Thứ sáu, 17/05/2024, 21:47 [GMT+7]

Nhức nhối bãi vàng Phiêng Chạng

Thứ hai, 18/06/2012 - 19:08'
Kỳ I: Tan hoang rừng phòng hộ(BLC) - Hơn hai mươi năm (1991- 2012) không phải là quá ngắn để “vàng tặc” “băm nát” cánh rừng phòng hộ đầu nguồn Phiêng Chạng, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ. Dù địa phương đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo dẹp bỏ bãi vàng, thậm chí vấn đề đã đưa vào nghị quyết để thực hiện, nhưng rừng núi nơi đây vẫn tan hoang.  

Đột nhập “thánh địa” vàng

Trước khi tìm đường lên bãi vàng Phiêng Chạng, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện kể về các “cư dân bất hảo” tại bãi vàng. Cũng bởi nơi đây tụ tập nhiều thành phần và sai – trái ở đây được giải quyết bằng bạo lực nên ngoài phu vàng và những người quen mặt thường gùi hàng thuê từ dưới chân núi lên thì không một ai dám bén mảng tới.

Dù có được sự trợ giúp của anh bạn ở địa phương dẫn đường, người đã từng có thời gian tham gia “xẻ núi, băm rừng” ở đây nhưng khi quyết định tìm đường lên núi chúng tôi vẫn thấy sởn gai ốc. Để tránh sự chú ý của người dân và những người gùi hàng, đảm bảo an toàn sau khi chuẩn bị kỹ tư trang cần thiết như: nước uống, đèn pin và dép rọ… chúng tôi lên đường khi mặt trời treo đỉnh đầu.

Lò Văn B người bản Phiêng Chạng I nói đây là thời gian mà các lán vàng cho quân nghỉ trưa và người dân gùi hàng thuê cũng lên tới nơi. Để đảm bảo an toàn, trong vai “cai vàng” - người đi tìm bãi vàng để khai thác, chúng tôi không chọn đường to để đi mà chủ yếu lội ngược suối và luồn rừng.

Ngày càng có nhiều chủ khai thác vàng lậu kéo nhau về rừng Phiêng Chạng lập lán để tàn phá rừng đầu nguồn.

Dọc con suối có cái tên Nậm Há nước đục ngầu như vắt đất và xung quanh hai bên bờ không một loại cây nào chạm nước sống được, dù là cây sống khỏe như cỏ dại. Sau hơn một giờ ngược suối, chúng tôi dừng lại ở ngã ba suối nơi hai dòng một đục, một trong gặp nhau.

B. cho biết: “Dòng suối nước trong bắt nguồn từ cánh rừng già chưa bị tàn phá và nước có thể uống được. Anh phải rửa chân tay ở đó trước khi đi tiếp, nếu để lâu sẽ bị ngứa da và mẩn đỏ dẫn đến lở loét vì nước có chứa nhiều hóa chất do các bãi vàng thải ra…”.

Nói là hành trình luồn rừng cho oách chứ chúng tôi chủ yếu phải rẽ các lùm cỏ gianh để đi và vượt qua các vách núi đá dựng đứng. Suốt chặng đường, thỉnh thoảng B. lại bảo tôi thấp đầu xuống đi khom lưng để tránh bị phát hiện. Sau hơn 4 giờ đồng hồ, chúng tôi dừng chân tại lán nương của một người quen của anh bạn dẫn đường khi trời nhá nhem tối.

Suốt đêm trên “thánh địa” vàng, tôi không sao chợp mắt được. Cả một vạt rừng sáng loáng bởi ánh điện và tiếng ầm ì của máy nổ khoét núi, nghiền đất đá như một công trường đang vào giai đoạn nước rút chạy đua tiến độ.

Rừng tàn, núi rỗng

Sáng hôm sau, khi màn sương đêm vẫn còn giăng khắp các sườn núi, chúng tôi nhanh chóng lên đường để tránh bị phát hiện. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt gần đỉnh núi, nơi bãi mới được lập ra cách đây hơn 2 tháng tiếp giáp với bản Chinh Sáng, xã Khun Há, huyện Tam Đường.

