Thứ ba, 21/05/2024, 03:59 [GMT+7]

Nguy cơ sạt lở núi ở bản Má Nghé

Thứ sáu, 27/05/2011 - 09:01'
(BLC) - Gần một năm nay, 34 hộ đồng bào dân tộc Dao ở bản Má Nghé (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) đang phải đối mặt với nguy cơ núi nứt, sạt lở đất, đá có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Trưởng bản Lý Chào Chang đón tiếp chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt kèm thêm câu nói: “Vào vụ làm nương, rãy nên bà con đều đã đi làm, trong bản chỉ còn lại người già và trẻ em”. Qua câu chuyện của anh Chang, chúng tôi được biết, bản Má Nghé có 62 hộ với 320 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Dao. Hầu hết người dân không nhớ bản được hình thành bao giờ, họ chỉ nghe những người cao tuổi bảo rằng tổ tiên trước đây đã đến khu rừng già này để lánh nạn.

Những khối đá to trên đỉnh núi có thể lăn xuống bất kỳ lúc nào.

Trước kia nơi này có rất nhiều quýt, nên bà con đặt tên cho bản là Má Nghé (theo tiếng địa phương là quả quýt). Bao đời nay, người dân ngày ngày lên nương, làm ruộng trồng cây lúa, ngô, sắn, tối về sau bữa cơm họ lại quây quần quanh bếp lửa hồng bàn chuyện làm kinh tế, còn các em nhỏ ngày lên lớp học chữ với thầy, cô giáo, tối về mang sách ra làm bài tập. Giữ gìn nghề truyền thống, hầu hết các em gái ngay từ nhỏ đã được bà, mẹ dạy cách may vá, thêu thùa. Tranh thủ những ngày nông nhàn, chị em phụ nữ cùng nhau dệt vải, thêu trang phục truyền thống cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Còn các chàng trai đến tuổi trưởng thành nếu không ra ngoài kiếm việc làm cũng tham gia lao động sản xuất cùng gia đình.

Cuộc sống của bà con sẽ vẫn bình yên trôi đi nếu cách đây không lâu từ trên vách núi cao một hòn đá lớn đã rơi trúng vào ngôi nhà của ông Lý Chào Mìn. May mắn, hôm đó cả nhà đi làm nương nên không thiệt hại về tính mạng, nhưng ngôi nhà đã bị đổ nát. Không chỉ có vậy, khoảng 19 giờ tối một ngày trong tháng 5/2010, cả bản bỗng nghe một tiếng vang lớn dội từ trên cao xuống. Mặt đất rung chuyển, khiến tất cả mọi người trong bản hoang mang, lo sợ.

Ngay sau cái đêm kinh hoàng ấy, đàn ông trong bản bắt đầu tìm hiểu về nguyên nhân những vụ việc trên. Và sự thật khiến nhiều người không tin vào mắt mình bởi trên dãy núi sau bản xuất hiện nhiều vết nứt lớn, ngày một sâu.

Trên đường đưa chúng tôi lên đỉnh núi nơi có vết nứt, anh Chang nói: “Đây là con đường mòn bà con hàng ngày đi làm nương. Mới mưa xong nên rất trơn, các cô phải cẩn thận chứ trượt chân là lăn xuống vực ngay”. Quả thật, con đường mỗi lúc một lên cao và khó đi, những vách đá cheo leo bên đường mà chúng tôi đã đi qua cũng chính là những khối đá lớn đang có nguy cơ rơi xuống bản. Phải mất gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới trèo lên đến đỉnh núi có độ cao hơn 400m so với bản. Nơi đây, trước kia từng là đất trồng ngô, sắn của bà con trong bản, nhưng từ khi núi có hiện tượng nứt sâu hơn, không ai còn dám tới gần khu vực này. “Chỉ riêng khu vực trung tâm này đã có đến hàng chục vết nứt to, nhỏ khác nhau, tuy nhiên nguy hiểm hơn cả vẫn là vết nứt ở giữa đỉnh núi. Nếu đứng từ điểm có khối đá lớn có nguy cơ lăn xuống thì chúng ta có thể nhìn thấy rõ đường khe sáng chiếu xuống ngày càng mở rộng” – anh Chang cho biết thêm. Chúng tôi có thể nhìn thấy rõ những vết rạn nứt đã ăn rất sâu vào lòng núi, tạo thành một khe lớn. Đất, đá có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào.

Ông Lý Chào Quẩy, người dân trong bản lo lắng nói: “Gia đình tôi đi ngủ cũng phải thay phiên nhau. Cho dù là tiếng động hay âm thanh nhỏ nhất vọng lại cũng khiến mọi người tỉnh giấc”. Cũng như nhà ông Quẩy, mọi người trong gia đình anh Lý Chào Nguyên lúc nào cũng trong trạng thái tinh thần hoảng sợ. Anh Nguyên chia sẻ: “Cách đây một tuần, trời mưa lớn, đang ngủ nghe phía sau nhà có tiếng động, cả gia đình vội vàng chạy hết ra ngoài, ngó trước nhìn sau xem có phải là sạt lở đất, đá không. Mặc cho trời mưa ướt hết người nhưng không thấy gì tôi mới thở phào nhẹ nhõm”... Gần đây trời bắt đầu mưa nhiều, các gia đình trong bản đêm nào cũng nơm nớp lo, khi trời sáng mọi việc vẫn bình yên mới thở phào rồi lại tự nhủ: “May quá không có chuyện gì xảy ra”.

Trước tình trạng những vụ sạt lở đất, đá xảy ra trên địa bàn làm người dân bản Má Nghé sống dọc theo các triền núi ngày đêm phập phồng lo âu, UBND xã Bản Lang đã có văn bản đề nghị UBND huyện xem xét và giải quyết về vấn đề mà bản Má Nghé đang gặp phải, để người dân trong bản sớm ổn định, tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lò Văn Thêm - Chủ tịch UBND xã Bản Lang cho biết: “Do chưa có mặt bằng phù hợp để di chuyển người dân bản Má Nghé đến nơi ở mới nên trước mắt người dân sẽ tiếp tục phải ở lại. Vừa qua, UBND huyện đã cử cán bộ xuống kiểm tra và đưa ra những phương án giải quyết tạm thời như: nổ mìn hoặc bắn đá để phá những khối đá có khả năng rơi xuống. Đồng thời hỗ trợ cây tre cho bà con trống chân những tảng đá có nguy cơ sạt lở ...”.

Được biết, không chỉ riêng bản Má Nghé, xã Bản Lang còn có 4 điểm cũng nằm trong tình trạng sụt lún, sạt lở đồi rất nghiêm trọng như: Bản Nà Cúng (5 hộ); Dao Chản (6 hộ), Hợp 1 (7 hộ) và Thèn Thầu (3 hộ). 

Các cơ quan chức năng cần sớm có phương án giải quyết kịp thời để khắc phục tình trạng trên nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân.

Minh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...