Thứ năm, 02/05/2024, 11:39 [GMT+7]

Đề án 1816 của Bộ Y tế tại Lai Châu: Góp phần giải bài toán về nhân lực và chất lượng khám chữa bệnh

Thứ hai, 01/10/2012 - 22:23'
(BLC) - Sau gần 4 năm triển khai Đề án 1816 đã góp phần quan trọng giải quyết bài toán nhân lực, chất lượng cho ngành y tế tỉnh. Góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngay tại địa phương.

Với phương châm “Cầm tay chỉ việc” trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, các bác sỹ tăng cường tập huấn cho các thầy thuốc tuyến dưới bằng tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề và đồng cảm chia sẻ với những khó khăn của tỉnh. Các y, bác sỹ Lai Châu coi đây là cơ hội tốt để học tập kinh nghiệm chuyên môn cũng như nâng cao tay nghề.

Bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho các y, bác sỹ BVĐK tỉnh.

Nhờ đó, công tác khám chữa bệnh đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều ca bệnh khó, phức tạp trước đây phải chuyển tuyến thì nay cùng với sự hỗ trợ của cán bộ tăng cường, y, bác sỹ của tỉnh đã thực hiện thành công tại đây, giảm 1/2 số bệnh nhân phải chuyển tuyến. Người dân đã được hưởng lợi các dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại địa phương mình.

Những ngày đầu mới tăng cường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Thạc sỹ (Ths.) Nguyễn Ngọc Dũng, Phó trưởng khoa tế bào tổ chức học - Viện huyết học và truyền máu Trung ương không khỏi ngạc nhiên trước sự thiếu hụt và khác biệt về nhân lực, vật lực giữa một bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến địa phương. Nhiều bác sỹ phải làm rất nhiều việc cùng một lúc, ngay tại khoa huyết học, một bác sỹ vừa làm truyền máu vừa làm vi sinh. Với mong muốn truyền đạt cho cơ sở tất cả những kinh nghiệm và kiến thức của mình. Ths. Dũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá, xác định nhu cầu để đem đến cho đội ngũ cán bộ y tế địa phương những kiến thức sát thực, thiết yếu và phù hợp với mô hình bệnh viện cũng như điều kiện thực tế ở đây.

Ths. Nguyễn Ngọc Dũng cùng các y, bác sỹ BVĐK tỉnh đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân Chu Đức Tới.

Trên cơ sở đó, Ths. Dũng đã cùng với y bác sỹ BV cứu sống nhiều bệnh nhân (BN) ngay tại đây. Điển hình là một bệnh nhân BN nhi 3 tuổi, cháu Chu Đức Tới (Than Uyên) nhập viện trong tình trạng thiếu tiểu cầu chỉ còn 2 G/lít, trong khi người bình thường là 150 – 450G/lít. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bị giảm tiểu cầu nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời dễ biến chứng xuất huyết não và có nguy cơ tử vong cao nếu chuyển tuyến trong tình trạng nguy kịch này.

Để kịp thời cứu cháu Tới, Ths. Dũng đã khuyên người nhà nên để BN ở lại để cứu chữa tại đây. Tại BVĐK tỉnh không có tiểu cầu để truyền cho BN, bằng kinh nghiệm chuyên môn, Ths. Dũng đã cùng với các y , bác sỹ BV thực hiện huy động máu của người nhà, lấy máu để lắng xuống rồi dùng panh kẹp ở giữa túi máu, phần lắng xuống là hồng cầu, phần nổi trên là có tiểu cầu và huyết tương. Vừa truyền tiểu cầu vừa điều trị thuốc, khoảng một tuần sau, cháu Tới đã bình phục nhanh chóng. Người nhà BN vui mừng cảm ơn các y, bác sỹ. Ngoài chuyển giao kỹ thuật, tập huấn về huyết học truyền máu cho các y, bác sỹ, của BVĐK tỉnh và các TTYT tuyến huyện, Ths Dũng còn hiến những giọt máu của mình để cứu sống người bệnh.

Đề án 1816 là một chủ trương rất đúng đắn và cần thiết nhằm giúp cho  tuyến cơ sở thực hiện được các ca bệnh hiểm nghèo, giảm chi phí đi lại cho người bệnh và tình trạng quá tải cho BV tuyến trên. Đầu tháng 8/2012, được sự giúp đỡ của BV Bạch Mai, các bác sỹ đã lên chuyển giao kỹ thuật, BVĐK tỉnh đã khai trương đơn vị thận nhân tạo tại Khoa Hồi sức cấp cứu và đã thực hiện chạy thận nhân tạo cho BN. Là một trong 2 BN đầu tiên đựơc thực hiện chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh, BN Hà Văn Phung (Mường Kim, Than Uyên) xúc động tâm sự: “Mấy năm nay tôi cứ phải về BV Bạch Mai để chạy thận, tốn kém rất nhiều, tôi phải thuê nhà ở, chi phí đi lại ăn uống cho cho bản thân cũng như người nhà. Nay tôi được điều trị tại địa phương, giảm được chi phí đi lại cũng như ăn ở, tôi rất mừng, cảm ơn sự quan tâm của các y, bác sỹ”.

Gặp Bác sỹ Đặng Văn Tú, Trung tâm Phục hồi chức năng (PHCN), BV Bạch Mai trong khi anh đang hướng dẫn các y, bác sỹ khoa PHCN (BVĐK tỉnh) thực hiện các kỹ thuật quy trình PHCN cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Sự kiên trì trong chuyển giao cũng như sự miệt mài học tập của các y, bác sỹ đã khiến cho chúng tôi thật sự thấy khâm phục, vui mừng.

Bac sỹ Tú tâm sự: “Vì thời gian tăng cường ở đây chỉ có 3 tháng, nên tôi đã tranh thủ mọi thời gian để truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình cho các y, bác sỹ tại đây, tôi thấy họ thật sự ham học hỏi và học tập rất nhanh các kỹ thuật mới, sau đợt tăng cường, tôi rất yên tâm là các y, bác sỹ ở khoa đã thực hiện được nhiều các kỹ thuật mới mà tôi đã chuyển giao”. Ngoài chuyển giao kỹ thuật, anh còn là cán bộ đầu tiên tổ chức lớp tập huấn về quy trình PHCN cho cán bộ BVĐK tỉnh và TTYT các huyện, thị.

Sự nhiệt tình, trách nhiệm cao trong chuyển giao kỹ thuật cũng như tinh thần ham học hỏi, mong muốn thực hiện được cái mới, kỹ thuật cao để khám chữa bệnh cho nhân dân của các y, bác sỹ BVĐK tỉnh Lai Châu, đã và đang góp phần làm cho Đề án 1816 trở nên có ý nghĩa thiết thực hơn, để cho bệnh nhân ở các tuyến cơ sở được hưởng lợi từ các dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại địa phương mình,  góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Sau gần 4 năm thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế đã có trên 100 tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa, điều dưỡng có tay nghề giỏi của 18 BV tuyến Trung ương và các BV trực thuộc sở Y tế Hà Nội lên hỗ trợ giúp đỡ chuyên môn, kỹ thuật cho tỉnh Lai Châu.

 

 

Mai Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Nêu gương sáng trong cộng đồng dân cư
Mới đây, chúng tôi có chuyến công tác tại xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên), được đồng chí Trương Thanh Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu về Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nậm So - Lò Văn Đôi tuy tuổi...