Thứ tư, 11/12/2024, 01:41 [GMT+7]

Lai Châu 110 năm lịch sử và phát triển, Đảng bộ Lai Châu 70 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ ba, 14/05/2019 - 09:28'
II- KINH TẾ - XÃ HỘI LAI CHÂU

1- Về kinh tế

Thời phong kiến, kinh tế của Lai Châu rất lạc hậu, hoàn toàn là nông nghiệp; nghề trồng trọt trở thành nguồn sống chủ yếu; chăn nuôi, thủ công nghiệp là nghề phụ. Trình độ sản xuất của các dân tộc ở các khu vực không đồng đều, nhiều dân tộc đã biết sử dụng cày bừa, con dao, cái cuốc nhưng vẫn còn có dân tộc dùng gậy để chọc lỗ tra hạt. Đời sống của Nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, đúng như câu cửa miệng của dân tộc Thái: “Miếng cơm từ đất, thức ăn ở rừng”. Nhiều dân tộc vẫn quen lối sống du canh, du cư. Nền kinh tế còn mang nặng tính tự cấp, tự túc; kinh tế hàng hóa chưa phát triển. Do vậy, cuộc sống của đồng bào không ổn định, thiếu đói thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, đồng bào phải chịu áp bức bóc lột của chế độ phong kiến là các tạo bá, tạo mường. Người dân phải đi lính, đi ở, cống nạp theo luật tục nên nền kinh tế Lai Châu rất trì trệ, kém phát triển.

Một góc thành phố Lai Châu hôm nay.

Một góc thành phố Lai Châu hôm nay.

Thời thuộc Pháp, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người Pháp và một số quan lại địa phương, thực dân Pháp cho một số Hoa Kiều và người Kinh ở dưới xuôi lên mở cửa hiệu buôn bán ở thị trấn Lai Châu, Tuần Giáo, Điên Biên. Cả tỉnh chỉ có 3 chợ tại trung tâm tỉnh lỵ, Điện Biên Phủ và Tuần Giáo. Từ cái kim, sợi chỉ, dầu hoả, muối... đều được mang từ dưới xuôi lên hoặc do các lái buôn Trung Quốc mang sang nhưng số lượng hàng hoá trao đổi rất ít. Thủ công nghiệp ở Lai Châu gần như không có gì ngoài dệt bông sợi, nhuộm vải, nghề rèn của người Dao, nghề bạc và đóng thuyền của người Thái. Năm 1939, khai thác đá đen được tiến hành, ngoài ra còn có đãi vàng ở dọc sông Đà. Cũng vào năm 1939, thực dân Pháp đưa lên Lai Châu một máy phát điện chạy bằng củi để phục vụ thắp sáng cho bọn thống trị.

Thực dân Pháp và tay sai đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng thuế, nhằm vơ vét thêm nhiều tài sản của Nhân dân. Thời nhà Nguyễn, chủ yếu là thuế trực thu đánh vào ruộng đất hoặc đầu người là thuế thân, chưa có thuế gián thu. Riêng ở vùng cao, đồng bào các dân tộc chỉ phải đóng thuế hộ; song từ năm 1897 thực dân Pháp đã quyết định thu cả hai loại thuế trực thu và gián thu. Người dân vừa phải chịu sưu cao thuế nặng lại phải đi lính, đi phu. Số ngày phu tính theo hộ, một năm thường là 3 tháng, có khi tới 5-6 tháng với tiền công rẻ mạt, lại bị đánh đập, áp bức mấy chục vạn nhân công, đã có rất nhiều người bị chết, nhiều người bị bắt đi lao dịch làm gia đình, vợ con ly tán.

Thực dân Pháp và bọn tay sai còn duy trì các hình thức bóc lột phong kiến như chế độ "cuông", "nhốc", "puộc". Để có mảnh ruộng cày cấy, những "cuông", "nhốc" đến mùa phải đi làm cho chủ trước, bao giờ hết việc mới được về làm ruộng của gia đình. Không những thế, "cuông", "nhốc" còn phải làm tất cả mọi việc lặt vặt của nhà chủ vào những ngày lễ tết và cả ngày thường. Khi săn bắn được con hươu, con gấu, lấy được tổ ong... đều phải nộp cho chủ đúng quy định; việc ma chay, cưới xin, tiệc tùng đều phải được chủ đồng ý. Người dân còn phải có nghĩa vụ đóng góp để nuôi con cháu của các thổ ty đi học ở Đà Lạt, Hà Nội.

