Lấy phiếu tín nhiệm - giúp cán bộ “tự soi, tự sửa”
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ mười tám, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh khóa XV bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cụ thể, bao gồm: Chủ tịch HĐND tỉnh, 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, 4 trưởng ban của HĐND tỉnh; 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, còn lại là Ủy viên UBND tỉnh. Riêng chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ không lấy phiếu tín nhiệm do vừa được bầu và bổ sung Ủy viên UBND tỉnh. Mức độ tín nhiệm theo 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Kết quả bỏ phiếu, đa số người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu có số phiếu đánh giá tín nhiệm và tín nhiệm cao chiếm ưu thế, với số phiếu từ 47 - 49 phiếu/49 đại biểu có mặt.
Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Đây là một trong những hoạt động giám sát của HĐND tỉnh có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Đại biểu HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV bầu.
Trước đó, tại các kỳ họp chuyên đề, HĐND các huyện, thành phố cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do HĐND huyện, thành phố bầu. Các bước được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, khách quan, công tâm, công khai và minh bạch. Đồng chí Vương Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch HĐND huyện Phong Thổ cho biết: Kỳ họp thứ mười lăm, HĐND huyện Phong Thổ khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 người. Kết quả không có người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”. Để có được kết quả đó, trước kỳ họp, HĐND huyện đã lập danh sách, yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo theo mẫu quy định và bản kê khai tài sản, thu nhập. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức thông báo danh sách, lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trên địa bàn về người được lấy phiếu tín nhiệm. Qua báo cáo, ý kiến của cử tri giúp các đại biểu HĐND có căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Bà Trần Thị Sâm, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND huyện Than Uyên chia sẻ: Với kết quả lấy phiếu tín nhiệm cao, tôi rất vui khi thấy được mức độ tín nhiệm của mình với các đại biểu HĐND. Đây là niềm vui, động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện bản thân và cố gắng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được phân công liên quan đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục… Thông qua các hoạt động giám sát, đảm bảo quyền, lợi ích cho nhân dân, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Từ đó, góp phần tăng cường niềm tin của cử tri và nhân dân về đại biểu dân cử, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Được biết, trong tháng 9, 10, UBND tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện uỷ/Thành uỷ quản lý để đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và uy tín của cán bộ. Theo đó, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm là Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư Huyện uỷ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện/thành phố, Ủy viên UBND huyện. Qua hình thức bỏ phiếu kín, đa số các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đều nhận được số phiếu đánh giá tín nhiệm cao và tín nhiệm.
Mục đích Nghị quyết số 96 của Quốc hội và Quy định số 96 của Bộ Chính trị đều hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Như Quy định số 96 của Bộ Chính trị nêu rõ: Việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
Tin rằng, qua các đợt lấy phiếu tín nhiệm, cán bộ từ tỉnh đến huyện sẽ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường, kinh nghiệm trong công tác; tích cực nghiên cứu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để không phụ sự kỳ vọng và tin tưởng của cử tri, nhân dân trong tỉnh.
Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận