Thứ năm, 09/05/2024, 00:29 [GMT+7]

Sinh viên sống chung với “bão” giá

Thứ tư, 13/04/2011 - 17:43'
(BLC) - Sau khi giá xăng dầu, giá điện tăng thì tiền thuê nhà trọ, lương thực, thực phẩm cũng đồng loạt tăng theo. Đời sống của sinh viên vốn khó khăn nay càng chật vật hơn. 

Bữa ăn tập thể của sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu.

Nhiều sinh viên trên địa bàn tỉnh đã tìm cách thích ứng bằng những việc làm thiết thực như: tìm việc làm thêm, dạy thêm, thắt chặt chi tiêu…

Bạn Lường Văn Xiếc ở xã Bum Nưa (huyện Mường Tè) học khoa sư phạm - hệ trung cấp của Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu kể chuyện sống chung với “bão” giá của mình khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng: “Bây giờ giá cả cái gì cũng tăng, cầm tiền đi chợ mà cứ như làm rơi dọc đường nên bọn em tự đặt ra phương châm: rẻ, nhiều, ăn no thì mua, còn ngon mà đắt thì… bỏ qua. Hàng tháng, chúng em chỉ dám ăn rau bắp cải, đậu phụ, cá khô. Giờ đây món thịt trở thành xa xỉ với bọn em. Không chỉ giá lương thực, thực phẩm tăng, sau tết chủ nhà trọ cũng tăng giá phòng thêm 100.000 đồng/phòng (trước 400.000 đồng/1 phòng); tiền nước lên 25 nghìn đồng/1 người. Theo tính toán của em với đà tăng giá như hiện nay, mỗi người trong phòng phải nộp 700 nghìn đồng cho chi phí ăn uống thay vì 500 nghìn như trước đây”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm một mình mẹ phải nuôi 4 anh em ăn học nên ở nhà mẹ cố gắng chắt chiu hàng tháng gửi cho Xiếc được 1 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, Xiếc đã đóng tiền nhà, điện, nước, tiền ăn mỗi tháng 900.000 nghìn đồng. Vì vậy, em phải hạn chế, thắt chặt chi tiêu như: chỉ gọi điện thoại khi cần thiết, không la cà ở quán enternet, mua sắm quần áo... để đảm bảo tiền chi tiêu đủ cho cả tháng không phải xin thêm tiền bố mẹ.

Hơn 11 giờ trưa, căng tin của Trường Cao đẳng Cộng đồng vắng hơn hàng ngày, lác đác có vài ba sinh viên đến ăn cơm. Chủ căng tin than thở: “Mấy tháng trước, vào giờ này, sinh viên xếp hàng mua cơm ra tận cửa. Giờ giá cả đắt đỏ, từ đường, mỳ chính, hành tỏi cho đến gạo, thịt, cá… đều đội giá, thành ra mỗi suất cơm phải tăng từ 10 nghìn đồng lên 15 nghìn đồng/1 suất”. Sống trong thời bão giá, sinh viên ở ký túc xá thường xem chỗ nào cơm rẻ thì ăn, không cần biết có đảm bảo vệ sinh hay không? Nhiều sinh viên chỉ ăn một bữa cơm còn một bữa ăn mỳ tôm. Hôm nào dành dụm được thì suất ăn có thêm ít rau và đậu phụ ăn kèm mỳ cho đỡ nóng ruột.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, phần lớn sinh viên theo học ở Trường Cao đẳng Cộng đồng và Trường Trung cấp nghề đều là con em các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện Mường Tè, Sìn Hồ… Với sự leo thang của giá cả khiến cuộc sống của nhiều sinh viên vốn đã khó khăn nay lại càng chật vật hơn.

Để ứng phó với tác động của cơn “bão giá”, bên cạnh việc trông chờ sự “cứu viện” của gia đình, nhiều sinh viên thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm như: cắt giảm chi tiêu không cần thiết, tìm việc làm thêm… để tăng thu nhập. Tuy nhiên không giống các tỉnh, thành phố lớn, những công việc mà sinh viên có thể xin làm trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Không những thế, mức thu nhập lại không phù hợp. Ví như đi làm thêm tại quán cà phê, quán cơm… cũng chỉ nhận được mức lương từ 400 đến 600 nghìn đồng/tháng.

May mắn hơn các bạn của mình, bạn Nguyễn Hoài Dung - học khoa kỹ thuật (Trường Cao đẳng Cộng đồng) tìm được việc làm. Dung cho biết: Ban ngày em đi học, buổi tối từ 19 giờ – 22 giờ em xin làm phục vụ ở quán cà phê với mức lương 600 nghìn đồng/tháng. Công việc tuy vất vả nhưng với số tiền này giúp em trang trải thêm cuộc sống mà không phải xin thêm bố mẹ.

Trước sự tăng nhanh của giá cả như hiện nay, bạn Lý Văn Long sinh viên Trường Trung cấp nghề đã chọn cho mình một cách “ứng phó” thích hợp. Với số tiền 1.200 nghìn đồng/tháng, trước đây em ăn cơm bụi nhưng từ khi giá cả tăng em đã tập hợp được 10 bạn cùng ở xã Bum Nưa (huyện Mường Tè) góp tiền nấu cơm chung, vừa tiết kiệm lại vừa được ăn no mà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, mỗi lần về quê các bạn lại phân công nhau mang mỗi người một thứ để đỡ phải mua như: gạo, rau, cá khô… 

Một giải pháp nữa được các sinh viên thực hiện triệt để là 2 hoặc 3 bạn cùng thuê ở một phòng để bớt tiền nhà và giúp đỡ nhau trong học tập.

Khi giá cả đắt đỏ, đời sống kinh tế eo hẹp người ta thường chọn giải pháp thắt lưng buộc bụng. Với sinh viên cũng vậy, nhiều bạn bây giờ trở nên chăm chỉ hơn, tăng cường “hợp tác” nấu ăn và “thắt chặt” chi tiêu để vượt qua khó khăn trong thời kỳ “bão giá”.

Hương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...