Thứ năm, 12/12/2024, 10:38 [GMT+7]

Chuyện giảm nghèo nơi 12 tầng dốc

Thứ sáu, 11/06/2021 - 17:23'
Sì Lở Lầu là xã biên giới xa nhất của huyện Phong Thổ. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nơi đây nỗ lực triển kinh tế, nâng cao thu nhập để thoát nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã giảm còn dưới 20%.

Vượt qua quãng đường dài hơn 100km từ trung tâm thành phố Lai Châu, sau gần 4 tiếng đồng hồ với những đoạn đường cua, dốc cao, chúng tôi có mặt tại xã Sì Lở Lầu. Cái bắt tay, nụ cười của cán bộ, công chức xã biên giới đã giúp chúng tôi xua tan đi cái mệt giữa trưa hè; cảm nhận không khí nơi đây thật yên bình, con người thân thiện và mến khách.

Trong câu chuyện giao tiếp ban đầu, khi chúng tôi phân vân tại sao xã lại có tên gọi độc đáo: “12 tầng dốc”; đồng chí Tẩn Sài Đông - Chủ tịch UBND xã cho hay: Theo nghĩa dịch ra tiếng phổ thông “Sì” là 10, “Lở” là 2, “Lầu” là tầng, ghép lại là 12 tầng; còn từ “dốc” ghép vào gắn với câu chuyện của người xưa là khi đến với Sì Lở Lầu phải vượt qua 12 khúc cua dốc lên cao. Trước đây, đến được với xã là cả một ngày dài; bây giờ thì dễ đi hơn nhiều rồi.

Người dân bản Gia Khâu, xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) chăm sóc ngô.

Đầu năm 2019, sau khi sáp nhập với xã Ma Li Chải thì xã Sì Lở Lầu có 10 bản, 1.128 hộ dân, trên 6 nghìn nhân khẩu thuộc các dân tộc: Dao, Hà Nhì, Thái, Kinh, Mông (trong đó 2 dân tộc: Dao, Hà Nhì chiếm phần lớn dân số). Được biết, trước đây người dân của xã trong độ tuổi lao động đã sang nước bạn Trung Quốc làm thuê với đủ ngành, nghề. Vất vả là vậy nhưng họ luôn ý thức được rằng cái đói, cái nghèo sẽ đeo bám mãi nếu không biết tự vươn lên bằng sức của mình. Mấy năm gần đây, khi 2 nước thắt chặt đường biên giới, ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, mới nhất là dịch Covid -19, nên người dân không đi làm thuê bên Trung Quốc nữa.

Để người dân biên giới tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con các bản chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với lực lượng biên phòng, công an, quân sự tổ chức xuống bản giúp đỡ nông dân ngày công lao động sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Đồng chí Tẩn Lao San - Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu cho biết: Trong phát triển kinh tế, xã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ cho Nhân dân từ nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 30a/CP, 135/CP, Nghị quyết 51 của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Cụ thể năm 2020, xã hỗ trợ 50 máy cày bừa mini, 40 máy cắt lúa cầm tay, 25 máy tẽ ngô, 126 máy thái đa năng; trên 3 nghìn con gà mía giống, hơn 3 tấn thức ăn; gần 5 nghìn con ngan giống ngoại R71 cho hơn 400 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã. Xã chỉ đạo các bản đôn đốc bà con tích cực tham gia các dự án trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa thị trường; nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu tại các bản nằm trong dự án được phân bổ nguồn vốn. Đồng thời, vận động bà con tham gia bảo vệ rừng để hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, xã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai làm đường nội đồng, đường ra khu sản xuất ở các bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, nhất là thời điểm vào vụ sản xuất và thu hoạch.

Toàn xã có gần 377ha lúa, 351ha ngô, 75ha sắn, 221ha thảo quả, 60ha lạc, đậu tương, 63ha cây ăn quả. Hiện tại, xã chỉ đạo các bản đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ cấy lúa vụ mùa đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, hoàn thành trong tháng 6; chăm sóc diện tích ngô, cây ăn quả. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động bà con trồng khoai tây vào vụ đông xuân tới đây. Năm qua, sản lượng lương thực cả xã đạt trên 3.700 tấn. Tổng đàn gia súc gần 4.300 con, đàn gia cầm trên 13 nghìn con.

Anh Chẻo Phủ Căng ở bản Gia Khâu chia sẻ: “Gia đình tôi được xã hỗ trợ máy cày mini. Nhờ đó, vụ này gia đình tôi có máy cày ruộng, nhàn hơn rất nhiều so với cày trâu. Mỗi vụ, vợ chồng tôi thu được 20 bao thóc, 15 bao ngô. Ngoài ra, nghe lời cán bộ xã, vợ chồng tôi tích cực chăm sóc thảo quả, chăn nuôi trâu, lợn để tăng thu nhập. Hiện nay, gia đình tôi có 2 con trâu, 2 con lợn, vài chục con gà, vịt; ngoài ra mỗi năm thu được hơn chục bao thảo quả khô. Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo từ nhiều năm nay. Mong sao với sự hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã, kinh tế gia đình khá hơn”.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong việc giảm nghèo bền vững, năm 2020, thu nhập bình quân của người dân xã Sì Lở Lầu đạt 19,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 19,67%.

“Năm nay, xã phấn đấu giảm thêm 4,87% tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập tăng lên 21 triệu đồng/người/năm. Để đạt và vượt những chỉ tiêu này, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, chăn nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo quốc gia, nông thôn mới đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, đường sản xuất; hỗ trợ giống cây, con, tạo động lực để bà con lao động sản xuất; thay đổi phương thức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập” - đồng chí Tẩn Lao San, Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu cho biết thêm.

Ngân Khánh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...