Thứ hai, 29/04/2024, 08:15 [GMT+7]

“Bảo tàng sống” gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá dân tộc

Thứ sáu, 01/03/2024 - 11:37'
Những ngày đầu xuân mới, chúng tôi ngược cung đường về với thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) để tham dự Lễ hội Đua thuyền Pa So - đây là lễ hội truyền thống của dân tộc Thái được phục dựng năm 2023. Tại bến thuyền, nhân dân và du khách chứng kiến phần nghi lễ trang trọng không thể thiếu của mỗi lễ hội. Trong bộ trang phục dân tộc, nghệ nhân nhân dân Nông Văn Nảo (82 tuổi) mời các vị thần linh về ban sức khoẻ cho bà con trong vùng để đánh bắt được nhiều tôm, cá; cho thuyền vững chãi chở nhiều nông sản giúp người dân.

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, ông Nảo luôn làm chủ lễ ở 4 lễ hội chính của dân tộc Thái trên địa bàn huyện như: Áp Hô Chiêng, Kin Lẩu Khẩu Mẩu, Đua thuyền Pa So, Nàng Han. Ông Nảo tâm sự: Năm 1978, tôi bắt đầu nghiên cứu, tự học những bài thơ, bài ca có trong lễ cưới; các bài tiễn hồn người khuất lên trời dài hơn 1.400 câu. Mỗi năm, nhà ai có việc đến nhờ, tôi đều giúp. Từ năm 2012 đến nay, được cán bộ xã Mường So tin tưởng, giao cho tôi làm chủ phần nghi thức cúng của các lễ hội truyền thống dân tộc Thái. Mỗi lễ hội có những bài khấn, mời các vị thần linh khác nhau. Hiện, tôi đã viết các bài khấn có phần dịch, đang truyền dạy cho 4 người trẻ để tiếp tục gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Thái.
Theo các cung đường uốn lượn, từ Phong Thổ chúng tôi xuôi về miền đất gió huyện Than Uyên để gặp gỡ nghệ nhân ưu tú Lò Văn Sơi ở xã Mường Cang. Ông Sơi đã viết, dịch hơn 30 cuốn sách hay và ý nghĩa về văn hoá tín ngưỡng của người Thái. Không những thế, ông còn là người sáng lập ra câu lạc bộ hát then đàn tính của bản, xã; thành viên tiêu biểu trong Ban Vận động Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Thái huyện Than Uyên. Từ những năm 2020, ông mở các lớp truyền dạy chữ Thái cho thanh niên, học sinh trên địa bàn xã; tích cực tham gia truyền dạy điệu hát then, đàn tính, làn điệu dân ca Thái tại trường học.
Ông Sơi phấn khởi: Tôi luôn quan niệm, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là cách để mình hướng về nguồn cội. Mỗi dân tộc có những nét văn hoá đặc trưng khác nhau, giúp bà con đoàn kết hơn, có động lực thi đua học tập, lao động sản xuất. Vì vậy, tôi luôn trân trọng, cố gắng bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống dân tộc mình.

Nhờ có sự góp sức của các nghệ nhân, đến nay, toàn tỉnh đã khôi phục nhiều lễ hội truyền thống. Trong ảnh: Nghệ nhân nhân dân Nông Văn Nảo thực hiện nghi thức cúng thần linh tại Lễ hội Đua thuyền Pa So (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ).

Từ lâu nay, những nghệ nhân được ví như “bảo tàng sống” gìn giữ nguyên bản giá trị văn hoá dân tộc. Trong thời đại ngày nay, với sự giao thoa của nhiều nền văn hoá khác nhau, vai trò của nghệ nhân càng đặc biệt quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy những đặc trưng, bản sắc riêng có của mỗi dân tộc không bị mai một hay hoà tan. Nhờ có sự góp sức của các nghệ nhân, đến nay, toàn tỉnh đã khôi phục và duy trì tổ chức được nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc: Cống, Mảng, Hà Nhì, Si La, Dao, Giáy, Thái, Mông, Khơ Mú… Gìn giữ và phát triển những làn điệu dân ca, dân vũ, hát then đến các bản trường ca hấp dẫn. Trong mỗi lễ hội hay bất cứ sự kiện văn hoá, du lịch nào của xã, huyện, tỉnh đều có sự xuất hiện của đội ngũ nghệ nhân trong vai trò là người dìu dắt, hướng dẫn và thực hành biểu diễn.
Nghệ nhân ưu tú Hù Cố Xuân ở huyện Mường Tè chia sẻ: Tôi lớn lên từ những làn điệu dân ca của bà, mẹ. Tôi yêu và tự hào về bản sắc văn hoá dân tộc Si La của mình. Do đó, tôi luôn nỗ lực, cố gắng để truyền dạy lại những làn điệu dân ca, điệu múa cổ cho chị em, học sinh các bản ở xã Can Hồ. Rồi tham gia viết sách, đứng lớp giảng dạy về văn hoá Si La cho thế hệ trẻ. Si La là một trong những dân tộc rất ít người, nếu bây giờ không gìn giữ, không truyền dạy lại giá trị văn hoá phi vật thể và vật thể thì e rằng, chỉ thời gian ngắn nữa những lời ca, điệu múa cổ sẽ không còn.
Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho hay: Hàng năm, các cấp, các ngành tỉnh quan tâm, động viên tinh thần các nghệ nhân thông qua việc đảm bảo chế độ, chính sách theo hỗ trợ của trung ương, tỉnh; thăm hỏi ốm, đau; tặng quà ngày lễ, tết. Tổ chức các hội nghị, buổi toạ đàm để các nghệ nhân giao lưu, chia sẻ và truyền lửa đam mê văn hoá cho thế hệ trẻ. Mời nghệ nhân tham gia truyền dạy văn hoá cho học sinh. Đặc biệt, trong mỗi sự kiện văn hoá, lễ hội, chúng tôi và các địa phương luôn đề cao vai trò của nghệ nhân trong thực hành, biểu diễn loại hình văn hoá độc đáo của các dân tộc.
Năm 2021, tỉnh thực hiện quy trình xét tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú lần thứ III năm 2021 cho 5 nghệ nhân đảm bảo đúng quy định. Đến nay, tỉnh có 1 nghệ nhân nhân dân, 15 nghệ nhân ưu tú. Bên cạnh đó, có rất nhiều người đã và đang tích cực biểu diễn, truyền dạy văn hoá tại các thôn, bản trên địa bàn được nhân dân yêu quý, gọi với tên trìu mến “nghệ nhân dân gian”. Mong rằng, các nghệ nhân sẽ tiếp tục “thắp lửa”, “truyền lửa” tình yêu và niềm đam mê văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ, để bản sắc văn hoá các dân tộc Lai Châu luôn trường tồn theo thời gian.

Đông - Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...