Thứ hai, 29/04/2024, 20:05 [GMT+7]

Bước đột phá của thể thao Lai Châu

Chủ nhật, 31/12/2023 - 09:54'
20 năm chia tách và thành lập tỉnh, thể thao Lai Châu không ngừng phát triển. Từ cơ sở vật chất, quần chúng tham gia đến vận động viên (VĐV) ngày càng lớn mạnh, gặt hái nhiều thành tích cao.

Thể dục thể thao (TDTT) là món ăn tinh thần, gắn với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Điều đó được chứng minh khi mỗi buổi sáng sớm hay giờ tan tầm, ở các sân tập, nhà thi đấu luôn nhộn nhịp người chơi thể thao, không phân biệt tuổi tác, trình độ. Mỗi người lựa chọn cho mình một môn để chơi, dựa vào sở trường, lòng đam mê. TDTT không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn tạo sự đoàn kết, tinh thần vui tươi, lạc quan.
Năm 2004, thể thao Lai Châu gặp muôn vàn khó khăn, muốn đẩy mạnh phong trào TDTT, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mà cơ sở vật chất lại thiếu thốn, dụng cụ thi đấu không đủ trang bị. Trong khi đó, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, đời sống nghèo khó, gây trở ngại đến hoạt động của phong trào. Để thể thao tỉnh nhà phát triển và ngày càng lớn mạnh, UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp chỉ đạo, quan tâm sát sao, trực tiếp là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ động nắm bắt những thuận lợi, khó khăn về điều kiện tự nhiên, xã hội, trình độ dân trí, nhu cầu của nhân dân... để tham mưu UBND tỉnh đầu tư sân bãi, nhà thi đấu, thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền đến nhân dân các dân tộc hiểu rõ tầm quan trọng của việc luyện tập TDTT hằng ngày. Đặc biệt, quan tâm phát triển phong trào TDTT trong trường học, nâng cao vóc dáng, thể chất cho thế hệ trẻ. Cổ vũ, tuyên dương kịp thời các VĐV có thành tích cao, gia đình thể thao, câu lạc bộ thể thao, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Ngoài ra, phát triển thể thao hiện đại gắn với đẩy mạnh thể thao truyền thống, giữ gìn bản sắc các dân tộc.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, thể thao Lai Châu không ngừng phát triển, từ một nền thể thao còn non trẻ đã vươn tầm ra khu vực, tranh tài ở các giải đấu lớn của đất nước mang nhiều thành tích về cho tỉnh nhà. Phong trào TDTT lan tỏa sâu rộng đến vùng sâu, vùng xa, được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, 102/102 xã, phường, thị trấn và nhiều thôn, bản, tổ dân phố đã có đội thể thao, 145.668 người tập luyện thể thao thường xuyên, chiếm 28,60% dân số; 18.869 gia đình thể thao, chiếm 18,22% số gia đình toàn tỉnh; 410 câu lạc bộ thể thao và điểm tập luyện TDTT, so với năm 2004 tăng 15,6% dân số tham gia, 15.669 gia đình thể thao, 326 câu lạc bộ thể thao.

Các vận động viên tham gia Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023.

Anh Phàn A Páo (bản Nậm Lò, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ) cho biết: Ngày trước, điều kiện thiếu thốn, cuộc sống khó khăn, dân bản tôi ít được chơi các môn thể thao để nâng cao sức khỏe. Được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, đầu tư xây dựng sân bãi, việc tập luyện diễn ra thường xuyên với các môn như: bóng đá, bóng chuyền hơi, cầu lông. Bà con không chỉ được giao lưu, thi đấu với nhau, góp phần cải thiện sức khỏe, mà còn tăng cường tình đoàn kết.
Ngoài đẩy mạnh phong trào TDTT, tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động TDTT gắn với các sự kiện, lễ hội với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn. Đến nay sau 20 năm, tỉnh tổ chức thành công 5 kỳ Đại hội TDTT cấp tỉnh, đăng cai tổ chức nhiều giải khu vực và toàn quốc như: Ngày hội Văn hóa - Thể thao, Du lịch các tỉnh Tây Bắc, giải cầu lông 8 tỉnh Tây Bắc bộ, Ngày hội Văn hoá dân tộc Thái toàn quốc lần thứ I, Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực I lần thứ IX, giải vô địch đẩy gậy quốc gia...
Việc triển khai và thực hiện Đề án Đào tạo năng khiếu TDTT và VĐV thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả. Duy trì đào tạo 97 VĐV ở cả 3 tuyến: tuyến đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu ở 7 môn (điền kinh, cầu lông, taekwondo, vật, đẩy gậy, karate, boxing). Hằng năm, tỉnh thành lập các đoàn VĐV tham gia giải thi đấu khu vực và toàn quốc. Từ năm 2004 đến nay, các VĐV giành được 763 huy chương các loại.
Để phát triển TDTT, cơ sở vật chất luôn là yếu tố quan trọng, tỉnh tập trung nguồn lực, huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng sân bãi, nhà thi đấu, phục vụ tốt nhất cho các hoạt động TDTT, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân dân tập luyện, từ đó phát hiện những nhân tố mới để bồi dưỡng, tham gia các giải cấp cao hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 146 nhà luyện tập thể thao, 19 sân quần vợt, 26 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 5 sân vận động cấp huyện.
Đồng chí Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao vai trò của thể thao; tăng cường đầu tư nguồn nhân lực, cung cấp tài năng cho tỉnh. Đổi mới phương pháp quản lý hoạt động, tổ chức bộ máy các cấp. Đầu tư, nâng cấp sân bãi, tạo điều kiện tốt nhất cho người chơi.
Sau 20 năm nhìn lại, thể thao Lai Châu đã có những bước đột phá, gây dựng được vị thế trên bản đồ thể thao của đất nước.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...