Thứ năm, 02/05/2024, 22:31 [GMT+7]

Trần Ấm, nhà báo của thời lửa đạn

Thứ hai, 26/12/2011 - 08:03'
Khi cầm bút viết những dòng tiễn đưa anh, tôi lại hình dung ra dáng hình, tác phong sinh hoạt, giao tiếp và cách hành nghề của anh, phóng viên ảnh trọn đời gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam - một ngân hàng tin tức lớn nhất của đất nước đã có 66 năm xây dựng và trưởng thành.

Nhà báo Trần Phúc Ấm, bút danh là Trần Ấm thuộc thế hệ phóng viên trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau thế hệ tạo dựng nên Thông tấn xã Việt Nam (tháng 9-1945) và cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm. Anh là lớp thanh niên, sinh viên lớn lên sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được Đảng, Nhà nước và nhân dân nuôi dưỡng, đào tạo thành tài rồi từ miền Bắc hậu phương đi thẳng vào chiến trường miền Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuối năm 1964, khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là con liệt sĩ, anh được phân công về Viện Văn học để tiếp tục gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Trần Phúc Ấm cảm ơn tổ chức nhưng lại trình lá đơn xin đi làm phóng viên mặt trận ở chiến trường. Nguyện vọng của anh được chấp nhận trong niềm háo hức của anh, của lớp trẻ ngày ấy khi tin tức về những nỗi đau của đồng bào miền Nam ngày ngày dội về miền Bắc ruột thịt. Sau năm tháng đeo ba lô đầy gạch, tập bắn súng, tập chụp ảnh và học phương pháp tác nghiệp báo chí tại mặt trận trên đồi núi Chi Nê (Hòa Bình) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Trần Phúc Ấm cùng bạn bè, đồng nghiệp vượt Trường Sơn vào miền Đông Nam bộ, tăng cường lực lượng cho Thông tấn xã giải phóng (tức giải phóng xã - GPX). Cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam diễn ra ác liệt. Trần Phúc Ấm có những bức ảnh và bài viết đầu tiên gửi về Tổng xã với bút danh Trần Ấm, phản ảnh về miền Nam đau thương và quật khởi. Trong những năm chiến tranh ác liệt, từ mùa khô năm 1965-1966… anh liên tục bám chiến trường, bám bộ đội vừa viết bài, vừa chụp ảnh… gửi về Tổng xã.

Trần Ấm cùng bạn bè, đồng nghiệp ở Giải phóng xã đã phản ánh khí thế cả miền Nam trùng điệp ra quân, bẻ gãy hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" của Mỹ - ngụy trong mùa khô 1966-1967; đưa tin chiến thắng kịp thời của quân và dân ta, bẻ gãy cuộc hành quân "Át-tơn-bơ rơ" (Attorbero) (từ ngày 14-9 đến 25-11-1966) và cuộc hành quân "xi-đa-phôn" (Cedarfall) của Mỹ - ngụy từ ngày 8 đến 26-1-1967…

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên toàn miền Nam, Tết Mậu Thân 1968, Trần Ấm cùng tổ công tác của anh được biệt phái về Củ Chi, cửa ngõ Sài Gòn, ở bên cạnh cơ quan Thành ủy. Đây là mùa xuân rộn ràng và đầy hy vọng của cả miền Nam ngày ấy. Đêm giao thừa, anh đến Bà Hom và Ngã Tư Bảy Hiền, chờ giờ G. nổ súng. Đêm mồng một Tết, anh về với một túi phim đã chụp rồi ngồi viết tin phát về GPX. Chiều mồng 2 Tết, anh theo du kích Củ Chi, bám sát vòng ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, chụp từ xa bằng ống kính Têlê về một Tân Sơn Nhất bất an và xáo trộn. Cứ thế, mọi ngả đi, về trong ba đợt tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Trần Ấm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một phóng viên mặt trận ở ven đô và nội đô Sài Gòn với nhiều tư liệu quý về hình ảnh và tin tức kịp thời.

Cứ ngỡ mùa xuân ấy, niềm vui trọn vẹn sẽ đến. Nhưng phải bảy năm sau, khi anh và các đồng nghiệp đi qua một tỉnh miền Nam sau Hiệp định Pari đầu năm 1973; qua một thời chống lấn chiếm và bình định của Mỹ - ngụy (1973-1975) mới được về Sài Gòn trong ngày vui toàn thắng 30-4-1975. Sau ngày vui ấy, Trần Ấm trở về miền Bắc với chiếc ba lô nhuộm màu chiến trận và chiếc máy ảnh ám khói súng chiến trường, tiếp tục công tác ở Ban biên tập ảnh, TTX Việt Nam. Suốt 25 năm, từ 1975 đến năm 2000, Trần Ấm vẫn một lòng thủy chung với "tay máy, tay bút", đi về biên giới Tây Nam, biên cương phía Bắc, trên trận địa quốc tế và các làng quê xa để phản ánh cuộc sống sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2000, anh được nghỉ hưu nhưng "tay máy, tay bút" của anh không ngừng nghỉ. Đây là thời gian anh dành nhiều cho bạn bè, đồng nghiệp đã khuất và bạn bè, đồng nghiệp đã cùng anh trong chiến trận đang còn. 11 năm nghỉ hưu (2000-2011), Trần Ấm vẫn chụp được 800 bức ảnh quý, viết 72 bài về gương đồng đội, tham gia làm trong bộ phận tư liệu truyền hình, tham gia 5 cuộc triển lãm ảnh tư liệu chiến tranh của đồng nghiệp và tìm mộ những bạn bè đã khuất trong chiến tranh.

Với tuổi của anh, lẽ ra chưa đi vội. Nhưng một thời lửa đạn mười năm, biết bao hao mòn sức lực, ước mơ đâu dễ chiều mình? Dù như vậy, Trần Ấm đã để lại một nhân cách đáng kính trọng về tính thẳng thắn, bộc trực, thanh bạch và không hám lợi, một sự nghiệp làm báo dày dặn suốt 56 năm đáng nhớ.

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...