Thứ ba, 21/05/2024, 21:56 [GMT+7]

Phụ nữ phải làm “trụ cột”gia đình

Thứ hai, 10/10/2011 - 10:20'
(BLC) - Bình đẳng giới được nhắc tới và thực hiện khá tốt ở trung tâm thị trấn - nơi người phụ nữ có chỗ đứng trong xã hội và người đàn ông đã phần nào biết san sẻ, giúp đỡ vợ. Còn ở xã Phăng Xô Lin (huyện Sìn Hồ), gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai tảo tần của người phụ nữ dân tộc Dao. Họ là lao động chính, lo lắng từ việc trên nương, rẫy đến việc ăn, mặc.

“Lo cơm, áo là việc của… đàn bà”

Phụ nữ dân tộc Dao ở Sìn Hồ đợi đi làm thuê.

Đã thành thông lệ, cứ 5 giờ sáng, chị Tẩn U Mẩy ở bản Phăng Xô Lin (xã Phăng Xô Lin) dậy nấu cơm cho cả nhà rồi nắm một nắm cơm với một ít rau cải mang theo. Sau đó chị vác lu cở (đã để sẵn cuốc, xẻng) lên vai và tất tả ra bưu điện huyện ngồi chờ làm việc thuê. Trong khi đó, chồng chị lại thường ngủ dậy rất muộn, hàng ngày anh chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc sang nhà bạn uống rượu. Việc lo cơm, áo, con cái ăn học đổ dồn lên đôi vai của chị. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, do gia đình chị Mẩy không có đất làm nương, rẫy nên ngày ngày chị phải tần tảo làm thuê để nuôi 6 người con. Hiện nay, 2 đứa lớn học đến lớp 7, lớp 8 rồi bỏ học đi làm thuê kiếm sống cùng với mẹ. Trong khi đó, chồng chị - trụ cột chính trong gia đình lúc nào cũng bảo là bị ốm, không đi làm được. Hoàn cảnh của chị cũng là hoàn cảnh chung của một số chị em trong bản. Đối với người phụ nữ dân tộc Dao, chuyện đàn ông ở nhà là chuyện đương nhiên nên không còn ai thắc mắc nữa.

Cùng cảnh ngộ đi làm thuê với chị Mẩy là chị Tẩn Thị Diển ở bản Hoàng Hồ (xã Phăng Xô Lin). Qua lời kể của những người đi làm cùng chị thì hoàn cảnh gia đình chị Diển khá éo le. Chồng chị, anh Chẻo A Lù bị bạn bè trong bản rủ rê nên đã nghiện ma túy. Cuối giờ chiều, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình chị Diển. Vừa nấu cơm, chị vừa tranh thủ băm rau lợn. Tuy mới 40 tuổi nhưng trên nét mặt chị đã hằn in nhiều nếp nhăn do vất vả, lam lũ. Hỏi chồng chị đâu, chị chỉ vào căn phòng tối thui ở góc nhà. Từ căn phòng ấy, tỏa mùi thuốc phiện ám vào không khí. Chị Diển thở dài: “Người nghiện thì hay sợ gió, sợ nước và lười lao động, chỉ nằm trong giường và ngày nào cũng đòi vợ tiền để hút thuốc phiện thôi!”. Lời tâm sự của chị cũng là thực trạng chung tại các bản dân tộc Dao - điểm nóng tệ nạn nghiện ma túy của huyện. Nơi ấy, những người đàn ông bệ rạc, lẻo khẻo tối ngày nằm ôm bàn đèn trong nhà, mặc kệ vợ, con mưu sinh từng ngày để kiếm sống cho cả gia đình. Mà một ngày làm thuê đủ các thứ việc: bốc vác, đảo ximăng, cuốc đất… cũng chỉ được 100 nghìn đồng. Đó là những hôm có việc làm của công trình hoặc các gia đình ở thị trấn thuê. Có những ngày, các chị ngồi chờ việc từ sáng đến tối, chỉ mong kiếm đủ tiền mua gạo trong ngày…

Nhận thức thấp dẫn đến bất bình đẳng giới

Qua những lời tâm sự của những người phụ nữ dân tộc Dao, chúng tôi phần nào hiểu được những vất vả trong cuộc sống hàng ngày của các chị. Duy chỉ có điều chúng tôi vẫn không hiểu, tại sao các chị lại cam chịu số phận như vậy? Và tại sao những người chồng lại không có sự thông cảm, trách nhiệm đối với vợ con mình. Chúng tôi đem thắc mắc ấy hỏi chị Sùng Thị Dua – cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sìn Hồ thì chị lắc đầu ái ngại: “Trong những gia đình ấy, phần lớn cả hai vợ chồng đều chỉ học đến lớp 4, 5 rồi nghỉ ở nhà nên nhận thức chưa cao. Những người phụ nữ Dao từ bé đã được mẹ dạy khi lấy chồng phải nghe theo chồng nên việc phải nuôi chồng, họ cũng không thắc mắc gì. Những người đàn ông cũng xem đó là lẽ hiển nhiên”.

Qua lời của chị Dua, chúng tôi được biết trong gia đình người dân tộc Dao, khi có khách hoặc lễ, tết, thậm chí trong chính ngày cưới của mình, người phụ nữ chỉ ở dưới bếp nấu, đun nóng lại thức ăn mang lên phục vụ khách chứ không được ngồi ở bàn trên. Trong một gia đình đông con, nếu bố mẹ không có khả năng cho học tiếp thì người phải nghỉ học nhất định là con gái. Và những cô bé mới học dở dang cấp tiểu học, THCS khi nghỉ học đã sớm gắn bó với nương, rẫy. Tình trạng tảo hôn ở các bản dân tộc Dao nảy sinh cũng từ đó. Người phụ nữ dân tộc Dao chịu nhiều thiệt thòi do phải lo toan cuộc sống cho cả gia đình nên dù mới 30 – 40 tuổi, trên nét mặt khắc khổ của họ đã sớm hằn in nhiều nếp nhăn tuổi tác.

Để tình trạng bất bình đẳng giới bớt đi phần nhức nhối, mong rằng các cơ quan, đoàn thể ở xã, huyện chú trọng hơn đến việc tuyên truyền nhận thức cho mỗi người dân, sao cho họ hiểu rằng, người phụ nữ cũng cần được ngơi nghỉ, sẻ chia những nhọc nhằn, vất vả trong mọi công việc gia đình…

Hải Yến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...