

RÀ SOÁT LẠI NỘI DUNG TRONG CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM
Đại biểu Đào Xuân Huyên - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh xác định có 3 chương trình trọng điểm quan trọng đó là: phát triển rừng bền vững; phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung; bảo tồn văn hoá đặc sắc gắn với phát triển du lịch. Nhờ xác định đúng chương trình trọng điểm đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Nổi bật như: năm 2023, tổng lượt khách du lịch đạt hơn 1 triệu lượt khách, vượt 27,4% kế hoạch, tăng 37,1% so với năm 2022; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,9%, riêng các huyện nghèo giảm 5,7%, vượt kế hoạch (kế hoạch lần lượt 3,6%, 5,1%); giải quyết việc làm cho 9.842 người, đào tạo nghề cho 9.004 người, vượt kế hoạch... Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tôi đề nghị UBND tỉnh xem xét, rà soát lại các nội dung trong các chương trình trọng điểm để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Nếu không phù hợp thì khó thực hiện, dẫn đến không hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời của đại biểu Đào Xuân Huyên - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Về triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ rừng: Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân tăng cường công tác chăm sóc, trồng dặm rừng để nâng cao chất lượng rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng, đặc biệt là trồng rừng phòng hộ chủ yếu tập trung ở những khu vực xa dân cư, chưa có đường đi, địa hình chia cắt mạnh nên ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc và bảo vệ; một bộ phận nhân dân, chủ rừng chưa nhận thức rõ vai trò, giá trị từ việc trồng, chăm sóc rừng do đó việc chăm sóc, trồng dặm chưa được quan tâm thực hiện.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo để khắc phục việc này. Để việc chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ rừng đạt hiệu quả, đề nghị Đại biểu HĐND tỉnh trong quá trình tiếp xúc cử tri tiếp tục tuyên truyền tới cộng đồng dân cư về chính sách trồng rừng, các quy định về chăm sóc, trồng dặm rừng,... để nâng cao nhận thức, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch giao.
Đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là các cơ chế, chính sách của tỉnh ban hành thực hiện ba chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND, số 08/2021/NQ-HĐND, số 59/2021/NQ-HĐND); trường hợp cần thiết, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Về phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung; bảo tồn văn hoá đặc sắc gắn với phát triển du lịch. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, trong năm 2023 UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy sơ kết tình hình thực hiện 3 Nghị quyết của Tỉnh ủy ban hành thực hiện 3 chương trình trọng điểm Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh (ngày 07/7/2023, sơ kết Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 22/02/2021 về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; ngày 20/11/2023, sơ kết Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 03/02/2021 về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; ngày 20/10/2023 sơ kết Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025).
Quá trình tham mưu sơ kết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đánh giá tổng thể Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh. Sau các hội nghị sơ kết, Tỉnh ủy đã có thông báo kết luận cụ thể đối với từng Nghị quyết, trong đó chỉ rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Thực hiện các thông báo kết luận của Tỉnh ủy, hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND tỉnh có vướng mắc về cách hiểu đối với quy định về điều kiện được hưởng chính sách do đó đến nay chưa triển khai thực hiện được. Đề nghị UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị triển khai thực hiện.
NÂNG CAO CHỈ TIÊU XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA TỈNH
Đại biểu Mùa A Trừ - Bí thư huyện Nậm Nhùn: Nhiệm vụ năm 2024, tỉnh đang tập trung các giải pháp liên quan đến tăng nguồn thu nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên các nguồn thu sẽ bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân khách và chủ quan nhất định. Trong khi đó, thu nhập của người dân cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của tỉnh. Do đó, tôi đề nghị tỉnh cần rà soát lực lượng lao động đi làm ăn xa; tăng chỉ tiêu xuất khẩu lao động đi nước ngoài và tăng cường tuyên truyền, khuyến khích lao động đi xuất khẩu lao động; liên kết với công ty, doanh nghiệp trong nước để quản lý và tạo việc làm đối với người lao động của tỉnh đi làm ăn xa góp phần tăng thu nhập và tăng trưởng kinh tế.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến của đại biểu Mùa A Trừ - Bí thư huyện Nậm Nhùn: Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để quản lý tốt hơn đối với lực lượng lao động của tỉnh.
