Thứ năm, 12/09/2024, 02:41 [GMT+7]

Cải cách tiền lương theo vị trí việc làm: Bước đột phá lớn

Thứ tư, 22/11/2023 - 11:15'
Tăng lương theo hướng tiệm cận khu vực doanh nghiệp tư nhân đi đôi với trả lương theo vị trí việc làm là bước đột phá lớn trong cải cách tổng thể chính sách tiền lương.

Điều này sẽ giúp nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức, thúc đẩy tăng năng suất lao động cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thực hiện cải cách tiền lương theo nguyên tắc đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TƯ sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cán bộ, viên chức trong ngành Giáo dục. Ảnh: Nhật Nam

Thực hiện cải cách tiền lương theo nguyên tắc đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TƯ sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cán bộ, viên chức trong ngành Giáo dục. Ảnh: Nhật Nam

Giữ chân nhân lực chất lượng

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với nội dung về chính sách tiền lương. Trong đó, Quốc hội quyết nghị từ ngày 1-7-2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ (ngày 21-5-2018) Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ sẽ tạo ra các bảng lương theo vị trí việc làm, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã; theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Cùng với đó, chính sách mới sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm cơ cấu tiền lương gồm: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường nhận định, khi triển khai, chính sách tiền lương mới sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực, khuyến khích lao động sáng tạo, tạo ra giá trị nhiều hơn, giữ chân nhân tài, nhân sự chất lượng cao cống hiến, phục vụ cho khu vực công.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý nhận định, đây cũng là cơ sở để lan tỏa sang các khu vực khác khi chính sách cải cách tiền lương bảo đảm mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

“Các khu vực tư cũng sẽ dựa vào việc cải cách tiền lương của khu vực công để xây dựng mức trả lương cho người lao động tương xứng với vị trí của họ”, ông Đinh Ngọc Quý nói.


Tiếp tục rà soát, hoàn thành danh mục vị trí việc làm

Để thực hiện quyết sách quan trọng trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ năm 2016 đến nay, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm. Đến thời điểm hiện tại, danh mục đối với cơ quan, tổ chức hành chính có 866 vị trí việc làm; đơn vị sự nghiệp là 615 vị trí việc làm và cán bộ, công chức cấp xã là 17 vị trí việc làm. Tổng số lượng chức danh, chức vụ lãnh đạo là 232 vị trí, từ trung ương đến cấp xã.

Đối với các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, Ban Tổ chức Trung ương sẽ có chỉ đạo để bảo đảm được đồng bộ trong cả hệ thống chính trị. Đối với các cơ quan Quốc hội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được giao triển khai toàn bộ nội dung liên quan đến việc xây dựng vị trí việc làm, thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm, đáp ứng được tinh thần triển khai cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024.

“Bộ cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện xong việc lập danh mục vị trí việc làm để triển khai kịp thời cải cách chính sách tiền lương. Mặt khác, Bộ tiếp tục báo cáo với Ban Chỉ đạo trung ương về quản lý biên chế để triển khai đồng bộ, bảo đảm thống nhất”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói.

Về thực hiện rà soát, lập danh mục vị trí việc làm, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội đang tiếp tục rà soát danh mục vị trí việc làm, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm, báo cáo Sở Nội vụ quyết định phê duyệt đề án vị trí việc làm đối với cơ quan, tổ chức hành chính; quyết định phê duyệt điều chỉnh vị trí việc làm đối với cơ quan, tổ chức hành chính theo quyết định ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cũng tiến hành rà soát tổng thể kế hoạch sử dụng biên chế công chức, viên chức, hiện trạng biên chế và đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng, chỉ tiêu tiếp nhận để từ đó tổ chức tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân lực còn thiếu theo quy định.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương):

Mức lương mới sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống

Có thể nói, nội dung cải cách tiền lương nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội, đông đảo cử tri và nhân dân trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, với bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì đây là vấn đề được kỳ vọng rất lớn. Bởi vì, theo đánh giá với cách tính lương hiện nay, tiền lương của những đối tượng này đang rất thấp, lạc hậu so với mặt bằng giá cả và nhu cầu cuộc sống nói chung.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều mong rằng, với sự nhìn nhận này, mức lương mới sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Trong đó, phải kể đến lực lượng y, bác sĩ, giáo viên, những người công tác trong ngành Y tế và Giáo dục. Đối với những ngành đặc thù như Giáo dục và Y tế, bên cạnh việc xếp lương, cần quan tâm đến phụ cấp đặc thù nghề nghiệp và điều quan trọng là phụ cấp này phải có tác dụng cải thiện thu nhập của những người trong ngành, chứ không chỉ có tác dụng động viên tinh thần.

Chuyên gia cao cấp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Bùi Sỹ Lợi:

Phân công lại lao động một cách hợp lý

Tôi cho rằng, hiện tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đủ để trang trải những nhu cầu cuộc sống nên rất khó tạo ra đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, chuyên cần và làm việc hiệu quả. Việc cải cách chính sách tiền lương sẽ bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng sự gia tăng của giá cả sinh hoạt trên thị trường; đồng thời bảo đảm mức lương chi trả tương xứng, thể hiện đúng giá trị sức lao động của cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phải nhận thức rõ việc tinh giản biên chế là yếu tố tiên quyết của cải cách chính sách tiền lương; cần lập danh mục vị trí việc làm, bảo đảm phân công lại lao động một cách hợp lý, góp phần tăng năng suất lao động, tạo tăng trưởng xã hội để phát triển đất nước. Ngoài ra, cần thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Công chức Văn phòng - Thống kê, UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) Nguyễn Thị Bảo Yến:

Tạo ra sự công bằng trong thu nhập

Việc Quốc hội thông qua thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024 là điều mong mỏi nhất đối với đội ngũ công chức, viên chức như chúng tôi. Có thể thấy, những tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có thể do nguyên nhân thu nhập không bảo đảm đời sống.

Cải cách tiền lương hướng tới lương, mức độ thưởng, chế độ phân công công việc bảo đảm công bằng. Từ đó, thiết lập sự công bằng trong thu nhập của những lao động cùng nhóm. Điều này sẽ tạo sự an tâm cho các cán bộ, công chức hiện nay. Đồng thời, bộ máy nhà nước có thể đẩy mạnh việc tinh giản biên chế gọn nhẹ và phát huy năng lực từng cá nhân, từ đó bảo đảm vị trí việc làm. Nội dung cải cách tiền lương sắp tới cũng sẽ bảo đảm tiền lương khu vực công tiệm cận dần và không chênh lệch với tiền lương khu vực doanh nghiệp để khu vực nhà nước có thể thu hút được nhân lực chất lượng cao với chế độ tiền lương thỏa đáng.

Theo Hanoimoi.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.