Thứ bảy, 04/05/2024, 01:28 [GMT+7]

Người chắp cánh cho dân ca dân vũ bay xa

Thứ ba, 08/03/2011 - 17:55'
(BLC) - Mỗi độ xuân về hay vào dịp lễ hội những bài hát của nhạc sĩ Vương Khon - một người con yêu thương của núi rừng Tây Bắc lại vang lên rộn ràng, mê đắm khắp núi rừng, mường bản.

Mùa xuân Tân Mão này nhạc sĩ Vương Khon bước vào tuổi 63, vẫn nhiệt huyết, đam mê với âm nhạc. Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương Mường So, Phong Thổ - một vùng đất không chỉ giàu truyền thống đấu tranh cách mạng mà còn là một chiếc nôi văn hoá của dân tộc Thái, tự bao đời vẫn lưu truyền các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo, đậm đà bản sắc quê hương… Và, những tinh hoa văn hoá nguồn cội ấy, như một lẽ tự nhiên, ngấm vào lời ru của mẹ, lặn vào tiếng đàn tính của cha, như bầu sữa ngọt lành từng ngày, từng ngày nuôi dưỡng tâm hồn cậu bé Vương Khon, biến nó trở thành niềm đam mê cháy bỏng, thôi thúc cậu đến với cây đàn, giọng hát, với những đêm hội xòe ngày xuân. Và để rồi, cũng như một lẽ tự nhiên, năm 1966, chàng trai 17 tuổi Vương Khon đã trúng tuyển vào Đoàn văn công khu tự trị Tây Bắc và được cử theo học 3 năm tại Trường Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc.

Nhạc sỹ Vương Khon dạy Đội văn nghệ bản Vàng Pheo, xã Mường So (huyện Phong Thổ) tập hát.

Trong suốt 43 năm miệt mài gắn bó với con đường nghệ thuật, nhạc sĩ Vương Khon đã sáng tác một khối lượng khá đồ sộ: hơn 160 ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, con người các dân tộc Lai Châu, Điện Biên và vùng cao Tây Bắc. Nhiều bài đã trở thành niềm tự hào của quê hương.

Các sáng tác của Vương Khon thường đi vào lòng người bằng lời ca mộc mạc, dung dị, phản ánh chân thực cuộc sống, tâm tư, tình cảm của đồng bào dân tộc thời kỳ đổi mới, trong đó có sự kế thừa, kết hợp và phát triển nhuần nhuyễn từ các làn điệu dân ca, từ nền thơ ca độc đáo của dân tộc Thái và các dân tộc ít người Tây Bắc.

Sẵn có tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ chân chính, lại nắm trong tay kho báu âm nhạc dân gian, dân vũ của các dân tộc vùng Tây Bắc, thêm vào đó là một tính cách rất “Tây Bắc”: giản dị, kiệm lời, chân thành, tình cảm, Vương Khon hòa nhập một cách hết sức tự nhiên vào đời sống sinh hoạt và tinh thần của các dân tộc ít người. Và những bài hát của ông được viết ra cũng mộc mạc, đời thường, bình dị như chính con người ông vậy: rất dễ nghe, dễ cảm, dễ múa. Ví như các ca khúc: Dòng sông điệu khắp; Vòng xoè thương nhau…

Không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa, Vương Khon còn là một cán bộ tận tâm, tận lực vì sự nghiệp văn hoá. Suốt 12 năm làm Trưởng Đoàn Nghệ thuật Hoa Ban trắng tỉnh Lai Châu cũ nay là tỉnh Điện Biên (1997 – 2009), dường như ông không bao giờ quản ngại khó khăn gian khổ, luôn cùng đoàn lặn lội đi biểu diễn phục vụ đồng bào khắp mọi vùng quê, bất chấp đường sá xa xôi hiểm trở… Và từ những chuyến đi thực tế gian lao ấy, nhiều cảm xúc lại được dâng trào trong ông thành những ca khúc lay động lòng người như: Người đẹp Mường Then; Bên suối Mường So; Muờng Bum…