Đối với đề nghị tăng chỉ tiêu xuất khẩu lao động đi nước ngoài và tăng cường tuyên truyền, khuyến khích lao động đi xuất khẩu lao động: Chỉ tiêu này mang tính chất định hướng, được tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các huyện, thành phố, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào nhu cầu của thị trường và khả năng thực hiện các huyện, thành phố có thể phấn đấu thực hiện cao hơn (như năm 2023 dự kiến đạt 300/150 chỉ tiêu).
XÁC ĐỊNH ĐÚNG NGUYÊN NHÂN ĐỂ CÓ GIẢI PHÁP PHÙ HỢP
Đại biểu Lý Anh Hừ - Bí thư huyện Mường Tè: Lai châu là 1 trong 2 tỉnh có các chỉ tiêu tăng trưởng âm. Trong đó có các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn âm 3,8%, khó đạt kế hoạch (kế hoạch 9,0%); bình quân GRDP/đầu người/năm 47,2 triệu đồng, khó đạt kế hoạch (kế hoạch 52,9 triệu đồng); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 2.086 tỷ đồng, khó đạt kế hoạch (kế hoạch 2.450 tỷ đồng); tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu âm 13,3%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,8%, khó đạt kế hoạch (kế hoạch 96,1%); 83,6% thôn, bản, khu dân cư có nhà văn hóa, khó đạt kế hoạch (kế hoạch 84,1%). Đánh giá nguyên nhân của việc tăng trưởng âm, theo báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2023; kế hoạch năm 2024 xác định do: biến đổi khí hậu, thiên tai; một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, ban hành chậm, khó thực hiện, tháo gỡ khó khăn về pháp lý chưa kịp thời, đặc biệt là cơ chế, chính sách, hướng dẫn đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, tôi đề nghị UBND tỉnh, các cấp các ngành liên quan cần xem xét lại, xác định đúng nguyên nhân để có những giải pháp mang tính đột phá, đúng trọng tâm góp phần thúc đẩy các chỉ tiêu ngày càng tăng trưởng.
UBND tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Lý Anh Hừ - Bí thư huyện Mường Tè: Nguyên nhân cơ bản như: Trong cơ cấu kinh tế Lai Châu, ngành công nghiệp sản xuất điện chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 27%), đây là yếu tố quyết định đến tăng trưởng hàng năm. Năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng, khô hạn kéo dài, lượng nước các hồ thủy điện xuống thấp, có thời điểm về dưới mực nước chết, một số nhà máy thủy điện lớn như Lai Châu, Bản Chát phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, sản lượng điện giảm mạnh dẫn đến giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 81,8% kế hoạch, giảm 10,8% so với năm 2022, dẫn đến tổng sản phẩm (GRDP) năm 2023 giảm so với năm 2022 (tăng trưởng âm). Như vậy, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng âm là do lý do bất khả kháng.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN TRONG QUY HOẠCH
Đại biểu Chang Phương Thảo – Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh: Qua giám sát tôi thấy hiện nay có nhiều loại quy hoạch như: đô thị, nông thôn mới, vùng… và các quy hoạch có mối quan hệ với nhau. Trong quá trình thực hiện đều gặp khó khăn, vướng mắc. Cũng tại phiên giải trình trước kỳ họp liên quan tới nội dung về quản lý và sử dụng tài sản công thì cũng có vấn đề giải quyết những khó khăn về quy hoạch. Tuy nhiên trong báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2023, kế hoạch năm 2024 và báo cáo chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 không có đánh giá về những khó khăn, vướng mắc và cũng không có báo cáo riêng về quá trình thực hiện quy hoạch tại tỉnh ta thời gian qua. Đề nghị, UBND tỉnh nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy hoạch trên địa bàn để nghiên cứu và tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn trong thời gian tới.
UBND tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Chang Phương Thảo – Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh: Theo quy định của Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia gồm 5 loại quy hoạch: cấp quốc gia; vùng; tỉnh; đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đô thị, quy hoạch nông thôn. Ngoài hệ thống quy hoạch quốc gia còn có loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành như: xây dựng; sử dụng đất cấp huyện; thủy lợi,…
Đối với quy hoạch tỉnh Lai Châu đã được lập theo phương pháp tích hợp đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch gồm 24 nội dung đề xuất được tích hợp vào báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh (16 nội dung tích hợp ngành và 8 nội dung tích hợp huyện, thành phố). Đến nay, quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức công bố và triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định.
Tin đọc nhiều

Tinh gọn bộ máy: Bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, chất lượng

Bình Phước: Đất lửa nở hoa

Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024
Thông qua Dự thảo báo cáo kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao hơn 107 tỷ đồng cho tỉnh Lai Châu
Đại hội Chi bộ Công an xã Sùng Phài lần thứ III nhiệm kỳ 2025 – 2027

Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025: Hội nghị lần thứ hai
Huấn luyện dân quân điểm năm 2025






