Thứ ba, 21/05/2024, 00:22 [GMT+7]

Vấn đề hàng bình ổn giá và phân tích của cơ quan chức năng

Thứ ba, 24/05/2011 - 10:15'
(BLC) - Với góc nhìn của người tiêu dùng và nhất là đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp thì hàng bình ổn giá là một chính sách rất hợp lý, giúp người dân tháo gỡ rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa có điểm bán hàng bình ổn giá nào…!

Tìm hàng bình ổn giá

 “Cơn bão giá” đã lan tới tất cả các địa phương chẳng từ một nơi nào dù là chốn thành thị hay nơi hoang sơn. Tỉnh ta cũng không thể tránh nổi hoàn lưu của nó. Trong “bão giá” người nghèo, người có thu nhập thấp là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Để góp phần giúp người nghèo hạn chế tác động của bão giá, nhiều tỉnh đã có các điểm, cửa hàng bán hàng bình ổn giá, hỗ trợ giá. Các điểm bán hàng này đã phần nào cùng người nghèo chia sẻ khó khăn.

Người dân mua hàng tại siêu thị Quang Thanh, thị xã Lai Châu.

Khảo sát vấn đề này ở thị xã Lai Châu chúng tôi thấy dường như khái niệm “hàng bình ổn giá” còn khá mới mẻ và rất ít người biết đến.

Nơi đầu tiên chúng tôi ghé vào là Trung tâm mua sắm Dũng Huệ. Cảnh người mua thưa thớt, nhân viên bán hàng ngồi một chỗ đã nói lên phần nào tốc độ lưu thông hàng hoá ở đây.

Các mặt hàng như: dầu ăn, mì chính, muối, đường… vẫn được niêm yết giá bình thường, không có dấu hiệu nào từ “bàn tay” mang tên Bình ổn giá. Chị Huệ - chủ cửa hàng ngơ ngác: “Hàng bình ổn giá à? Sao tôi không thấy? Nhà tôi chỉ có được hưởng chiết khấu phần trăm nhập hàng bán buôn từ các đại lý, doanh nghiệp thôi chứ không có “cái” mà anh nói!”.

Chúng tôi rời cửa hàng với lời tự giải thích: Có lẽ cửa hàng nhỏ và chưa cập nhật được thông tin và tiếp tục đến các siêu thị và chợ trên địa bàn.

Tại Siêu thị Quang Thanh, các nhân viên ở đây đều khẳng định đơn vị không có mặt hàng nào được hưởng ưu đãi, giảm giá hay bình ổn giá. Trong khi đó một nhân viên của cửa hàng Thương nghiệp thị xã lại lầm tưởng tới một hình thức bán hàng mới chứ không phải là hàng bình ổn giá. Còn anh Vàng Văn Hảo (nhân viên Ban Quản lý Chợ trung tâm thị xã) cũng khẳng định không có quầy bán thịt, cá, gạo nào là hàng bình ổn giá ở chợ.

Tại Trung tâm mua sắm Hồng Hội, chợ số 1 phường Tân Phong, chợ xép phường Đoàn Kết và chợ Nậm Loỏng (phường Quyết Thắng) cũng như nhiều trung tâm mua sắm khác chúng tôi đều nhận được chung câu trả lời rằng không thấy, không có và cả sự ngạc nhiên của nhiều người.

Phân tích của cơ quan chuyên môn

Người nghèo dễ bị tổn thương trong “bão giá”, trong khi tỉnh ta lại thuộc nhóm các tỉnh nghèo của cả nước nên chắc chắn nền kinh tế của tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn khi mặt bằng giá mới quá cao so với thu nhập người dân. Một điểm bán hàng bình ổn giá là điều mà nhiều người mong mỏi

Ông Trần Quang Kháng – Phó trưởng Phòng quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Hàng bình ổn giá tuy có thể thấy cái lợi ngay nhưng còn nhiều điều bất ổn. Mặt bằng giá là do thị trường tự hình thành. Nếu thành lập các điểm bán hàng bình ổn giá thì tỉnh ta sẽ phải đối mặt với các vấn đề khá hóc búa…”. Theo các phân tích của ông Kháng thì những vấn đề đó sẽ là lượng hàng và nguồn vốn.

Bán hàng bình ổn giá sẽ là các điểm bán hàng với giá rẻ hơn mặt bằng giá của thị trường để tạo ra sự cạnh tranh buộc các tiểu thương tự giảm giá và giảm bớt gánh nặng cho người thu nhập thấp.

Nếu có các điểm bán hàng này thì phải có một lượng hàng cực lớn để có thể cung cấp đủ cho thị trường vì theo nguyên tắc cạnh tranh khách hàng sẽ đổ dồn về các điểm bán hàng bình ổn. Điều này có thể dẫn tới tái diễn hình ảnh bán hàng theo kiểu phân phối của thời bao cấp: mỗi người chỉ được mua một lượng hàng nhất định.

Vốn để bù lỗ cho các doanh nghiệp bán hàng bình ổn là vấn đề lớn nhất. Nếu giá cả leo thang bởi nhu cầu mua quá lớn (cầu kéo) thì vấn đề có thể giải quyết đơn giản bằng cách cung cấp thêm nguồn hàng để bình ổn thị trường. Tuy nhiên mặt bằng giá hiện nay hình thành do đầu vào nguyên liệu sản xuất. Giá xăng điện tăng các mặt hàng khác đều tăng buộc nhà sản xuất phải tăng giá để tránh bị lỗ.

Ông Kháng nhận định: “Nếu muốn bán hàng bình ổn giá thì giá của các mặt hàng đó phải thấp hơn mặt bằng chung. Trong khi mặt bằng chung này đã tương đối hợp lý thì phải bù lỗ cho doanh nghiệp bán hàng hoặc trợ giá cho doanh nghiệp sản xuất. Việc tăng giá chưa chắc các tiểu thương của tỉnh ta được lợi vì thu nhập của họ vẫn như vậy”. 

Cũng theo ông Kháng, do tỉnh ta có ít doanh nghiệp lớn có đủ năng lực chi phối thị trường nên nhiệm vụ của tỉnh đang tập trung là cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu. Muốn bình ổn được giá của thị trường theo hướng có lợi cho người nghèo thì cần phải thúc đẩy mạnh hơn việc sản xuất hàng hóa.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...