Chủ nhật, 15/09/2024, 14:08 [GMT+7]

Từ chiếc ghế công viên đến tình yêu Tổ quốc

Thứ ba, 06/08/2024 - 15:04'
Vừa qua trên một trang mạng xã hội tên là “Ước mơ Việt Tân” có đăng hình ảnh một chiếc ghế dài (trên vỉa hè, trong không gian công cộng và được cho là ở một nước phát triển nào đó). Điểm đặc biệt là chiếc ghế đáng lẽ có 4 chỗ ngồi thì người ta cố tình làm khuyết đi vị trí ngồi thứ 3 (như hình). Dưới góc nhìn của Việt Tân (tổ chức này được xác định là tổ chức khủng bố) đây là một kiến trúc dành cho người khuyết tật đỗ xe lăn, đây là một thiết kế nhân văn mà chỉ những nước phát triển mới có và có ý ám chỉ rằng Việt Nam ta còn kém văn minh. Tuy nhiên sự thực có phải như thế và chiếc ghế này thì có liên quan gì tới tình yêu Tổ quốc?

Trước tiên, ta cần hiểu rõ về bản chất thiết kế của chiếc ghế trên. Tên tiếng Anh của chiếc ghế trên là “anti homeless bench” tạm dịch là “ghế chống người vô gia cư”. Đây là những chiếc ghế công cộng có chung thiết kế gây khó khăn cho việc nằm. Đó là một trong vô số những thiết kế được gọi chung là kiến trúc thù địch (Hostile architecture). Kiến trúc thù địch có muôn hình vạn trạng: có nhiều tay vịn, bề mặt không bằng phẳng, bãi đá thay vì bãi cỏ, gai, đinh, bu lông trên các mặt phẳng công cộng, ghế có độ dốc, độ cong lớn để người ta chỉ ngồi, đứng tạm. Hoặc người ta cũng có thể lắp ghế đơn xa nhau, so le nhau… mục đích cuối cùng là để xua đuổi người vô gia cư, hoặc gây khó khăn cho họ khi sử dụng chúng vào việc nằm, ngồi lâu…

Chiếc ghế mà tổ chức khủng bố Việt Tân gọi là nhân văn.

Các loại công trình công cộng này được thi công với ý tưởng: dùng công trình dân dụng để điều chỉnh xã hội. Người ta cho rằng, khi người vô gia cư sử dụng, tụ tập tại các thành phố lớn sẽ tạo ra các hình ảnh nhếch nhác, kém văn minh, có hại cho các ngành kinh tế nói chung, nhất là ngành Du lịch. Đáng nói rằng, các kiến trúc kiểu này xuất hiện không phải ở một mà ở rất nhiều thành phố, ở rất nhiều nước phát triển, những nước vốn được coi là văn minh, là nhân đạo, thậm chí là tự cho mình là nước có nền nhân quyền đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, đúng là người vô gia cư không thể, không có cơ hội sử dụng các loại ghế, công trình này, họ không thể, nằm, ngồi trên hè phố, trên ghế công viên, nhưng họ ở đâu? Họ vẫn ở đâu đó, vẫn đi lang thang trong cái đói, cái nghèo. Và, như vậy những đối tượng yếu thế, người ăn mày, vô gia cư này, những đối tượng đáng lẽ phải được bảo vệ trong xã hội lại bị xua đuổi theo cách thức tưởng là văn minh lại vô cùng vô nhân đạo. Và như thế, ở nước nào đó người ta tự luyến nhau rằng họ văn minh, nhưng thực ra có đúng thế?

Nhìn về Việt Nam, chúng ta không làm thế. Lâu nay, trong văn hóa người Việt, câu “lá lành đùm lá rách” đã trở thành một chuẩn mực, khuôn thước trong đạo đức xã hội. Và gần đây, chúng ta lại có thêm câu khẩu hiệu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thật thế, chúng ta không có những kiến trúc thù địch, không có những chiếc ghế chống người vô gia cư, hay cũng không có công trình xua đuổi nào. Hẳn chúng ta vẫn nhớ hình ảnh nguyên thủ nước ta và nguyên thủ nước bạn đã thoải mái ngồi bên nhau trên một chiếc ghế dài cũ kỹ bên Hồ Gươm. Vâng, Việt Nam là thế đấy!

Đầu tiên, ở các thành phố trên cả nước, chúng ta không có, hoặc có rất ít người vô gia cư. Theo thống kê năm 2023, ước tính nước Mỹ có hơn 653.000 người vô gia cư. Còn ở Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có thể khẳng định rằng con số này nhỏ hơn rất nhiều. Có chăng thì đó là những người rời quê hương lên thành phố sinh sống, làm ăn, sa cơ, lỡ vận chưa có chỗ ăn, chỗ nghỉ mà thôi (ở quê, nhiều người vẫn có cả một cơ ngơi mà có lẽ nhiều người còn phải mơ ước). Điều này cho thấy gì? Cho thấy thể chế của ta, chính sách của ta là luôn quan tâm, chăm sóc tất cả các đối tượng trong xã hội, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, nghĩa là chúng ta không “tạo” ra người vô gia cư. Nói đến đây, nếu ai đó không tin, hãy đến với thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu), một thành phố miền núi xa xôi, miền Tây Bắc của Tổ quốc, một địa phương còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung cả nước, bạn có thể tìm cả ngày cũng không thấy có một người vô gia cư nào.

Vậy phải chăng ở Việt Nam không có những đối tượng yếu thế? Có chứ, xã hội nào cũng có. Nhưng cách ứng xử của Việt Nam ta lại rất nhân văn, nhân đạo. Chúng ta có những trung tâm bảo trợ xã hội, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, người bị bệnh… đều được quan tâm, đưa đến ở trong các trung tâm này. Ở đây, họ có mái nhà chung, có gia đình lớn, trẻ em được học hành, người lớn được quan tâm, mưa không lo ướt, nắng không sợ đói. Ở đây, họ được giáo dục không chỉ về kiến thức phổ thông mà còn được trao truyền những ước mơ, khát khao, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống, để mang lại những giá trị cho đời. Mà quả thật, cho dù có quá đáng đến mức phải cơ nhỡ, lang thang thì những chiếc ghế dài trong công viên, trong bến xe, ngoài bờ hồ, những mái hiên… chẳng nơi nào có đinh, có chông, hay là có những tay vịn cao để xua đuổi họ. Người Việt Nam là thế, dân tộc Việt Nam là thế, chúng ta là đồng bào, là con một tổ nên chúng ta có lòng trắc ẩn, tính thương người chứ đâu như ai kia.

Một chiếc ghế công viên giản đơn, nhưng ở hai nước, với hai thể chế, hai văn hóa khác nhau nó lại hàm chứa những câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Nhìn vào nó, ta thêm yêu, thêm quý nhân cách người Việt, thêm yêu Tổ quốc này.

Xuân Thu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay phòng, chống tảo hôn (TN), hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trên địa bàn.
Tô thắm hình ảnh của người chiến sỹ công an
Với sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an xã Bản Giang (huyện Tam Đường) đấu tranh thành công nhiều vụ án ma tuý, khai thác...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.