Thứ hai, 20/05/2024, 07:12 [GMT+7]

Minh bạch hóa thị trường xăng dầu: Tranh luận chưa có hồi kết

Thứ sáu, 21/12/2012 - 10:15'
Những vấn đề nổi cộm trong kinh doanh xăng dầu, sự bức xúc của giới tiêu dùng và thu thập các ý kiến nhằm tiến tới xu hướng minh bạch, dễ áp dụng... là nội dung chính của cuộc tọa đàm mang chủ đề "Minh bạch hóa thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường", do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 20-12, tại Hà Nội.

Từ 3 năm nay, hoạt động kinh doanh xăng dầu Việt Nam diễn ra với nhiều biến động, chịu tác động của thị trường thế giới do nguồn cung xăng dầu chủ yếu dựa vào nhập khẩu. Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/NĐ-CP để quản lý nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ câu trả lời.

Người tiêu dùng luôn đặt câu hỏi giá xăng “tăng nhanh nhưng giảm chậm” vì sao? 

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, cần nhận định rằng kinh doanh xăng dầu có nguồn gốc từ thời bao cấp, với cung cách điều hành cũ. Sau đó, hoạt động này chuyển dần sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, với mục tiêu chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng (NTD), tiếp đến là chia sẻ quyền lợi giữa 3 bên là: NTD-DN và Nhà nước nhằm hướng đến sự bình ổn giá trên thị trường. Vì vậy, diễn biến trên thị trường xăng dầu Việt Nam có tính chất phức tạp.

Một số NTD đặt câu hỏi có sự độc quyền của DN, nhất là từ phía Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay không? Đại diện Bộ Tài chính và Công thương cho rằng, để tiến tới một cơ chế thị trường thật sự trong kinh doanh xăng dầu không thể diễn ra trong một sớm một chiều và trên thị trường hiện có 13 DN đầu mối tham gia, tuy nhiên Petrolimex là đơn vị lớn nhất. Nhưng DN này cũng đang từng bước "nhường sân" cho các DN khác tham gia theo quy định của pháp luật; đó là thực tế lý giải vì sao thị phần của Petrolimex hiện giảm xuống 48% so với 100% trước năm 1990 và 60% trong vài năm trước. Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo cho biết, không có chuyện DN này độc quyền bởi đang và sẽ có thêm các DN khác tham gia kinh doanh mặt hàng này, đồng thời giá bán cũng luôn ở mức chấp nhận được do DN đã thực hiện đấu thầu và chào hàng cạnh tranh trước khi thực hiện mỗi hợp đồng nhập khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn xác nhận, việc kiểm soát giá vẫn được các cơ quan chức năng theo dõi thường xuyên, những đợt thay đổi giá bán lẻ đều được chuyên gia phân tích những yếu tố cấu thành giá, kết luận rồi lấy ý kiến liên bộ để quyết định, sau đó tổ chức họp báo, cung cấp thông tin và giải thích với NTD. Đáng lưu ý là, hiện Bộ Tài chính và DN đầu mối đang tham chiếu giá xăng dầu thành phẩm thay vì giá dầu thô trước đây để bảo đảm sự chính xác, phù hợp với yêu cầu xác định giá bán lẻ trong nước. 

Bên cạnh đó, chu kỳ tính giá cơ sở cũng nên rút ngắn lại, trong khoảng 15 ngày là hợp lý để tăng cường tính cập nhật, làm tăng cơ hội bám sát tín hiệu thị trường quốc tế, để DN quyết định nhập khẩu xăng dầu kịp thời cũng như để NTD được hưởng giá bán sát với thực tế nhất. Cũng vì vấn đề này, đại diện các cơ quan quản lý xác nhận, việc ký hợp đồng nhập khẩu của DN diễn ra tại một thời điểm với giá cụ thể, nhưng sau đó còn mất một khoảng thời gian để chở về cảng Việt Nam, sau đó phân bổ về hệ thống bán lẻ. Như vậy, đó là một quá trình nên việc đánh giá giá thị trường lên hay xuống theo từng ngày để điều chỉnh giá bán lẻ trong nước là chưa phù hợp.

Ở góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Cẩm Tú xác nhận, trong nhiều thời điểm DN vẫn phải bán xăng dầu thấp hơn tổng chi phí đầu vào vì sự bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ, bởi nếu tăng giá xăng dầu tức là tăng chi phí cơ bản đối với nhiều ngành sản xuất của xã hội. Trong khi kiềm chế lạm phát lại là mục tiêu hàng đầu của các năm kế hoạch gần đây, nhất là năm 2011 và 2012. Việc định giá bán còn phụ thuộc vào từng tình hình cụ thể, có cân nhắc với điều kiện và hoàn cảnh KT-XH cũng như cân đối hài hòa các mục đích của Nhà nước nên DN không thể tự quyết theo cách tính thuần túy về kinh tế.

Về việc công luận bức xúc trước một số trường hợp "cân thiếu, đong điêu" ở cây xăng, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, mỗi DN đầu mối phải chịu trách nhiệm về hệ thống đại lý, cửa hàng của mình, nhất là bảo đảm chất lượng và khối lượng khi bán cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gia tăng, nhất là khi các DN cạnh tranh về hoa hồng cho đại lý cũng như khi tỷ lệ hoa hồng "rơi" xuống mức thấp rất dễ trở thành nguyên nhân khiến chủ cửa hàng nảy sinh tiêu cực. Các DN cũng cho rằng, tự mình không thể quản lý hết cả hệ thống phân phối của mình nên rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng cũng như sự giám sát của cộng đồng. 

Thực tế cho thấy, những vấn đề và nội dung tương tự như cuộc tọa đàm này đã diễn ra và chưa bao giờ có hồi kết, bởi nó được nhìn nhận từ nhiều góc độ và xuất phát từ quyền lợi khác nhau; trong đó cả DN và NTD đều chưa bao giờ thỏa mãn. Trước những thực tiễn trên, Bộ Công thương đang tổng hợp, rà soát lại Nghị định 84/NĐ-CP và dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.

Theo Hồng Sơn (HNM)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...