Nhạc sĩ Vương Khon là người rất có ý thức trong việc bảo tồn và biết cách phát huy kho tàng dân ca vô giá của dân tộc mình. Những kiến thức ông sưu tầm, nghiên cứu từ kho tàng ấy đã tạo đà cho ông thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Ông đã cùng với một số nghệ nhân có tên tuổi dựa trên chất liệu dân gian đưa dân ca Thái thành những ca khúc nổi tiếng không chỉ người Thái trong vùng Tây Bắc ưa thích mà còn lan ra cả nước ngoài. “Cá Bống vùi” là một bài như vậy: 

Ước được ăn cá bống vùi gio

Ước được về Mường So thăm nàng

Ngày hội kin pang then mường

Xương lai! Lả xương lai…

Tự luyện, tự học, tự nghiên cứu tìm tòi vốn cũ dân gian và kinh nghiệm thực tế nhằm kế thừa và nâng cao dân ca Thái không ngăn cản Vương Khon thể hiện độc đáo bản lĩnh nghệ thuật của mình. Bản lĩnh ấy đã được nuôi dưỡng bởi tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào âm nhạc dân gian. Những ca khúc do ông sáng tác suốt cuộc đời lao động nghệ thuật từ năm 1966 ở Đoàn Văn công khu Tây Bắc rồi Đoàn Ca múa Sơn La, Đoàn nghệ thuật Hoa Ban trắng, cho đến nay có thể nói là những đóng góp đáng kể vào đời sống văn hóa, văn nghệ của vùng Tây Bắc.

Trời không chỉ cho Vương Khon tài năng để sáng tạo nghệ thuật, trời còn ban tặng cho ông người vợ - chị Hoàng Thị Phóng, quê ở Yên Châu, Sơn La cũng là diễn viên múa tài năng trong đoàn, luôn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng ông trong đời sống riêng tư và đồng hành cùng ông, giúp đỡ ông trong sự nghiệp sáng tác.

Cô con gái út Thanh Lan của hai vợ chồng tốt nghiệp loại xuất sắc hệ cao đẳng huấn luyện múa Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nay đã trở thành nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lai Châu.

Giống như điệu xoè Thái ngất ngây không tuổi, ngọn lửa đam mê và khát khao sáng tạo, khát khao cống hiến trong tâm hồn nhạc sĩ Vương Khon sẽ còn cháy mãi, dẫu rằng, giờ đây ông đã có được bến đỗ bình yên. Ngôi nhà nằm ngay chân núi ở phường Tân Phong - thị xã Lai Châu, rồi đây sẽ là nơi tiếp tục ra đời những tác phẩm mới, nơi đầy ắp những tiếng đàn lời ca của các thế hệ học trò mà ông luôn ao ước được có thời gian chăm lo dạy dỗ… Bởi con người ông là thế.

Trong không khí ấm áp của mùa xuân, ông có dịp trở lại quê hương, vẫn còn đó con suối Nặm So, nơi quăng chài thả lưới bắt cá, bãi chăn trâu, cắt cỏ của tuổi thơ đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho cậu trai bản ngày nào trở thành người nhạc sỹ như ngày hôm nay. Nhớ lắm, thương lắm, quý lắm tình cảm của bà con dành cho ông suốt những năm tháng rong ruổi trên những nẻo đường phục vụ văn hóa, văn nghệ. Ông luôn cảm thấy như người mắc nợ với quê hương, với đồng bào, cần phải lao động sáng tạo suốt đời để đền đáp…

Những ca khúc của nhạc sỹ Vương Khon sáng tác đều có nét độc đáo, giai điệu đẹp, đa dạng, tiết tấu phong phú, tính dân tộc sâu đậm bắt nguồn từ dân ca, dân vũ mà chủ yếu là dân ca Thái, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc.

Ông được xem là một trong những người đi đầu, đặt nền móng cho việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn một cách có hệ thống nền dân ca Thái và là người có công lao lớn trong việc phát triển kho tàng dân ca ấy.

Những giá trị cống hiến của ông đã được khẳng định bằng nhiều giải thưởng do Hội Nhạc sỹ Việt Nam và các cấp, các ngành trao tặng. Nhưng phần thưởng cao quý hơn cả đối với ông vẫn là sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo bà con dân tộc. Mỗi độ xuân về hay ngày lễ hội những ca khúc của ông lại vang lên khắp mọi vùng trên quê hương Lai Châu và núi rừng Tây Bắc.


THUÝ NGOẠN

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...