Chủ nhật, 19/05/2024, 09:42 [GMT+7]

Bỏ ruộng vì ngập úng

Thứ sáu, 23/06/2023 - 10:35'
Khoảng 3 năm trở lại đây, diện tích đất ruộng ở khu vực bản Huổi Lùng (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa. Những nông hộ có đất canh tác ở đây đành phải bỏ ruộng vì cấy lúa không được thu hoạch.

Diện tích đất bị ngập úng thuộc quyền sử dụng của 18 hộ dân các bản: Huổi Lùng, Sùng Chô, Gia Khâu 2, Tà Chải (Sùng Phài), Thành Lập (phường Đoàn Kết), với diện tích khoảng 8ha. Nguyên nhân của tình trạng này là từ khi xây Đập Ao xanh dẫn nước về cánh đồng bản Gia Khâu, vào mùa mưa hệ thống thoát nước bị tắc khiến cho khu ruộng ở Huổi Lùng ngập úng.
Với vị trí ngay đầu bản, gần đường 58m thuận lợi cho việc canh tác cũng như chăm sóc thu hoạch lúa. Trước khi bị ngập úng trung bình mỗi hộ thu về 50 - 60 bao thóc vụ mùa. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay nhiều hộ phải bỏ ruộng vì đến mùa mưa, lúa bị ngập sâu gây thiệt hại nặng. Trong đó, 5 gia đình không có đất ruộng ở chỗ khác cấy lúa đành phải bỏ ruộng đi làm công nhân.
Trong những hộ chịu ảnh hưởng của ngập úng khu vực này thì gia đình anh Phê A Vừ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Gia đình anh không những thiệt hại về cây lúa mà còn bị cô lập trong biển nước mênh mông. Anh Vừ chia sẻ: Khoảng năm 2015 diện tích này bị ngập ít, vài năm sau ngập sâu hơn, các hộ có đất ở đây đã cùng đến Đập Ao xanh khơi dòng chảy nhưng bất thành. Mùa mưa khu vực này ngập tới cả tháng nên lần lượt các hộ dừng cấy. Thời gian đó gia đình tôi phải dùng thuyền để di chuyển. Có hôm phải đi qua đồi chè nhờ lối đi của Đại đội 30 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) trong giờ hành chính. Bị ngập làm mọi sinh hoạt bất tiện, nhất là khi cho các cháu nhỏ đi học. Nước ngập sâu nên mấy năm nay nhà tôi không còn canh tác nữa.
Đối với người nông dân, tấc đất là tấc vàng, do đó 2 anh em anh Má A Mình (bản Huổi Lùng) vẫn cố làm đất cấy. Nói về chuyện những năm trước, anh Má A Mình chia sẻ: Tuy cả năm cấy 1 vụ mùa nhưng gia đình tôi thường thu về 60 bao thóc. 3 năm nay bị ngập nên thất thu. Đất ruộng sát nhà, hàng ngày nhìn cỏ mọc tiếc lắm nên gia đình tôi cố làm. Nhưng cấy rồi thì lòng dạ chẳng yên, lúc nào cũng lo lắng nơm nớp.

Diện tích lớn đất ruộng của các hộ dân phải dừng canh tác vì hàng năm bị ngập úng vào mùa mưa.

Thiết tha với cây lúa, vụ mùa năm 2021 thiếu nước sản xuất, gia đình anh Mình phải thuê người bơm nước vào tưới cho ruộng với chi phí 10 triệu đồng. Lúa lên xanh tốt mang hy vọng cho người nông dân về mùa vụ thắng lợi, nhưng khi cây lúa đang giai đoạn chắc hạt thì tháng 7 âm lịch mưa xối xả gây ngập úng khiến gia đình anh Mình mất trắng. Rút kinh nghiệm, năm ngoái, anh Mình cấy sớm hơn. Nhưng “người tính không bằng trời tính” vào tháng 5 lúa đã làm đòng, đúng lúc đó mưa to dài ngày khiến toàn bộ diện tích lúa ngập thối hết. Anh Mình ngao ngán: Tôi cũng cố làm 1, 2 vụ nữa rồi bỏ cấy, vì đầu tư bao nhiêu công sức kết quả thu về lại như “dã tràng xe cát Biển Đông”.
Hầu hết đất trồng lúa của 18 hộ dân đều tập trung ở đây, một số gia đình có thêm nơi khác nhưng diện tích ít. Trước tình hình ngập úng liên tiếp, các hộ không dám làm gì vì sợ mất công, mất của. Có gia đình tiếc đất nên đã tận dụng để trồng ngô xuân hè nhưng do khu vực này không thích ứng với khí hậu nên năng suất thấp. Hiện nay đang vào thời điểm cấy vụ mùa, bà con có đất nhưng đành phải để cỏ mọc um tùm, có mảnh thì nứt toác.
Các hộ gia đình đã kiến nghị các cấp chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết tình trạng ngập úng tạo điều kiện cho bà con sản xuất. Cũng có nhiều phương án được đề cập đến như: thực hiện giải tỏa mặt bằng khu ruộng này, hỗ trợ kinh phí cho người dân mua đất nông nghiệp ở nơi khác để tiếp tục canh tác. Hoặc làm hệ thống thoát nước từ khu ruộng xuống Đập Ao xanh, cánh đồng Lùng Thàng. Nhưng do kinh phí xây dựng đường nước quá lớn thành phố không thể thực hiện. Hơn nữa làm như vậy rủi ro có thể cao hơn. Bởi khi mưa lớn, nước từ đường 58m và vùng trũng ở bản Huổi Lùng đổ toàn bộ xuống cánh đồng Lùng Thàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mấy chục hécta lúa. Do đó, thành phố cần khảo sát kỹ để lên phương án cụ thể.
Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây nhất giữa đại biểu HĐND tỉnh, thành phố với cử tri xã Sùng Phài, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Lai Châu nhấn mạnh: thành phố tiếp thu ý kiến của cử tri, đây cũng là vấn đề quan trọng thành phố quan tâm, cần giải quyết. UBND thành phố sẽ báo cáo Thành ủy xin chủ trương, thành phố sẽ cùng các cơ quan chuyên môn xuống thực địa khảo sát. Đồng thời cũng mong muốn cử tri, Nhân dân, người cao tuổi sống lâu năm gần khu vực cánh đồng này hợp tác đóng góp ý kiến cùng thành phố giải quyết.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...