Thứ năm, 12/09/2024, 11:38 [GMT+7]

Mối nguy mới từ Covid-19

Thứ sáu, 05/05/2023 - 16:30'
Với số ca mắc và số ca diễn biến nặng đang có chiều hướng tăng trở lại, đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 và một số bệnh đường hô hấp khác được cơ quan chức năng cảnh báo ở mức cao. Trong bối cảnh đó, tăng cường các biện pháp bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao là ưu tiên hàng đầu.

Người dân đi tiêm mũi nhắc lại thứ ba tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: XUÂN MAI

Người dân đi tiêm mũi nhắc lại thứ ba tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: XUÂN MAI

Ca mắc tăng, miễn dịch cộng đồng giảm

Theo Bộ Y tế, trong tháng 4/2023, số ca mắc Covid-19 tăng rất cao, trung bình cả nước hơn 1.800 ca/ngày, thậm chí có ngày xấp xỉ 3.000 ca, với số bệnh nhân nặng nhập viện gia tăng và đã có một số ca tử vong. TS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), cho biết: Các biến thể của SARS-CoV-2 mới phát hiện tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều là các biến thể phụ của chủng Omicron. Những biến thể phụ này đã được phát hiện trước đây và lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Đến nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều đưa các biến thể phụ này vào nhóm đáng theo dõi và quan tâm.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC): Ngành y tế thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là "Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ" với một số hoạt động chủ yếu. Cụ thể, UBND các địa phương phải rà soát, lập danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn, bảo đảm tất cả được tiêm chủng vaccine đầy đủ. Khi có dấu hiệu mắc Covid-19, nhóm người này cần khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ, chăm sóc. Sở Y tế cũng đã lên phương án sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 13; sẵn sàng phương án huy động nhân viên y tế tăng cường cho bệnh viện này. Đáng chú ý, 61 điểm tiêm vaccine Covid-19 hoạt động liên tục trong những ngày nghỉ lễ tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức cho người từ 18 tuổi trở lên.

Lý giải nguyên nhân dịch Covid-19 tăng ca mắc và diễn biến phức tạp trở lại, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhìn nhận: Sở dĩ số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại do sau một thời gian tiêm vaccine, miễn dịch giảm. Cùng với đó, miễn dịch của người đã mắc cũng giảm nên họ tiếp tục có nguy cơ mắc lại. Ngoài ra trong bối cảnh bình thường và mở cửa, việc đi lại, giao lưu, du lịch của người dân tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây Covid-19 lây lan. Đặc biệt cần lưu ý sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và độ bao phủ vaccine rất cao, nhiều người đã có tâm lý chủ quan, lơ là với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Ưu tiên bảo vệ "nhóm nguy cơ cao"


Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế, cả nước đang ở cấp độ dịch một - mầu xanh an toàn. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số ca mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và khả năng bảo đảm thu dung của hệ thống điều trị. Tuy nhiên, trước số ca mắc đang tăng cao cũng có thể coi là một làn sóng dịch mới. SARS-CoV-2 không hoàn toàn biến mất mà vẫn tồn tại, "ẩn nấp" trong cộng đồng.

Trước tình hình đó, PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng: Ngành y tế phải giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, đánh giá chính xác các nguy cơ để kịp thời có cảnh báo cho người dân và đưa ra các biện pháp phản ứng phù hợp, không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, cần kiểm soát không để dịch bùng phát mạnh và không được để gây quá tải hệ thống y tế. "Trong phòng, chống dịch Covid-19 phải linh hoạt, thực hiện nguyên tắc nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng và vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Nếu chúng ta đánh giá nguy cơ không đúng thì không kiểm soát được dịch bệnh nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá, dẫn tới đáp ứng thái quá, gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống. Vì vậy, không nên quá lo lắng nhưng cũng đừng chủ quan lơ là. Điều quan trọng cần làm là bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao, dễ bị tổn thương trước Covid-19 như: người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine Covid-19 và lực lượng y tế tuyến đầu", PGS, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Còn theo ThS, BS Nguyễn Công Khanh, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: SARS-CoV-2 có thể tồn tại vài giờ đến vài ngày trong môi trường tự nhiên và không thể tự nhân lên, chỉ khi xâm nhập vào đường hô hấp thì virus mới nhân lên. "Thường sau sáu, bảy ngày mắc bệnh, cơ thể bắt đầu tạo ra kháng thể. Kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian (sáu tháng). Còn với kháng thể sau tiêm vaccine, khi tiêm mũi một thì cơ thể tạo ra kháng thể nhưng tỷ lệ thấp. Do đó, cần tiêm mũi nhắc lại (mũi hai, ba) để tăng nồng độ kháng thể. Sau sáu tháng kể từ khi tiêm mũi ba thì nồng độ kháng thể sẽ suy giảm nên cần tiêm nhắc các mũi kế tiếp theo khuyến cáo", ThS, BS Nguyễn Công Khanh đưa ra lời khuyên. Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao vì nếu miễn dịch của các đối tượng này giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng số ca nặng, nhập viện và nguy cơ tử vong cao.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, đặc biệt khi có biến thể mới xuất hiện. WHO đánh giá những người đã tiêm vaccine hoặc đã từng nhiễm bệnh thì hầu hết có miễn dịch. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.

Cập nhật Thứ sáu, ngày 05/05/2023 - 15:38/QUANG ÁNH-PHAN LƯƠNG/https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.