Thứ ba, 21/05/2024, 04:35 [GMT+7]

Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Có cần lập tòa án chuyên biệt ?

Thứ sáu, 27/05/2011 - 08:30'
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang là vấn đề gây bức xúc. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), sự vi phạm đang diễn ra ngày một tinh vi nhưng biện pháp xử lý đến nay vẫn là thách thức đối với các cơ quan thực thi pháp luật.

Liệu có "nhờn thuốc"?

Một lô hàng giả, hàng nhái bị thu giữ, xử lý.

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết, trên thị trường, hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT ngày càng nhiều và khó phân biệt, đặc biệt là những nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như: thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh, nhóm hàng tiêu dùng... Việc xâm phạm quyền SHTT còn xuất hiện ở nhóm hàng hóa có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép xây dựng, thực phẩm, đồ uống. Tính chất, mức độ vi phạm quyền SHTT ngày càng nghiêm trọng và phức tạp.

Theo Cục SHTT (Bộ KHCN), riêng trong lĩnh vực SHCN, số vụ khiếu nại về các hành vi vi phạm không ngừng tăng. Năm 2005, con số này là 404, đến năm 2006 đã lên đến 577. Riêng năm 2010, Cục đã tiếp nhận và xử lý 566 đơn, thư khiếu nại về xác lập quyền SHCN. Đợt kiểm tra sơ bộ của Thanh tra KHCN tiến hành gần đây tại hơn 3.000 cơ sở kinh doanh trên cả nước cho thấy, 37 đơn vị trong số này có hành vi vi phạm về SHCN như sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý bảo hộ quyền SHCN... Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), mỗi năm có đến hàng nghìn vụ việc liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa có kiểu dáng "cải tiến" từ các kiểu dáng đã được đăng ký bảo hộ bị phát hiện.

Vì sao pháp luật về SHTT ngày càng hoàn thiện, lực lượng giám sát các hành vi xâm phạm về SHTT không hề ít nhưng số vụ vi phạm lại tăng? Câu trả lời chung là hành vi xâm phạm SHTT luôn tạo ra siêu lợi nhuận trong khi việc xử lý vi phạm chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính và mức phạt chưa đủ sức răn đe.

Không nên "hành chính hóa"các quan hệ dân sự

Theo các chuyên gia về SHTT, bất cập khá rõ trong thực thi quyền SHTT hiện nay là thiếu sự phối hợp xử lý giữa 6 cơ quan được giao trách nhiệm bảo đảm thực thi về SHTT là tòa án, quản lý thị trường, thanh tra (VH,TT&DL, NN&PTNT, KHCN); công an; hải quan; UBND các cấp. Mặc dù thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được quy định rõ nhưng vẫn có hiện tượng chồng chéo. Thực tế này không chỉ khiến các chủ thể quyền SHTT lúng túng khi muốn liên lạc mà còn khiến các cơ quan này nảy sinh tâm lý đùn đẩy, chờ đợi nhau hoặc mạnh ai nấy làm.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hầu hết các hành vi xâm phạm quyền SHTT đều có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Điều này dẫn đến tình trạng một số trường hợp cần giải quyết theo thủ tục dân sự tại tòa án nhưng lại được xử lý bằng biện pháp hành chính, tức là đã "hành chính hóa" các quan hệ dân sự. Trong khi đó, có một thực tế là, việc giám sát thực thi quyền SHTT ở Việt Nam không giống các nước khác. Việc bảo hộ quyền SHTT chủ yếu được thực hiện thông qua biện pháp dân sự và do hệ thống tư pháp đảm trách. Các cơ quan hành chính khác chỉ thực hiện những biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT ban đầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thực tiễn giải quyết các tranh chấp quyền SHTT tại tòa án bằng biện pháp dân sự không đem lại kết quả mong muốn. Riêng giai đoạn 2000-2005, ngành tòa án thụ lý 93 vụ việc liên quan đến SHTT nhưng chỉ giải quyết được 63 vụ, trong đó đưa ra xét xử 33 vụ.

Thanh tra Bộ KHCN cho rằng, một trong những giải pháp để củng cố và tăng cường lực lượng của các cơ quan thực thi quyền SHTT ở nước ta thời gian tới là nghiên cứu lập tòa án chuyên biệt, trong đó tập trung giải quyết tranh chấp thuộc đối tượng của SHCN như tranh chấp về sáng chế, bố trí thiết kế mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại, bí mật kinh doanh, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Đây là các đối tượng thể hiện rõ nét bản chất dân sự của chủ sở hữu và liên quan đến việc cung cấp chứng cứ để chứng minh.

Việc lập các tòa án chuyên biệt về SHTT đã được các nước Anh, Mỹ, Pháp, Malaysia, Singapore... thực hiện khá thành công. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, việc nâng cao tính minh bạch, giải quyết các tranh chấp dân sự một cách nhanh gọn, hiệu quả cũng cần phải được xem là một lợi thế cạnh tranh. Việt Nam đã cần lập tòa án chuyên biệt này chưa? Xin dành câu trả lời cho các cơ quan quản lý.

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...