Thứ năm, 02/05/2024, 04:46 [GMT+7]

Than Uyên giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với du lịch

Thứ năm, 31/12/2020 - 18:02'
(BLC) - Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với du lịch được huyện Than Uyên xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhằm khôi phục, bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Từ đó, hướng đến du lịch bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong khai thác, sử dụng tài nguyên văn hóa.

Những ngày cuối tháng 12, người dân đến thưởng ngoạn khu vực trồng hoa hướng dương tại bản Đán Đăm (xã Hua Nà) với số lượng đông hơn. Đây là điểm mới của xã trong việc tìm hướng thúc đẩy du lịch trên địa bàn. Với diện tích hơn 6.000m2, hoa hướng dương được xã triển khai thực hiện trồng từ tháng 10/2020, đến nay đang vào giai đoạn hoa nở đẹp nhất phục vụ du khách trong dịp tết dương lịch. Vườn hoa mỗi ngày thu hút gần 100 lượt khách đến ngắm, chụp ảnh, trải nghiệm. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục triển khai trồng hoa đợt 2 phục vụ dịp tết Nguyên đán Tân Sửu gắn với dịch vụ ăn uống và cho thuê trang phục truyền thống để du khách chụp ảnh, thưởng thức các món ẩm thực ngay tại vườn.

Chị Nguyễn Thị Loan (bản Chằm Cáy, xã Hua Nà) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên đến trải nghiệm, tận mắt nhìn thấy hoa hướng dương, tôi thấy khung cảnh rất đẹp. Tôi sẽ chia sẻ để nhiều người biết hơn”.

Du khách thưởng ngoạn tại vườn hoa hướng dương xã Hua Nà, huyện Than Uyên.

Du khách thưởng ngoạn vườn hoa hướng dương xã Hua Nà (huyện Than Uyên).

Thời điểm tết dương lịch cận kề, Đội văn nghệ bản Thẩm Phé (xã Mường Kim) đang tổ chức tập luyện, phục dựng các bài múa truyền thống dân tộc Khơ Mú. Ngoài đội văn nghệ, bản còn thành lập đội đàn tính, sưu tầm và phục dựng một số loại nhạc cụ dân tộc. Đồng thời, khôi phục lại một số lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp, trong đó có làn điệu, điệu múa, văn hóa ẩm thực đặc sắc của dân tộc Khơ Mú... Điều đó cho thấy, Nhân dân đang tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với du lịch nông thôn, du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện; phát triển loại hình dịch vụ ẩm thực, dịch vụ lưu trú tại nhà (homestay), xây dựng một số sản phẩm phục vụ khách du lịch như: cá sấy, rượu men lá, dưa hấu.

Ông Lò Quyết Thắng - Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết: “Xã phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức các lớp dân ca cổ truyền của người Thái, duy trì giao lưu đội văn nghệ ở các bản. Đồng thời, sưu tầm, phục dựng, tập luyện các bài múa, hát truyền thống của dân tộc Thái, Khơ Mú. Riêng bản Thẩm Phé, xã hướng đến bản du lịch cộng đồng với việc tập trung phục dựng làn điệu, đan lát nghề thổ cẩm của dân tộc Khơ Mú”.

Than Uyên có 10 dân tộc cùng sinh sống với những bản sắc văn hóa riêng thể hiện qua trang phục, tiếng nói, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, cộng đồng, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật, dân ca, dân vũ, kỹ thuật chế tác, sử dụng nhạc cụ, nghề thủ công… Do đó, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chú trọng thực hiện thông qua sưu tầm, phục dựng lại những nghi lễ, lễ hội dân gian. Nổi bật là Lễ hội Xòe chiêng, Lùng Tùng của dân tộc Thái; xây dựng nếp sống văn hóa mới dân tộc Mông tại 21 bản; mở lớp dạy tiếng Mông; truyền dạy chữ viết dân tộc Thái; tổ chức hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa gắn với Tết độc lập 2/9. Đặc biệt, huyện đã thành lập 2 câu lạc bộ đàn tính – hát then dân tộc Thái, Ban Vận động câu lạc bộ dân gian dân tộc Mông, thành lập 115 đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở; phục dựng 3 không gian văn hóa Thái, Mông, Khơ Mú.

Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc đến du khách trong và ngoài huyện. Tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn như: không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, nghề thủ công truyền thống, lễ hội gắn với các điểm du lịch trên địa bàn (bản du lịch cộng đồng Thẩm Phé, bản Lướt gắn với chiếc nôi cách mạng, du lịch lòng hồ Thủy điện Bản Chát, hệ thống hang động…). Đặc biệt, từ ngày 31/12/2020 - 2/1/2021, huyện Than Uyên tổ chức giao lưu văn hóa du lịch và trình diễn khinh khí cầu chào năm mới 2021 tại khu vực công viên hồ Than Uyên. Trong đó có: đêm Countdown (thời gian đếm ngược) khinh khí cầu đón năm mới 2021; tổ chức bay treo khinh khí cầu; đêm hoa đăng khinh khí cầu; lễ hội áo dài, trình diễn trang phục dân tộc (phố đi bộ); Lễ hội Hạn Khuống, trò chơi dân gian; giới thiệu sản phẩm nông nghiệp… Qua đó, quảng bá, thu hút, thúc đẩy du lịch trên địa bàn.

Ông Trần Quang Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sưu tầm, phục dựng, bảo tồn một số giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc và xây dựng, hình thành một số điểm du lịch cộng đồng có hoạt động văn hóa đặc trưng 4 dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú. Theo đó, huyện huy động nguồn lực tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Tăng cường sự đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, nhất là đảm bảo bình quân mỗi điểm đón từ 1.000 - 1.500 du khách. Mở rộng quy mô tổ chức sự kiện tết Độc lập 2/9, hoàn thiện mô hình không gian văn hóa dân tộc”.

Chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn sẽ góp phần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, đưa huyện Than Uyên ngày càng phát triển giàu đẹp.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...