Thứ tư, 11/12/2024, 00:39 [GMT+7]
Lai Châu 110 năm lịch sử và phát triển, Đảng bộ Lai Châu 70 năm xây dựng và trưởng thành:

Lai Châu 110 năm lịch sử và phát triển, Đảng bộ Lai Châu 70 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ hai, 13/05/2019 - 16:25'
I - Lai Châu qua các thời kỳ lịch sử

Lai Châu là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi đây là địa bàn có con người cư trú từ rất sớm. Tại các di chỉ khảo cổ ở hang Thẩm Múa (Búng Lao), Thẩm Khương (Chiềng Sinh) thuộc huyện Tuần Giáo và Nậm Phé, Nậm Tun thuộc huyện Phong Thổ đã tìm thấy các công cụ của thời kỳ đồ đá cũ, đồ đá giữa và đồ đá mới. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy ở Lai Châu những công cụ bằng đồng của nền văn hóa Đông Sơn thuộc thời đại Hùng Vương như: trống đồng Tuần Giáo, trống đồng Mường Thanh, trống đồng Na Ngum (Điện Biên), trống đồng Chiềng Nưa (Mường Lay), trống đồng Mường So (Phong Thổ)…

Thời Hùng Vương, Lai Châu thuộc bộ Tân Hưng; thời Lý thuộc lộ Đà Giang; thời Trần thuộc châu Ninh Viễn; thời Lê thuộc trấn Gia Hưng. Năm 1463, trấn Hưng Hóa được thành lập gồm 3 phủ: Gia Hưng, Quy Hóa, An Tây gồm một vùng đất đai, sông núi rộng mênh mông tương đương với các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ ngày nay. Lai Châu lúc đó thuộc  phủ An Tây. Phủ An Tây có 10 châu: châu Lai, châu Luân, châu Quỳnh Nhai, châu Chiêu Tấn, châu Tùng Lăng, châu Lễ Tuyền, châu Hoàng Nham, châu Hợp Phì, châu Tuy Phụ và châu Khiêm.

Một góc thành phố Lai Châu.

Một góc thành phố Lai Châu.

Đời Lê Cảnh Hưng (1740-1768) miền đất này có 6 châu: Tùng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ, và Khiêm bị nhà Thanh (Trung Quốc) đánh chiếm. Phủ An Tây chỉ còn 4 châu: châu Chiêu Tấn, châu Quỳnh Nhai, châu Lai và châu Luân. Thời Tây Sơn, vua Quang Trung đã làm một biểu gửi vua nhà Thanh (Trung Quốc) đòi lại 6 châu đã bị nhà Thanh chiếm nhưng không được chấp nhận.

Năm 1882, thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai, đã đặt kế hoạch xâm chiếm tỉnh Hưng Hóa. Thời điểm này, tỉnh Hưng Hóa nằm trong Quân khu Tây, thuộc Đạo quan binh thứ tư (theo Nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 20/8/1891). Sau đó Đạo quan binh thứ tư tách thành Tiểu quân khu Vạn Bú và Tiểu quân khu Lai Châu. Ngày 10/10/1895, hai tiểu quân khu trên sáp nhập thành tỉnh Vạn Bú. Ngày 7/4/1904, tỉnh lỵ tỉnh Vạn Bú chuyển về Sơn La. Đến ngày 23/8/1904, tỉnh Vạn Bú đổi thành tỉnh Sơn La.

Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Đạo Lai (châu Lai, châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu) và châu Điện Biên với phủ Tuần Giáo, dân số khoảng 4 vạn người. Đến ngày 27/3/1916, tỉnh Lai Châu lại chuyển thành Đạo quan binh thứ tư theo chế độ quân quản. Mãi tới ngày 4/9/1943, chế độ quân quản ở Lai Châu mới bị bãi bỏ. Trong thời kỳ dài thống trị Lai Châu, thực dân Pháp đều đặt Lai Châu dưới chế độ quân quản, có một thời gian ngắn chúng áp dụng chế độ cai trị hành chính.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới chính thể mới của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Lai Châu có một số thay đổi về địa giới hành chính. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lai Châu nằm trong chiến khu 2 cùng với Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La. Sau đó Lai Châu nhập vào chiến khu 10 và một phần chiến khu 1 thành liên khu Việt Bắc. Năm 1948, Lai Châu và Sơn La hợp nhất thành tỉnh Sơn Lai. Ngày 12/1/1952, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 145-TTg tái lập lại hai tỉnh Lai Châu và Sơn La. Ngày 26/1/1953, để củng cố căn cứ địa Tây Bắc mới giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 134-SL thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu tách khỏi Liên khu Việt Bắc. Đồng thời, Khu ủy Tây Bắc cũng ra Quyết định chuyển huyện Thuận Châu từ tỉnh Sơn La sang tỉnh Lai Châu.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Lai Châu được giải phóng, hòa bình được lập lại trên miền Bắc nước ta. Ngày 29/4/1955, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 230-SL thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, các châu (huyện trước đây) trực thuộc Khu, không có cấp hành chính tỉnh. Ngày 27/10/1962, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và thành lập lại 3 tỉnh trong khu là: Lai Châu, Nghĩa Lộ và Sơn La. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay, Phong Thổ, Sình Hồ và thị trấn Lai Châu.

Ngày 27/12/1975, Khu tự trị Tây Bắc giải thể. Tháng 12/1977 thành lập thị trấn Mường Lay và Sìn Hồ. Ngày 18/4/1992, thành lập thị xã Điện Biên Phủ. Ngày 7/10/1995 thành lập huyện Điện Biên Đông. Ngày 26/9/2003 Chính phủ ra Nghị định thành lập thành phố Điện Biên Phủ. Ngày 14/1/2002 Chính phủ ra Nghị định số 08-2002/NĐ-CP về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Tè, huyện Mường Lay để thành lập huyện Mường Nhé”.

Nhằm tạo điều kiện cho tỉnh Lai Châu nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung có sự phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI, tháng 11/2003 đã ra Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Tỉnh Lai Châu sau khi được chia tách gồm 4 huyện của tỉnh Lai Châu trước đây và tiếp nhận huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai, với diện tích tự nhiên trên 9 ngàn km2 gồm 5 huyện, 86 xã, thị trấn, với trên 30 vạn người thuộc 20 dân tộc anh em cùng chung sống.

(Còn nữa)

BT

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...