Chủ nhật, 28/04/2024, 23:26 [GMT+7]

Rộn ràng đón tết cổ truyền chào năm mới

Chủ nhật, 04/02/2024 - 09:47'
Sau vụ mùa bội thu, thóc, gạo đầy nhà, khi những bông hoa dã quỳ vàng rực khắp các bản vùng cao cũng là thời điểm đồng bào Hà Nhì ở huyện Mường Tè rộn ràng đón tết cổ truyền, chào năm mới. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, đoàn tụ bên nhau và thăm hỏi bạn bè, cầu chúc những điều may mắn sẽ đến với mọi người, mọi nhà.

Trong mỗi dịp xuân mới, người dân Hà Nhì (xã Ka Lăng) tập trung vui đánh cầu lông gà.

Người Hà Nhì ở Mường Tè sinh sống tập trung ở các xã vùng cao, biên giới gồm: Thu Lũm, Ka Lăng, Mù Cả, Tá Bạ. Đây là một trong những dân tộc còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống riêng biệt, trong đó, có tết cổ truyền (Có nhẹ trà). Để đón tết đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ, các gia đình trong bản quét dọn, chỉnh trang nhà, khuôn viên sân vườn sạch sẽ trước nhiều ngày; sắm sửa những bộ quần áo mới, trang phục truyền thống, chuẩn bị tươm tất lương thực, thực phẩm các loại. Đặc biệt, các loại bánh truyền thống (bánh giầy, chưng, trôi) được các gia đình làm nhiều để thờ cúng tổ tiên, chia cho con cháu hưởng lộc ngày tết và làm quà biếu cho khách.
Theo truyền thống, người Hà Nhì ăn tết vào ngày thìn, tức ngày con rồng - ngày tượng trưng cho sự bình an, giàu có, thường rơi vào tháng 11 dương lịch hằng năm. Đây là lúc bà con Hà Nhì đã kết thúc mọi công việc đồng áng, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, có đủ điều kiện để ăn tết vui vẻ, đầm ấm. Năm nay, tết cổ truyền của người Hà Nhì được tổ chức từ ngày 18 - 22/11 dương lịch, diễn ra trong 5 ngày.

Sáng sớm ngày mùng 1 tết, khi sương đêm còn phủ kín khắp các bản thì người Hà Nhì đã thức giấc, người người, nhà nhà hối hả chuẩn bị tết. Những bếp lửa bập bùng được nhóm lên nấu xôi làm bánh giầy, đun nước mổ lợn, cúng gia tiên để thông báo, mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Đồng thời, cầu mong một năm mới mọi người có sức khỏe dồi dào, làm ăn may mắn, kinh tế đủ đầy, gia đình yên ấm, bà con đoàn kết, mưa thuận gió hòa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi, nảy nở.
Bà Chu Phì Nu, dân tộc Hà Nhì ở bản Thu Lũm (xã Thu Lũm) chia sẻ: “Bánh giầy, thịt lợn là những món ăn, lễ vật không thể thiếu để dâng cúng tổ tiên vào đầu giờ sáng ngày tết đầu tiên của dân tộc Hà Nhì. Để làm được những chiếc bánh giầy ngon, mang hương vị đặc trưng, chúng tôi phải chuẩn bị gạo nếp trắng tinh, mẩy hạt từ khi thu hoạch vụ mùa; muốn xôi dẻo, gạo thơm phải ngâm từ tối hôm trước, sáng dậy sớm đồ xôi và giã nhuyễn nặn thành bánh mang dâng cúng tổ tiên”.
Sau khi thưởng thức món bánh giầy đầu năm mới, mọi người tập trung mổ lợn, việc này thường được những người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Theo người Hà Nhì quan niệm, ăn tết mà nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó mùa màng bội thu, chăn nuôi tốt. Bởi thế, những con lợn được các gia đình mổ ăn tết thường là những con lợn to nhất, được gia đình dày công chăm sóc.

Khi mổ lợn, sẽ mang lợn vào trong nhà cắt tiết để báo cáo với tổ tiên kết quả của việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình trong năm qua. Lợn làm sạch xong, việc đầu tiên và quan trọng nhất là lấy gan lợn ra để gia chủ xem. Với người Hà Nhì, lá gan tượng trưng cho ngôi nhà, những đường chỉ gan tượng trưng cho đường làm ăn, sinh sống. Do đó, xem gan lợn là để đoán vận mệnh và con đường làm ăn của gia đình trong năm mới. Phong tục xem gan lợn ngày tết của người Hà Nhì đã được lưu truyền, thể hiện ước muốn bình dị cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Sau khi xem gan lợn xong, mọi người trong gia đình chuẩn bị mâm cúng năm mới. Mâm cúng có bánh giầy, cơm và rượu. Chủ nhà cúng khấn tổ tiên xong sẽ gọi cả gia đình vào quỳ trước bàn thờ cúi đầu lạy tạ, khi lạy phải đội mũ. Đây là nghi thức quan trọng, thể hiện sự biết ơn của con cháu với tổ tiên, ông bà.
Phần cúng tổ tiên kết thúc cũng là lúc con cháu đưa lễ đến nhà các ông, bà nội, ngoại, cha mẹ ở trong bản với mong muốn mọi thành viên trong gia đình luôn mạnh khỏe, anh em hòa thuận, làm ăn phát đạt. Xong phần lễ, mọi người quây quần bên nhau để ăn bữa cơm đầu năm mới và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Mâm cỗ tết của người Hà Nhì có những nét đặc trưng riêng, mang hương vị của núi rừng, hầu hết các món ăn đều được chế biến từ lợn (thịt luộc, nướng, lòng) và rau các loại.

Trong 5 ngày tết, trai gái Hà Nhì từ người già đến trẻ nhỏ đều diện quần áo mới rực rỡ màu sắc để đi chơi, tham gia các trò chơi dân gian, truyền thống của dân tộc như: ném còn, đánh cầu lông gà, kéo co, đẩy gậy, ném cù... Các cụ già say sưa hát những bài hát đối về kinh nghiệm ở rể, làm dâu, kiến thức chăn nuôi, làm ruộng vườn, cách giữ cho gia đình yên vui, hạnh phúc.
Đêm đến, bà con Hà Nhì tập trung tại sân nhà văn hóa bản để giao lưu văn nghệ với những lời ca, điệu múa truyền thống được các chàng trai, cô gái Hà Nhì biểu diễn trong sự cổ vũ, tán thưởng của đông đảo người dân. Đêm về khuya, mọi người tạm biệt nhau sau khi kết thúc vòng xòe đoàn kết trong ánh lửa bập bùng, bừng sáng cả một vùng biên cương.
Về các bản của người Hà Nhì vào dịp cuối năm, dự tết Có nhẹ trà, du khách được thưởng thức những món ăn truyền thống, cảm nhận văn hóa trọng tình, mến khách, tính cách cởi mở của người Hà Nhì nơi vùng cao biên giới. Đây cũng là dịp để mọi người tìm hiểu những nghi thức độc đáo, giàu bản sắc, nét sinh hoạt truyền thống được bà con gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ.

G.P

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...