Từ khi cai trị Lai Châu, dựa vào phong tục, tập quán của địa phương, thực dân Pháp cho phép bọn quan lại được hưởng một vài quyền lợi đặc biệt, ngoài số lương bổng hàng tháng đã hưởng. Hàng năm, ngoài thu nhập về thuế lúa ruộng, bọn tạo mường còn đặt ra lệ "khẩu nguột, khẩu trạn" bắt bất cứ người "cuông", "nhốc" hay nông dân nhận phần ruộng công đều phải nộp các loại lệ phí. Chúng còn duy trì chế độ "côn hươn", "gái xoè", "nàng hầu". Thực chất là người ở trá hình mà bất cứ bọn thống trị nào từ cấp tổng trở lên đều có. Các hình thức bóc lột trên không những chỉ duy trì đối với bọn quan lại địa phương mà cả bọn thực dân Pháp cũng tham gia kiểu bóc lột dã man trên, khiến cho đời sống của Nhân dân vô cùng khó khăn, cực khổ.

2- Về xã hội

Năm 1930, tỉnh Lai Châu có 6,6 vạn người. Năm 1936 có 6,7 vạn người. Năm 1954 có 8 vạn người.

Thời Pháp thuộc, giao thông ở Lai Châu chưa phát triển. Năm 1933, do nhu cầu khai thác tài nguyên ở Sơn La, Lai Châu, thực dân Pháp cho mở con đường số 41 (nay là Quốc lộ 6). Đến năm 1939, con đường này nối liền Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu. Ngoài ra, còn có đường dân sinh Sa Pa - Lai Châu được mở vào năm 1939; đường đi Trung Quốc qua đường A Pa Chải được xây dựng vào năm 1940 và một số sân bay tại trung tâm tỉnh lỵ Điện Biên, Quỳnh Nhai, Phong Thổ được xây dựng chủ yếu phục vụ cho quân sự và vận chuyển hàng hóa.

Sân bay Mường Thanh (Điện Biên Phủ hiện nay) do Pháp xây dựng năm 1939 chủ yếu phục vụ cho mục đích quân sự. Sau khi Điện Biên được giải phóng, qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp, tuyến đường hàng không Hà Nội - Điện Biên Phủ đã được mở lại và hoạt động thường xuyên nhằm phục vụ khách đến thăm quan, du lịch Điện Biên Phủ và đáp ứng nhu cầu đi lại của cán bộ, đồng  bào các dân tộc Lai Châu với các tỉnh miền xuôi. Các sân bay dã chiến: Bình Lư, Phong Thổ, Tuần Giáo, thị xã Lai Châu trước đây được Pháp dùng để vận chuyển hàng hóa, binh lính, chiến sự. Nhìn chung việc thực dân Pháp cho xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mục đích phục vụ quân sự và đàn áp bóc lột đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Về giáo dục, y tế, khoa học không được người Pháp quan tâm. Đa số Nhân dân các dân tộc không được học hành, một số trường lớp được người Pháp xây dựng chủ yếu phục vụ con em quan lại phong kiến địa phương. Bên cạnh đó, thực dân Pháp còn dùng chính sách chia rẽ dân tộc, du nhập truyền bá lối sống văn hoá thực dân, khuyến khích dùng rượu cồn, thuốc phiện nhằm làm suy nhược nòi giống, làm mai một truyền thống văn hoá các dân tộc. Vì vậy, người dân rất bất bình, căm ghét bọn thực dân, phong kiến nên khi có Đảng lãnh đạo, đồng bào đã một lòng, một dạ theo Đảng để xây dựng cuộc sống mới độc lập, tự do, hạnh phúc.

Kho tàng văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trong tỉnh từ bao đời nay để lại khẳng định, Lai Châu có nền văn hóa phát triển từ rất sớm, độc đáo, phong phú và đa dạng. Các công trình kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc như tháp Chiềng Sơ, tháp Mường Luân, thành Bản Phủ…; nhiều dân tộc có chữ viết như dân tộc Thái, dân tộc Dao… đã ghi chép được nhiều diễn biến về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trong tỉnh. Qua giao lưu đã làm phong phú truyền thống văn hoá dân tộc, các dân tộc còn tiếp thu được nhiều nền văn hóa của các dân tộc khác. Nhờ có chữ viết mà các tác phẩm văn học có giá trị của địa phương được lưu truyền như: Sống chụ son sao, Tản chụ xiết xương (truyện thơ dân tộc Thái); truyện kể dân gian của người La Hủ về Chàng Lú Nàng Ủa, dựa vào truyền thuyết của người Khơ Mú mà sáng tạo ra trường ca Trương Han… Các điệu múa xòe, múa nón, múa sạp rộn ràng, duyên dáng của người Thái; cùng các điệu múa ô, múa khèn của người Mông; múa trống, múa Tăng Bu của người Khơ Mú… đã góp phần làm cho kho tàng nghệ thuật của đồng bào các dân tộc Tây Bắc thêm phong phú, đa dạng. Những bàn tay khéo léo của các cô gái Thái, Mông, Dao… tạo nên những trang phục đẹp giữ bản sắc văn hoá như váy, áo, khăn piêu… làm phong phú nền văn hoá đa dạng của các dân tộc Lai Châu.

BT

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...