

Niềm nở tiếp đón rồi pha ấm trà nóng mời chúng tôi, trong câu chuyện, bà Bùi Thị Bình - Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 7 (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) chia sẻ những kỷ niệm về 5 năm vác tù và hàng tổng. Bà Bình được nhân dân bầu kiêm nhiệm Tổ trưởng tổ dân phố từ năm 2019. Thời gian đầu, bà gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Được sự động viên, giúp đỡ của bà con, gia đình, bà dần làm quen với công việc. Bà Bình tâm sự: Công việc khá bận rộn, nhưng bà con tin tưởng nên tôi cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể, kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của đảng các cấp đến nhân dân. Vận động các hộ xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa; tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Sau 1 năm giữ cương vị tổ trưởng, đến năm 2020, tôi tiếp tục được đảng viên bầu bí thư chi bộ tổ dân phố. Gách vác trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, công việc thêm bộn bề nhưng bản thân luôn tự nhủ: đây là cơ hội để “tự soi, tự sửa” nên càng thêm cố gắng và thực hiện nhiệm vụ với phương châm: lợi ích tập thể đặt trên lợi ích cá nhân; phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở.
Bà Bùi Thị Bình - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 7, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên (thứ nhất bên trái) tuyên truyền người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
5 năm làm tổ trưởng rồi kiêm thêm bí thư chi bộ, bà Bình học Bác đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới”, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Minh chứng là với sự góp sức của bà, nhân dân trong tổ đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng khu dân cư văn hóa. Hiện tại, bà con tập trung chăm sóc hơn 10ha chè, phát triển đàn gia súc trên 2.300 con, 2 mô hình nuôi ong lấy mật; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 60 triệu đồng, còn 2 hộ nghèo; 80/89 gia đình văn hóa; chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trò chuyện với bà Đỗ Thị Thọ - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thành Công (xã San Thàng, thành phố Lai Châu), có thâm niên 16 năm làm trưởng bản, trong đó 2 năm kiêm thêm chức danh bí thư chi bộ, chúng tôi hiểu rõ hơn về sự nhiệt huyết, trách nhiệm của một cán bộ bản “luôn vì dân phục vụ”. Bà Thọ khoe: Bản có trên 120 hộ dân, trong đó 90% hộ làm nông nghiệp. Trước đây, bà con tập trung vào cấy lúa 1 vụ, còn lại là bỏ đất trống. Tôi có ý kiến trong cuộc họp bản, phân tích, vận động bà con thâm canh tăng vụ, nhằm tăng hệ số sử dụng trên cùng đơn vị diện tích. Đến nay, từ đất cấy lúa 1 vụ, dân bản đã tăng lên sản xuất 3 vụ, gồm: lúa, ngô, rau các loại. Nhờ đó, kinh tế các hộ ngày càng khá giả hơn, thu nhập bình quân của bản đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Với bà Thọ, học tập và làm theo lời Bác đã giúp bà thay đổi rất nhiều từ cách ứng xử, giao tiếp với người dân, đến những việc làm, hành động cụ thể trong cuộc sống, công việc xã hội. Theo đó, bà học ở Bác chữ “nhẫn” trong công tác dân vận; thẳng thắn tự phê bình và phê bình, nhìn nhận bản thân trước những khuyết điểm của cá nhân, tập thể.
Còn với nữ trưởng bản người dân tộc Tày - Hoàng Thị Hằng ở bản Nà Khiết (xã Mường Cang, huyện Than Uyên), việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện qua lối sống giản dị hằng ngày, gần gũi với nhân dân. 2 năm giữ cương vị mới, người phụ nữ này đã xây dựng được khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư ngày càng khăng khít hơn. Huy động sức mạnh của các hộ dân trong bản gìn giữ vệ sinh môi trường; đóng góp tiền của, công sức làm đường giao thông, trồng hoa, cây xanh, từng bước duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, để bản xanh tươi hơn, tràn đầy sức sống. Bà Hằng tâm sự: Là đảng viên, cán bộ bản, trước hết phải luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tiên phong, gương mẫu đi đầu, không ỷ lại, né tránh việc.
Bà Đỗ Thị Thọ - Bí thư chi bộ, Trưởng bản Thành Công, xã San Thàng, thành phố Lai Châu (bên trái) vận động người dân phát triển mô hình kinh tế mới, nâng cao thu nhập.
Đây chỉ là câu chuyện điển hình của 3 trong số nhiều nữ bí thư chi bộ, trưởng bản/tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hiện nay. Được biết, toàn tỉnh có hơn 40 trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố là nữ, trong đó có trên 10 người kiêm nhiệm bí thư chi bộ bản/khu dân cư. Những năm qua, trên cương vị của mình, họ luôn tích cực học tập và làm theo Bác, đặc biệt nêu gương tự soi, tự sửa. Bởi với họ, làm một người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” vô cùng khó khăn, nhưng đó là trách nhiệm và động lực để vươn lên khẳng định vị thế xã hội. Vì vậy, “tự soi, tự sửa” giúp họ tránh tự kiêu, tự đại; biết khiêm tốn, thật thà, xây dựng khối đoàn kết và giúp mọi người tiến bộ. “Tự soi, tự sửa” không ở đâu xa, mà thể hiện bằng chính những việc làm của họ hàng ngày: gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân; nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Đặt lợi ích chung của tập thể, họ tích cực, năng động, đối mới tư duy tuyên truyền, vận động bà con cùng vượt khó, phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt; nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, xây dựng xã hội tiến bộ, hạnh phúc.
Với sự góp sức của những nữ bí thư, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố đã tô đẹp thêm diện mạo tươi mới, khang trang của các bản làng, khu dân cư. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương. Đặc biệt, từng bước xóa bỏ định kiến giới “chỉ nam giới mới làm nên sự nghiệp lớn”, nâng cao vị thế xã hội của người phụ nữ thời đại mới “có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”.

Đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, tăng cường nguồn lực xây dựng đất nước

Đồng hành với nhân dân trong sắp xếp chính quyền hai cấp

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam gửi điện mừng Quốc khánh Hoa Kỳ

Thủ tướng lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Brazil

Lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích của dân tộc

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 25

Tổng Bí thư Tô Lâm: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi vận hành bộ máy mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng: Tạo xung lực mới cho hợp tác song phương và đa phương






