Thứ ba, 07/05/2024, 08:41 [GMT+7]

Làng 'nổi tiếng' vì đào nhà chữa bệnh

Thứ hai, 22/07/2013 - 08:51'
Xã Nga Liên, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) bỗng nhiên “nổi tiếng” trước thông tin nhiều hộ dân đào xới nền nhà tìm mộ để chữa bệnh  theo sự hướng dẫn qua điện thoại của một người được cho là ở Đồng Nai.

Về xã Nga Liên, đi từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng nghe thông tin về việc gia đình ông nọ, bà kia đào thấy mộ ngay trong nhà. Gia đình ông Trần Văn Châu (56 tuổi) trú tại xóm 7, xã Nga Liên là một trong số đó.

Ông Châu kể: “Vợ tôi bị bệnh tiểu đường và một số căn bệnh khác đã 13 năm nay. Vào ngày 9/4/2013 (âm lịch), có một người láng giềng đến thăm hỏi sức khỏe vợ tôi. Trong quá trình ngồi trò chuyện, người láng giềng này gọi điện cho ai đó, rồi đưa điện thoại cho tôi và bảo nói chuyện đi. Tôi cầm lấy điện thoại của cô ấy và bắt đầu nói chuyện với người ở đầu dây bên kia”.

Ông Châu cầm chiếc điện thoại di động của mình đặt lên tai và tường thuật lại việc được một người nói giọng miền Nam chỉ dẫn tìm mộ: Sau khi thăm hỏi nhau, người nói chuyện với tôi bắt đầu hỏi: Nhà chính của gia đình dài, rộng bao nhiêu mét? Nằm theo hướng nào?

18072013141013-JPG-1374400927_500x0.jpg

Ông Châu đứng trong khu vực chuồng lợn diễn tả lại cuộc điện thoại với người nói giọng miền Nam.

Sau khi khẳng định nhà chính của ông Châu "sạch", người có giọng miền Nam tiếp tục hỏi sang căn nhà dưới (căn nhà ông Châu sử dụng một phần làm bếp, một phần làm chuồng chăn nuôi lợn). 

"Khi tôi trả lời xong, người đàn ông trong điện thoại bắt đầu hướng dẫn tôi đi vào các gian của căn nhà và bảo tôi đánh dấu cụ thể 3 ngôi mộ ở 3 gian chuồng lợn. Xong việc đánh dấu, người ấy bảo tôi lấy bút để ghi", ông Châu kể.

Qua điện thoại, người đàn ông nói giọng miền Nam tiếp tục hỏi tên tuổi cha mẹ ông Châu rồi đọc tên tuổi của từng người trọng 3 ngôi mộ.  "Nguyện vọng của họ bây giờ là được cất bốc để đưa vào nghĩa địa cải táng", người đàn ông nói với ông Châu.

Theo lời chỉ dẫn qua điện thoại, ông Châu nhờ người thân và bà con hàng xóm tiến hành cất bốc 3 “ngôi mộ” vào ngày 13/4/2013 (âm lịch).

Hộ anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1978) – chị Trần Thị Mầu (SN 1982), trú tại xóm 9, xã Nga Liên cũng thông qua chỉ dẫn của một người tự xưng đang sống ở Đồng Nai để tìm, cất bốc mộ trong nhà mình. Thế nhưng hộ anh Sỹ không được may mắn như ông Châu bởi vì cất bốc mộ mà vợ chồng anh và 4 đứa con mất đi căn nhà trú mưa che nắng. Hiện tại, gia đình anh sống nhờ nhà bố mẹ đẻ anh Sỹ ở sát bên cạnh.

Bà Mai Thị Hương (56 tuổi), mẹ anh Sỹ, buồn rầu tâm sự: Sau khi lấy vợ, Sỹ dựng nhà ở riêng để lập nghiệp. Hai vợ chồng sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai) nhưng cả 4 đứa thường xuyên đau ốm nên nhà vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn. Từ đó Sỹ sinh ra nghĩ ngợi nhiều.

Thấy một số gia đình tìm đào mộ trong nhà nên anh Sỹ xin số, rồi gọi điện hỏi và được biết ở ngay trước cửa buồng chính có một phần mộ trong đó có 3 thi thể. Nghe theo lời người lạ, đến ngày 1/3/2013, anh Sỹ bắt đầu tiến hành đào nhà. 

Sau lần đào thứ nhất, anh Sỹ lại tiếp tục gọi điện vào hỏi người lạ và được bảo là cất bốc chưa hết. Để yên tâm, anh lại tiếp tục đào nền nhà lên để tìm mộ, khi đào đến lần thứ ba, xuyên qua chân tường mới cất bốc hết được mộ thì cũng là lúc căn nhà trị giá 30-40 triệu đồng sập hẳn.

daonha-JPG-1374400927_500x0.jpg

Căn nhà trị giá hàng chục triệu đồng của anh Sỹ giờ chỉ còn là đống gạch vỡ.

“Chẳng biết đào xới thế nào mà sập cả căn nhà. Ở vùng nông thôn chúng tôi thì 30 triệu đồng là cả một tài sản lớn của gia đình rồi huống chi là hộ cận nghèo và con cái ốm đau triền miên như nó. Tôi can nó mãi mà không được, giờ thì mới biết khổ. Không biết rồi kiếm tiền đâu mà dựng lại nhà”, bà Hương than thở.

Không chỉ nhà ông Châu, anh Sỹ, ở Nga Liên còn có hộ anh Nguyễn Bảo Quang (37 tuổi), ở xóm 3; hộ anh Đặng Văn Tám, ở xóm 6; anh Vũ Văn Quang, ở xóm 8… cũng thi nhau gọi điện cho “thầy” ở Định Quán (Đồng Nai) để tìm, đào mộ trong nhà.

Dù cách chữa bệnh chẳng dựa trên cơ sở khoa học và không hề đáng tin, vậy nhưng ông Châu vẫn nói: “Từ khi tìm thấy mộ và cất bốc cho đến nay, sức khỏe của vợ tôi tốt lên rất nhiều”. Bà Lý tiếp lời ông chồng: “Tôi thấy trong người khỏe hẳn lên, tinh thần tốt hơn. Đi khám lại ở các bệnh viện họ đều bảo, bệnh của tôi đều đã đỡ”.

Bà Phạm Thị Lan (SN 1952), trú xóm 1, xã Nga Thái cũng nói: “Sau khi cất bốc, xây mộ, bệnh tình của tôi gần như đã khỏi, hằng ngày không phải tiêm thuốc, ăn uống điều độ hơn trước và đã đi lại được”.

“Sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã đến động viên, chia sẻ với gia đình anh Sỹ; đồng thời, tuyên truyền người dân không nên mê tín, đào bới trong nhà gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến môi trường thậm chí là tính mạng của chính họ”, ông Vũ Văn Giáp, Chủ tịch xã Nga Liên.

Thế nhưng, trái với lời khẳng định của vợ chồng ông Châu và bà Lan, Trạm trưởng Trạm y tế xã Nga Liên Trần Thanh Nam, khẳng định: “Việc người dân cho rằng cất bốc mộ có thể khỏi bệnh chẳng qua là suy nghĩ bột phát của một số người mê tín dị đoan. Bất cứ người nào bị bệnh cũng phải có phác đồ điều trị mới khỏi được. Riêng trường hợp bà Lý, mới đây còn đến khám, điều trị ở chỗ tôi, làm gì đã khỏi bệnh”. Theo ông Nam, hiện bà Lý đang bị nhiều biến chứng do bệnh tiểu đường gây nên như phù nề, thận, huyết áp...

Về những vấn đề nêu trên, ông Vũ Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Nga Liên cho biết: Việc nhiều hộ dân trên địa bàn xã gọi điện cho một người lạ ở trong miền Nam rồi nhờ bà con, hàng xóm về đào mộ trong nhà là có thật. Kể cả việc đào mộ dẫn đến sập nhà ở hộ anh Sỹ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong các ngôi mộ mà người dân đào không có xương mà chỉ có một lớp đất xốp như bã cà phê nên không thể khẳng định đó là mộ của người chết.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Điển hình “dân vận khéo” của Đồn Biên phòng Hua Bum
Cùng với triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, công tác dân vận cũng được Đồn Biên phòng Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) đặc biệt chú trọng. Và, trong số những điển hình “dân vận khéo” của đơn vị có...