Thứ ba, 21/05/2024, 00:50 [GMT+7]

Chống biến đổi khí hậu – Bài toán xanh

Thứ sáu, 03/06/2011 - 16:29'
(BLC) - Cụm từ “biến đổi khí hậu” đã không còn xa lạ và việc bảo vệ môi trường trái đất, chống biến đổi khí hậu cũng đã được nhận thức đầy đủ hơn. Tuy nhiên giữa việc phát triển kinh tế và chống biến đổi khí hậu vẫn là bài toán khó cho những người hoạch định chính sách… Ở tỉnh ta bài toán này đã có cách giải. 

Rừng và biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu được nhắc đến ở đây là sự thay đổi của khí hậu do con người gây ra và theo chiều hướng bất lợi. Biến đổi khí hậu sẽ tạo ra hệ khí hậu trái đất mới khắc nghiệt hơn khiến cho những sinh vật không thích ứng kịp nên phải đối phó với nguy cơ diệt vong. Sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người vào khí hậu đã làm biến mất, tuyệt chủng nhiều loài sinh vật, đồng thời đẩy nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong. Khi một loài trong hệ sinh thái bị tuyệt chủng thì sẽ ảnh hưởng tới toàn hệ sinh thái và con người cũng phải đối mặt với sự mất cân bằng sinh thái đó.

Ai cũng biết rừng là yếu tố rất quan trọng để giảm thiểu tốc độ và tác hại của biến đổi khí hậu. Ngoài nước ở các đại dương, băng ở hai cực trái đất thì rừng là “bể” khí CO2 lớn nhất. Rừng hấp thụ khí CO2 và các loại khí độc hại khác để giảm tác động của loại khí này lên bầu khí quyển, giảm sự hình thành của “nhà kính” khí. Đồng thời rừng tạo ra khí Oxi cho động vật (và cả thực vật) dưỡng khí và quan trọng hơn là bổ sung Oxi tạo ra khí Ozon (O3) trong khí quyển tạo ra lớp màn bảo vệ trái đất trước các tia có hại từ vũ trụ.

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu chăm sóc cây cao su ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ.

Đối với sinh vật thì rừng là “ngôi nhà” lớn cho muôn loài. Rừng là nơi cung cấp thức ăn cho rất nhiều sinh vật. Từ các loài vi khuẩn, nấm, mốc, địa y tới các loài đứng đầu trong tháp thức ăn như hổ báo… đều phải lấy thức ăn từ rừng. Rừng cũng là nơi tiêu thụ tất cả các chất hữu cơ khác tạo thành một quy trình kín trong việc chuyển hoá chất hữu cơ, giữ sự cân bằng cho hệ sinh thái, không để loài nào phát triển quá mức, lấn át các loài khác.

Tuy nhiên, vì lý do phát triển nhiều nơi rừng đã bị xâm hại nghiêm trọng. Rừng bị chặt, phá, đốt để lấy đất sản xuất, đất xây dựng. Gỗ từ rừng được sử dụng làm vật dụng cho con người đến độ quá mức. Các động vật từ rừng bị biến thành “đặc sản” cho các nhà hàng… Hệ sinh thái và môi trường do rừng gìn giữ đang bị xâm hại nghiêm trọng!

Làm cho rừng xanh mãi

Bảo vệ rừng đã và đang là nhiệm vụ của nhân loại tiến bộ. Với nước ta nhiệm vụ này đang rất cấp bách để bảo vệ 20% diện tích lãnh thổ (sẽ chìm dưới biển nếu diễn biến khí hậu không được cải thiện). Với tỉnh ta đây cũng là một trong số những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XII vừa qua đã đưa nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng: đến năm 2015 tỷ lệ che phủ rừng phải đạt 50% và đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng phải đạt khoảng trên 60%. Như vậy sẽ có một nửa diện tích tỉnh ta có rừng. Đây là nhiệm vụ không đơn giản vì bài toán giữa phát triển rừng và phát triển kinh tế đã có lời giải nhưng vẫn đang rất hóc búa. Lời giải đó chính là phát triển nền “kinh tế xanh”, tuy nhiên để diện tích rừng tăng lên nhưng vẫn đảm bảo đời sống của bà con nhân dân sống gần rừng và canh tác trên một phần đất rừng, núi là vấn đề nan giải.

Hướng đi của tỉnh ta là phải làm sao để người dân có thể sống được bằng nghề rừng.

Những năm gần đây việc phát triển, bảo vệ rừng đang được quan tâm sâu sắc và người dân đã bắt đầu có thể sống được nhờ rừng. Chương trình thí điểm khoanh nuôi bảo vệ rừng tại 21 xã biên giới của Lai Châu do Chính phủ phê duyệt cùng nhiều chương trình, dự án phát triển rừng khác đã bước đầu phát huy được hiệu quả trong bảo vệ rừng. Số lượng các vụ cháy rừng đã giảm đáng kể và diện tích rừng bị cháy cũng giảm xuống rất nhiều. Điều này khẳng định nhận thức của người dân về rừng đã được nâng lên đáng kể và người dân đã có thể sống nhờ rừng.

Việc trồng cây cao su cũng là một hướng phát triển rừng đầy hứa hẹn. Với kế hoạch 20.000ha cây cao su của tỉnh ta (đến năm 2020) có thể coi là hướng đi đột phá trả lời được cả hai câu hỏi đó là hướng phát triển kinh tế cho người dân và phát triển diện tích rừng bởi cây cao su là cây đa mục đích, trong đó có mục đích là rừng phòng hộ, rừng kinh tế. Đến thời điểm này, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong niên vụ này các đơn vị đã chuẩn bị được 2 triệu cây cao su giống, làm đất được khoảng 2.000ha. Năm 2011, toàn tỉnh có thể trồng được khoảng trên 2.500ha cây cao su. Cũng theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn cây cao su hoàn toàn có thể sống, phát triển tốt ở Lai Châu.

Tạo “cơ chế thoáng” giúp các doanh nghiệp tham gia phát triển rừng đang là hướng đi mới rất khả quan của tỉnh ta. Các doanh nghiệp với năng lực cá nhân, trách nhiệm cá nhân đã giải quyết được rất nhiều vấn đề gai góc vốn có của việc trồng rừng do Nhà nước làm chủ đầu tư như vốn, nhân lực, quản lý và trách nhiệm đối với rừng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 10 doanh nghiệp đăng ký và trồng rừng. Và rừng do những đơn vị này trồng đang lên xanh.

Những biện pháp của tỉnh ta bước đầu đã khẳng định người dân có thể sống được nhờ rừng và đó là biện pháp bền vững để bảo vệ, phát triển rừng. Tỉnh ta đang góp sức mạnh mẽ trong việc giải bài toán xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...