Theo anh B. cho biết thì núi rừng Phiêng Chạng được “vàng tặc” phát hiện có vàng từ năm 1991 (khi bãi Chinh Sáng đã cạn vàng). Họ chuyển sang đây và chạy khắp các sườn núi để tìm vàng. Thời kỳ nhiều có tới hơn 20 chủ lán và vài trăm người lao động.

Các lán khai thác vàng lậu di chuyển đến đâu thì núi bị khoét rỗng đến đó và những cánh rừng cũng từ đó mà biến mất. Mỗi khi tìm được vỉa vàng là các chủ khai thác vàng lậu lại tập trung máy móc, thiết bị để chuẩn bị cho hành trình “khoét núi, băm rừng”.

Trong suốt quá trình “mục sở thị” ở đây, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp các gốc cây to, nhỏ bị đốn hạ. Nơi bãi cũ thì chỉ còn trơ gốc cây và một vài cành nhỏ khô, nơi bãi mới thì vết cắt gốc bằng cưa máy và đống mùn cưa xẻ vẫn còn mới nguyên. Gỗ xung quanh được đốn hạ không thương tiếc và bất kể là loại gỗ gì, dù to hay nhỏ đều được dùng có mục đích. Cây to thì xẻ lấy ván thưng hầm, cây nhỏ được dùng làm cột chống và cành cây được trưng tập làm củi đun.

Những chiếc hầm kiểu như thế này làm dãy núi Phiêng Chạng trở lên trống rỗng.

Qua năm tháng, bãi “chiến trường” mà những kẻ khai thác vàng lậu tại đây để lại chỉ còn thảm thực vật và những vết tích tàn phá. Theo lời một lãnh đạo xã, có tới vài trăm héc ta rừng đã biến mất trong hai thập niên gần đây do  khai thác vàng trái phép gây ra.

Khu bãi bỏ hoang, chỉ với bán kính vài trăm mét đếm sơ qua cũng có vết tích của 6 – 7 đường hầm. Chúng tôi chui vào một cửa hầm mà anh bạn nói là hầm chính. Cứ vài chục mét hầm lại có một ngã rẽ hầm mới mà theo anh bạn để đi hết được các ngách hầm phải mất vài tiếng đồng hồ. Theo chân anh bạn, chúng tôi tiến thẳng đường hầm chính và chừng gần một giờ đồng hồ đã có mặt ở đỉnh núi. Điều chúng tôi được chứng kiến là toàn bộ ngọn núi đã trống rỗng và có thể xẩy ra sập, lũ quét bất cứ lúc nào.

Càng tiến gần đến bãi mới, nơi các lán trại mới được lập ra chúng tôi mới thấy sự tàn phá nặng nề của núi rừng Phiêng Chạng. Tiếng máy cưa xẻ gỗ và máy nổ khoét núi chát chúa một góc rừng. Chỉ trong bán kính chưa đầy một km2 có hàng chục lán bạt và tiếng máy nổ gầm rú.

B. cho biết là khu vực bãi mới có khoảng 7 – 8 chủ vàng lậu, với vài chục máy nổ nghiền đất, đá và khoét núi. Riêng khu vực lán trại của anh em nhà Nguyễn Văn Hưởng – quê Thái Nguyên có tới gần chục máy nổ và thời kỳ cao điểm có tới cả trăm người lao động. Mỗi ngày người dân ở bản Phiêng Chạng I, II gùi lên cho Hưởng tới gần 1.000 lít dầu để phục vụ cho việc khoét núi, phá rừng. 

Núi rừng phòng hộ đầu nguồn Phiêng Chạng đã và đang bị những kẻ khai thác vàng lậu ngày đêm tàn phá. Núi rỗng, rừng tàn và kéo theo nhiều hệ lụy cho người dân 7 bản bên kia suối Nậm Há, xã Noong Hẻo ở khu vực hạ nguồn. Có hệ lụy của việc khai thác vàng lậu ở đây đã nhìn thấy như sập hầm, lũ quét dẫn đến chết người, nhưng cũng có hệ lụy đang cùng thời gian “gặm nhấm” cuộc sống của người dân.

P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...