thoại trên bán đảo Triều Tiên đang dần thay cho tình trạng "bên bờ vực chiến tranh" trước đó, khi các bên đều kêu gọi dàn xếp căng thẳng thông qua ngoại giao.
Máy bay săn tàu ngầm của Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Máy bay tuần tra săn tàu ngầm P-3CK của hải quân Hàn Quốc.

Những tín hiệu hoà giải xuất hiện liên tiếp trên bán đảo Triều Tiên những ngày đầu năm mới, trong đó mới nhất là việc Bình Nhưỡng đêm qua tỏ rõ thái độ xuống nước khi tuyên bố muốn "đàm phán vô điều kiện" với Seoul, nhằm chấm dứt những tháng căng thẳng đỉnh điểm của năm cũ.

Hãng thông tấn KCNA tuyên bố Bình Nhưỡng sẵn sàng gặp "bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào và tại bất cứ đâu", đồng thời đề xuất đối thoại và đàm phán với miền nam trên nhiều lĩnh vực để cùng chấm dứt các hành động khiêu khích lẫn nhau. Triều Tiên còn nhấn mạnh rằng chỉ có sự hợp tác như trên mới có thể giúp bán đảo "thoát ra khỏi tình trạng nghiêm trọng" và cải thiện quan hệ hai miền.

Đây không phải động thái quá bất ngờ của miền bắc, vì trong ngày đầu năm mới vừa qua, cơ quan ngôn luận của đảng cầm quyền Triều Tiên đã có bài xã luận đặc biệt kêu gọi cải thiện mối quan hệ Liên Triều trong năm 2011 và nhấn mạnh đến đối thoại để có thể tháo ngòi những căng thẳng "càng sớm càng tốt".

Quan điểm muốn đối thoại thay cho đối đầu của Bình Nhưỡng đã lan toả xuống miền nam, khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong bài phát biểu về chính sách đầu năm tuyên bố, Seoul để mở cánh cửa đối thoại mới với miền bắc và mời gọi thắt chặt hơn quan hệ kinh tế hai miền Triều Tiên.

"Nếu miền bắc thể hiện sự chân thành, chúng tôi sẽ nâng cao hợp tác kinh tế. Tôi muốn nhắc miền bắc rằng con đường đến hoà bình vẫn còn để ngỏ. Cánh cửa cho đối thoại vẫn mở", ông Lee nói thêm. Đây cũng là dấu hiệu thiện chí rõ ràng nhất từ Hàn Quốc sau nhiều tháng họ khước từ mọi cuộc thương thuyết với Bình Nhưỡng, kể từ sau vụ chiến hạm Cheonan bị đánh chìm hồi tháng 3 năm ngoái.

Một diễn biến ngoại giao khác có liên quan là việc đặc phát viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Bosworth hôm qua tới Seoul. BBC dẫn lời ông kêu gọi nối lại đàm phán với Triều Tiên và khẳng định: "Chúng tôi tin rằng những cuộc thương thuyết nghiêm túc phải là trung tâm trong mọi chiến lược đối với Bình Nhưỡng. Chúng tôi mong đợi sẽ khởi động tiến trình này trong thời gian sớm".

Đặc phái viên Bosworth cũng cho biết Washington và Bắc Kinh sẽ phối hợp với nhau chặt chẽ về tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Cuối tháng này Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ gặp nhau tại Washington và chắc chắn vấn đề Triều Tiên sẽ là điểm nổi bật trong chương trình nghị sự của hai bên.

Những tuyên bố mới nhất của hai miền Triều Tiên cho thấy rõ không khí hoà giải đang gia tăng sau khi tình hình bị đẩy đến "bên bờ vực chiến tranh" kể từ sau vụ đọ pháo trên đảo Yeonpyeong, hôm 23/11. Hàn Quốc sau đó đáp trả bằng hàng loạt cuộc tập trận bắn đạn thật rầm rộ, bất chấp lời đe doạ chiến tranh hạt nhân của miền bắc.

Nói cách khác, lập trường của hai miền Triều Tiên đang thay đổi theo hướng thuận lợi cho các giải pháp ngoại giao làm giảm căng thẳng trong khu vực Đông Bắc Á. Việc Hàn Quốc và Mỹ cùng gửi đi thông điệp nói rằng đàm phán phụ thuộc vào thái độ của Triều Tiên và Bình Nhưỡng đáp lại rằng họ muốn "thương thuyết" vô điều kiện, thì những cuộc đối thoại chính thức giữa các bên chỉ còn là vấn đề thời gian.

Binh sĩ đặc nhiệm Hàn Quốc luyện tập trong băng tuyết đầu năm 2011. Ảnh: AFP
Binh sĩ đặc nhiệm Hàn Quốc luyện tập trong băng tuyết đầu năm 2011.

Hàn Quốc tiếp tục "lên gân"

Dù tỏ rõ muốn tìm giải pháp hoà bình cho căng thẳng, Seoul vẫn tiếp nối các hoạt động quân sự thể hiện quan điểm cứng rắn từ cuối năm ngoái. Hải quân và lính thuỷ đánh bộ Hàn Quốc sẽ tổ chức tập trận chung với kịch bản chống một cuộc xâm nhập của binh sĩ Triều Tiên qua đường biển, vào hai ngày cuối tuần này. Theo giới chức Seoul, cuộc diễn tập nhằm nâng cao năng lực của Hàn Quốc trong việc sẵn sàng đánh lui các cuộc đổ bộ bất ngờ vào nhóm đảo nhỏ của nước này, nằm gần đường ranh giới trên biển giữa hai miền.

Trước đó đúng vào ngày đầu năm 2011, Hàn Quốc đã triển khai bổ sung 5 chiếc máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3CK vào phi đội gồm 11 chiếc tương tự, đang hoạt động tại vùng biển phía đông và phía tây nước này. Tờ JoongAng Ilbo dẫn lời một quan chức quân sự Hàn Quốc giải thích: "Hành động này nhằm cải thiện khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương sau vụ tàu ngầm Triều Tiên tấn công chiến hạm Cheonan".

Seoul dẫn kết luận từ một cuộc điều tra quốc tế khẳng định Bình Nhưỡng đứng sau vụ đánh chìm chiến hạm Cheonan của họ hồi tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên miền bắc liên tục phủ nhận cáo buộc này. "Với việc triển khai bổ sung máy bay tuần tra trên biển, chúng tôi có thể tăng cường hoạt động giám sát các tàu ngầm của miền bắc tại vùng Biển Đông và Hoàng hải", giới chức Hàn Quốc nói thêm về loại máy bay P-3CK vốn được mệnh danh là "sát thủ tàu ngầm".

Tuy vẫn còn tập trận và tăng cường khí tài quân sự, Hàn Quốc đã không còn đề cập đến những hoạt động có bắn đạn thật gây căng thẳng như trước đây. Giới quan sát nhận định, Seoul đã hoàn tất việc thể hiện thái độ kiên quyết cũng như sức mạnh quân sự của mình trước Triều Tiên, do đó đã đến lúc họ nỗ lực để nối lại các cuộc thương thuyết.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...