Thứ sáu, 17/05/2024, 07:07 [GMT+7]

Chiến đấu cơ tàng hình bí ẩn của Trung Quốc

Thứ sáu, 07/01/2011 - 14:57'
Hàng loạt ảnh máy bay tiêm kích tàng hình mới nhất của Trung Quốc đã xuất hiện trên mạng, song Bắc Kinh vẫn im lặng về sự tồn tại của nó. 
Một bức ảnh phi cơ tiêm kích tàng hình J-20 trên mạng Internet.

Trong khi đó các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng giới truyền thông quốc tế thổi phồng vấn đề nhằm thu hút sự chú ý của dư luận.

Hôm 3/1 tạp chí Aviation Week của Mỹ đưa tin phiên bản thử nghiệm của máy bay tiêm kích tàng hình J-20, phi cơ chiến đấu thế hệ thứ tư của Trung Quốc (tương đương với thế hệ thứ năm của phương Tây), đã bay thử nghiệm ở tốc độ cao tại sân bay của Viện Thiết kế Máy bay Thành Đô tại tỉnh Tứ Xuyên. Tuy nhiên, theo báo Global Times của Trung Quốc, những bức ảnh phi cơ J-20 rò rỉ trên mạng từ giữa tháng 12 năm ngoái. Báo này không nêu nguồn và cũng không xác nhận tính xác thực của chúng.

“Thế hệ máy bay chiến đấu thứ năm” là thuật ngữ mà giới chức Mỹ sử dụng để mô tả những phi cơ chiến đấu hiện đại nhất. Chúng là sự hội tụ của nhiều công nghệ hiện đại và có khả năng bay xa, chặn tín hiệu radar, sở hữu hệ thống máy tính mạnh có khả năng kết nối với máy tính dưới mặt đất. Theo những tiêu chí này, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới đã sử dụng thế hệ phi cơ chiến đấu thứ năm. Chúng bao gồm F-22 và F-35 Lightning II.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga, Sukhoi T-50, từng bay thử hồi tháng 1 năm ngoái song quân đội chưa sử dụng.

Đăng một bức ảnh không có nguồn, Aviation Week mô tả J-20 là phi cơ có một chỗ ngồi, hai động cơ. Nó to hơn và nặng hơn máy bay tiêm kích tàng hình Sukhoi T-50 của Nga và F-22 của Mỹ. Chiều dài thân của nó là 22,86 m, còn sải cánh là 13,7 m. Máy bay có các bộ ổn định chuyển động theo chiều dọc giống như Sukhoi T-50.

Tuy nhiên, động cơ của máy bay vẫn có vấn đề. Vì thế tác giả cho rằng còn quá sớm để nói J-20 là phiên bản mẫu của thế hệ máy bay tiêm kích tàng hình mới nhất của Trung Quốc hay chỉ được chế tạo để thử công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu.

Một bức ảnh cho thấy J-20 đang chạy trên đường băng. Ảnh: Telegraph.
Một bức ảnh cho thấy J-20 trên đường băng.

Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga từng đưa tin J-20 có thể dùng động cơ Shenyang WS-10 do Trung Quốc thiết kế. Động cơ này hoạt động kém hơn so với những động cơ do Nga chế tạo.

Giới chức Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về những bức ảnh được cho là phi cơ tiêm kích tàng hình J-20 trên mạng. Tuy nhiên, một năm trước phó tư lệnh không quân Trung Quốc, tướng He Weirong, nói với đài truyền hình trung ương Trung Quốc rằng nước này đang đạt được những tiến bộ trong quá trình phát triển phi cơ chiến đấu thế hệ thứ tư.

Ngay sau tuyên bố của tướng He, không quân Trung Quốc thông báo phi cơ mà ông đề cập thực ra chỉ là phiên bản nâng cấp của J-10, thế hệ phi cơ chiến đấu thứ ba. J-10 sở hữu nhiều tính năng của thế hệ thứ tư như khả năng tránh radar và mang lượng vũ khí lớn.

“Nếu quá trình phát triển J-20 thực sự diễn ra, nó sẽ là một bằng chứng nữa về sự tiến bộ nhanh chóng của nền công nghiệp Trung Quốc. Hai thành quả đáng kể khác của công nghiệp Trung Quốc là hệ thống tàu cao tốc và thám hiểm vũ trụ. Ngoài ý nghĩa về quân sự, J-20 còn có vai trò quan trọng trên phương diện chính trị, bởi nó cho thấy sức mạnh đang lên của Trung Quốc”, Song Xiaojun, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, phát biểu với Global Times.

Quân đội Mỹ nghiên cứu và chế tạo F-22 trong 15 năm. Chi phí dành cho mỗi chiếc lên tới khoảng 150 triệu USD. Để thuyết phục quốc hội tăng ngân sách cho quân đội, năm 2009 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng tuyên bố Trung Quốc có khả năng chế tạo được phi cơ chiến đấu tàng hình trước năm 2020 và sẽ đưa vào sử dụng vài chiếc trước năm 2025. Vì thế ông kêu gọi quốc hội tăng ngân sách quốc phòng để Mỹ tiếp tục dẫn trước Trung Quốc về công nghệ quốc phòng.

Li Daguang, một chuyên gia quân sự của Học viện Quốc phòng Trung Quốc, nhận định ông Gates tỏ ra quá lạc quan.

“Lời đồn đại về J-20 chỉ là sự phỏng đoán đơn thuần. F-22 là vũ khí tấn công phù hợp với chiến lược toàn cầu của Washington. Bản chất của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là phòng vệ. Vì thế chúng tôi không cần loại phi cơ chiến đấu ngang tầm F-22. Hơn nữa, nếu Trung Quốc muốn dùng phi cơ chiến đấu tàng hình, chính phủ sẽ phải sản xuất chúng với số lượng lớn thì mới có thể tác động tới thế cân bằng quân sự trong khu vực. Mỹ đã chế tạo 187 chiếc F-22. Vậy Trung Quốc nên sản xuất bao nhiêu chiếc?”, Li nói.

Bắc Kinh đặt ra mục tiêu chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình từ giữa thập niên 90, song Li nhấn mạnh rằng công nghệ hàng không của Trung Quốc vẫn còn thua xa các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

“Giới truyền thông tại một số nước phương Tây có vẻ lạc quan hơn cả Gates và người dân Trung Quốc. Họ thổi phồng vấn đề vì họ muốn như vậy”, ông bình luận.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...