Thứ hai, 06/05/2024, 09:55 [GMT+7]

Ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa văn nghệ dân gian

Thứ hai, 30/01/2012 - 15:20'
(BLC) -Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên Lai Châu Online có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Tấc - Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam tỉnh Lai Châu về công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của các dân tộc trong tỉnh.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu (Lễ hội cốm) ở xã Mường So (huyện Phong Thổ) được Hội Văn học – Nghệ thuật Lai Châu phục dựng đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Thái nơi đây.

Phóng viên (P.V): Thưa bà, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 38 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp VHNT Lai Châu?

Bà Đỗ Thị Tấc: Như một luồng sinh khí mới. ở Lai Châu có thể nói, Chỉ thị 38 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của lãnh đạo các cấp và một số ngành có liên quan đến VHNT. Tôi xin dẫn chứng cụ thể: Ngân sách cho sự nghiệp VHNT hàng năm đều giữ ổn định hoặc tăng; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công việc được quan tâm đầu tư; "Câu lạc bộ bảo tồn văn hoá, văn nghệ dân gian" ở các xã được Đảng uỷ - chính quyền và các đoàn thể quan tâm duy trì hoạt động thường xuyên... Đặc biệt năm 2012, Giải thưởng VHNT Lai Châu, Quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm công trình VHNT Lai Châu được thành lập sẽ tạo sức mạnh và động lực lớn để VHNT Lai Châu bứt phá vươn lên một bước mới.

P.V: Với các văn nghệ sỹ và những người làm công tác VHNT thì sao, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Tấc: Họ lạc quan, phấn khởi vì được quan tâm cả về vật chất và tinh thần. Họ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ thường xuyên, được hỗ trợ kinh phí để thực tế sáng tác, nghiên cứu tại địa bàn cơ sở; tác phẩm công trình của họ được phổ biến. Vậy là, mọi khó khăn vất vả thiếu thốn đều không có ý nghĩa. Tác phẩm đạt ở mức nào thì còn phụ thuộc vào tài năng của từng người. Nhưng tâm huyết, tình yêu quê hương, đất nước và con người thì luôn cuốn hút họ.

P.V: Chúng tôi được biết, công tác sưu tầm, bảo tồn, phổ biến di sản văn hoá văn nghệ dân gian các dân tộc Lai Châu của Hội VHNT Lai Châu được Uỷ ban Toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội chuyên ngành Trung ương và tỉnh đánh giá cao. Bà có thể cho bạn đọc biết kết quả của công tác này?

Bà Đỗ Thị Tấc: Từ năm 2009 - 2011, Hội VHNT Lai Châu bắt đầu tập trung sâu cho các hoạt động chuyên ngành. Đây cũng là thời kỳ, nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm công trình VHNT hàng năm cho Hội của Chính phủ được tăng từ 100 triệu lên 480 triệu đồng. Từ nguồn này, mỗi năm Hội tổ chức từ 3 đến 6 đợt tập huấn nghiệp vụ và thực tế sáng tác dài ngày tại cơ sở; mở trại sáng tác cho hội viên các chuyên ngành; hỗ trợ kinh phí cho trên 100 lượt tác giả để họ đi điền dã sưu tầm, bổ sung tư liệu hoàn thiện công trình tác phẩm. Từ những bản thảo đạt loại A, Hội xét chọn để in ấn phổ biến và bảo tồn.

Về bảo tồn, Hội xác định có 2 dạng bảo tồn: bảo tồn sống tại cộng đồng và bảo tồn bằng văn bản (sách xuất bản) gửi tới các xã, hệ thống thư viện từ tỉnh tới huyện và các trường học.

Về bảo tồn sống tại cộng đồng, chúng tôi xác định thông qua các "câu lạc bộ bảo tồn văn hoá văn nghệ dân gian" do Hội thành lập ở các xã, bản. Câu lạc bộ có nhiệm vụ truyền dạy di sản văn nghệ dân gian cho lớp trẻ từ học sinh tiểu học đến trung niên... Nội dung truyền dạy: dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... Đặc biệt, Hội đã phục dựng được lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu (Lễ hội cốm) của người Thái ở Mường So (huyện Phong Thổ); cùng với các ngành chức năng phục dựng Lễ hội Nàng Han ở Mường So; Lễ hội Kin Pang Then ở Khổng Lào (Phong Thổ); tổ chức lớp truyền dạy dân ca Hà Nhì ở Ka Lăng (huyện Mường Tè); dân ca dao duyên dân tộc Dao ở Hoang Thèn (Phong Thổ); dân ca dao duyên dân tộc Thái Mường So (Phong Thổ); Mường Cang (Than Uyên).

