Thứ tư, 22/05/2024, 08:57 [GMT+7]

Lời giải nào cho nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống?

Thứ sáu, 23/09/2011 - 15:26'
(BLC) - Kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống là những tập tục lạc hậu tồn tại lâu đời trong đời sống của nhiều dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm suy thoái chất lượng nòi giống và là rào cản cho việc triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từ quan niệm “nữ thập tam, nam thập lục”

 

Điều đáng buồn là tại các bản vùng sâu vùng xa của tỉnh ta, quan niệm trên vẫn tồn tại trong suy nghĩ của các bậc làm cha làm mẹ. Quan niệm đó cùng với sự kém hiểu biết về pháp luật; nhu cầu trước mắt của gia đình có người làm nương rẫy, sớm có con cháu nỗi dõi… đã khiến tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến ở một số địa bàn của tỉnh. Những thanh thiếu niên tuổi còn rất trẻ, tâm sinh lý cơ thể chưa phát triển toàn diện đã phải sớm trở thành những người làm cha, mẹ bất đắc dĩ.

Cán bộ Dân số-KHHGĐ xã Tà Mung (huyện Than Uyên) tuyên truyền cho chị em nâng cao ý thức phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở bản Lun.

Qua tìm hiểu thực tế, có trường hợp ngay khi con còn bé, 2 bên gia đình (thân quen nhau) đã đính ước sau này con cái lớn lên sẽ tác thành cho chúng lấy nhau. Gia đình nào có con trai lớn trong nhà thì muốn lấy vợ về để có thêm lao động. Gia đình nào có con gái lớn lại cho rằng, con gái 14, 15 tuổi mà chưa có chàng trai nào để ý thì coi như bị ế chồng nên khi con gái chớm dậy thì, có ai dạm hỏi là “cho” ngay. Có gia đình lại quan niệm con trai không kết hôn sớm thì không tìm được vợ tốt nên các cô gái mới lớn đã bị để ý.

BàGiáp Thị Chỉ - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ (Sở Y tế) cho biết: “Theo thống kê, tỷ lệ các cặp vợ chồng đăng ký kết hôn chỉ chiếm khoảng 20%. Sở dĩ con số này còn khiêm tốn vì nếu các cặp vợ chồng muốn cưới nhau, đến UBND xã đăng ký kết hôn nhưng chưa đủ tuổi thì cán bộ tư pháp sẽ không thể làm thủ tục cấp đăng ký. Một lý do tế nhị nữa là, con em của nhiều cán bộ xã vẫn còn vi phạm tảo hôn hoặc không đăng ký kết hôn trước khi cưới nên tuyên truyền để bà con thực hiện cũng rất khó. Khi nam nữ lớn lên, có quan hệ yêu đương, có thai ngoài ý muốn, các bậc phụ huynh bị đưa vào “việc đã rồi” nên dù chưa đến tuổi dựng vợ, gả chồng cho các con, bố mẹ vẫn phải đồng ý”.

Nhiều trường hợp, trẻ em gái vị thành niên lấy chồng ở độ tuổi quá sớm một phần cũng do bố mẹ áp đặt. Giàng Thị Dơ (xã Dào San, huyện Phong Thổ) tâm sự với chúng tôi: “Mơ ước của em là được đi học để sau này trở thành cô giáo dạy chữ cho các em nhỏ. Nhưng vì nhà đông chị em (em là con thứ 3 trong gia đình có 6 chị em) nên bố mẹ khuyên em nghỉ học sớm để phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Khi em 15 tuổi, người ở bản bên nhìn em thấy “ưng cái bụng” nên sang xin phép bố mẹ em cho cưới. Bố mẹ em đồng ý ngay vì sợ vài năm nữa nếu không có ai hỏi thì em sẽ ế chồng”

… đến việc lấy nội tộc để giữ của

Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: nam nữ cùng huyết thống có thể kết hôn với nhau khi có mối quan hệ huyết thống ít nhất là 3 đời. Tuy nhiên, ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người có quan niệm: “khác họ thì vẫn lấy được nhau” nên đã xảy ra tình trạng con cô lấy con cậu; con chú lấy con bác; con bác lấy con dì; con bác lấy con cô… Trường hợp lấy vợ, lấy chồng là người ngoại tộc rất hiếm. Có tình trạng trên là do quan niệm cố hữu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của một số người dân: “họ hàng lấy nhau càng gần gũi thì càng không phải chia sẻ tài sản với người ngoài.” Chính vì thế, họ coi hôn nhân cận huyết, nội tộc là chuyện hết sức bình thường mà không hiểu được những nguy cơ, tác hại cho những thế hệ tiếp theo.

Y học đã chứng minh, trẻ em được sinh ra từ hôn nhân cận huyết thường bị dị tật bẩm sinh, còi cọc, bị đao hoặc kém phát triển về trí não… Dân tộc Si La ở huyện Mường Tè là một minh chứng tiêu biểu. Dân tộc này chỉ có khoảng 700 người và hiện đang nằm trong “danh sách đỏ” của 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam. Chất lượng hình thể đang có xu hướng nhỏ dần: cân nặng 40 - 45kg, cao 1,45 - 1,60m. Nguy cơ suy thoái nòi giống do quan hệ hôn nhân cận huyết thống là không tránh khỏi.

Lời giải nào?

Do nhận thức còn nhiều hạn chế nên việc xóa bỏ một thói quen, tập tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng các dân tộc ít người không phải là chuyện một sớm một chiều. Từ năm 2009 đến nay, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đã triển khai mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống” ở 3 huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ và Than Uyên. Mô hình lấy công tác vận động, tuyên truyền là chính nhằm nâng cao trình độ nhận thức cho người dân để giúp họ thay đổi hành vi.

Sau thời gian thực hiện, đối với các xã thực hiện mô hình đã chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống và giảm tình trạng tảo hôn. Nếu năm 2009, tỷ lệ tảo hôn toàn tỉnh là 45,8%, thì đến năm 2010 giảm xuống còn 23,6%; tỷ lệ kết hôn cận huyết thống từ 18,8% giảm xuống còn 6,25%. Đây chỉ là số liệu trên báo cáo, còn trên thực tế có thể sẽ cao hơn.

Việc đẩy lùi tình tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là cả một quá trình và cần phải có thời gian. Do vậy, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền; lấy cán bộ, đảng viên làm thành phần nòng cốt trong tuyên truyền và phải gương mẫu chấp hành. Lồng ghép xét các tiêu chí xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước ở các bản với làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Đồng thời, mỗi gia đình cần quản lý con em chặt chẽ hơn để không lâm vào tình trạng “sự đã rồi”, đành phải chấp nhận theo kiểu “con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...