Trong 3 năm, Hội đã hỗ trợ kinh phí đi điền dã, thực tế hoàn thiện công trình tác phẩm cho trên 60 hội viên là tác giả của 57 tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật. Từ 57 tác phẩm công trình trên, hội đã biên tập, in ấn, xuất bản để phổ biến 30 tác phẩm công trình. Trong đó có 12 công trình giới thiệu di sản văn hoá văn nghệ dân gian của dân tộc Thái, dân tộc Mông, dân tộc Dao, dân tộc Pú Nả...

Các tác phẩm, công trình dự xét hỗ trợ và in ấn phổ biến hàng năm đều được Hội đồng thẩm định (bằng phiếu). Những tác phẩm công trình được xếp loại A sẽ được xét chọn để in ấn, phổ biến. Thành viên Hội đồng đều là những tác giả có uy tín, là hội viên các Hội chuyên ngành Trung ương và có đại diện của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

Những tác phẩm công trình được in ấn, xuất bản là những tác phẩm công trình có chất lượng cao. Điều này được minh chứng bằng giải thưởng của Uỷ ban Toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, của các Hội chuyên ngành Trung ương. Chẳng hạn như: tác phẩm tiểu thuyết "Vượt dãy Hoàng Liên" của tác giả Hà Mạnh Phong đã đạt giải B (không có giải A) của Uỷ ban Toàn quốc năm 2010; tác phẩm "Đám cưới của người Pú Nả ở Lai Châu" của tác giả Lò Văn Chiến được giải B của Hội VHNT các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam năm 2011. Tác phẩm "Kin Pang Then của người Thái trắng ở Lai Châu" của tác giả Đỗ Thị Tấc được giải C của Hội VHNT các DTTS Việt Nam năm 2010; công trình nghiên cứu "Khám xúng phi tai" (Lời tiễn hồn người chết lên trời) của người Thái trắng ở Lai Châu, tác giả Đỗ Thị Tấc đạt giải B (không có giải A) của Hội VNDG Việt Nam năm 2011; tác phẩm âm nhạc (ca khúc) "Bài ca biên phòng" của tác giả Vũ Thanh Phương được giải nhất cuộc thi sáng tác về biên phòng của Bộ Tư lệnh Biên phòng và Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2009... 

P.V: Thưa bà, Hội đã có chủ trương giải pháp nào để sự nghiệp VHNT nói chung và công tác bảo tồn di sản văn hoá, văn nghệ dân gian các dân tộc Lai Châu đạt được những thành tích trên, phương hướng cho những năm tiếp theo thế nào?

Bà Đỗ Thị Tấc: Tập hợp lực lượng, đoàn kết đồng lòng, khơi dậy niềm tự hào và cảm hứng sáng tạo cho từng hội viên, cộng tác viên. Đó là chủ trương, là phương châm chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho mọi hoạt động của Hội. Sức mạnh của tổ chức chính là những con người. Khi mọi thành viên trong tổ chức được phát huy sở trường thì trí tuệ, tâm huyết của từng người sẽ đan kết lại tạo thành sức mạnh lớn vựơt qua mọi gian nan. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội đã làm được điều đó. Lực lượng mỏng thì đi tìm, bồi dưỡng, đào tạo phát triển lực lượng cộng tác viên.

Riêng chuyên ngành văn nghệ dân gian, đến nay chúng tôi đã phát hiện, bồi dưỡng được trên 30 cộng tác viên. Đó là các cụ già, thầy mo, thầy then, thầy một đang nắm giữ kho tàng dân ca, dân vũ, âm nhạc dân gian; nắm giữ tri thức văn hoá văn nghệ dân gian của các dân tộc. Từ chỗ khơi dậy trong họ niềm tự hào về văn hoá của dân tộc, chúng tôi đã vận động, động viên, khuyến khích họ cộng tác để cung cấp tư liệu và tham gia dịch, thuật. Những cộng tác viên này cũng là lực lượng nòng cốt của các "Câu lạc bộ bảo tồn văn hoá, văn nghệ dân gian" ở các bản, xã; họ cũng chính là người tham gia phục dựng bảo tồn các lễ hội dân gian của dân tộc. 

Giai đoạn 2012 - 2016 là thời gian Hội xác định ưu tiên tập trung mọi nguồn lực cho công tác điền dã sưu tầm, bảo tồn di sản văn hoá văn nghệ dân gian. Cụ thể, thành lập phân hội văn nghệ dân gian ở chi hội các huyện thị; thành lập thêm, đồng thời duy trì, củng cố hoạt động truyền dạy, bảo tồn ở câu lạc bộ cấp xã, bản; tăng nguồn kinh phí hỗ trợ hoàn thiện bản thảo tác phẩm, công trình và in ấn, phổ biến những công trình, tác phẩm đạt chất lượng cao; đăng cai tổ chức Hội thảo về bảo tồn di sản văn hoá văn nghệ dân gian; tổ chức các hoạt động giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn.

P.V: Xin cảm ơn bà!

 

Vương Sinh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...