

Cấp ủy, chính quyền xã Pha Mu, huyện Than Uyên động viên bà con gìn giữ nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải.
Xã Pha Mu có 2 bản là Pá Khoang và Huổi Bắc có đồng bào Mông sinh sống. Từ bao đời nay, bà con vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống từ sinh hoạt đến sản xuất. Bởi vậy, hầu hết phụ nữ Mông nơi đây đến tuổi trưởng thành đều biết se lanh, dệt vải, thêu thùa. Do quá trình trao truyền cũng như sự sáng tạo, bí quyết riêng của mỗi cá nhân, qua các thế hệ lại tạo ra những hoa văn độc đáo và mang tính nghệ thuật cao trên vải nhưng có điểm chung là “độc bản”.
Để hoàn thành một bộ váy áo từ vải lanh, phụ nữ dân tộc Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, phức tạp, cần sự khéo léo, kiên trì và thời gian. Tuy nhiên, công đoạn có yếu tố quyết định đến giá trị về thẩm mỹ cũng như vật chất chính là tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong.
Công đoạn tạo họa tiết hoa văn trên vải bằng sáp ong.
Nguyên liệu là sáp ong có màu vàng và màu đen (đã lấy hết mật) rồi nấu chảy, trộn đều tương ứng với độ đậm nhạt màu sắc. Trước khi vẽ cần chuẩn bị chậu than củi đun sáp ong hoặc cũng có thể đặt trực tiếp lên bếp lửa. Với phụ nữ nơi đây thì thường sử dụng chiếc bát sành miết mặt vải thật nhẵn, dùng bút vẽ được thiết kế bởi một thanh tre và 2 lá đồng có khe ở giữa để vẽ.
Phụ nữ dân tộc Mông ở Pha Mu, huyện Than Uyên thường chia sẻ kinh nghiệm khi vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải.
Đặc biệt, khi vẽ hoa văn (hình tam giác, hình trôn ốc, đồng tiền, chữ thập…), người phụ nữ phải ngồi ở bếp lửa, chấm bút vào bát sáp ong nóng đặt trên than hồng. Vẽ đến đâu, quấn vải đến đó. Tỷ mỷ, kỳ công và đòi hỏi sự sáng tạo nên để hoàn chỉnh một dải vải làm thân váy, người phụ nữ phải mất cả tuần, cả tháng, thậm chí vài tháng. Sau khi vẽ xong toàn bộ trang phục, tấm vải được mang đi luộc, nhuộm chàm và phơi nắng mới hoàn chỉnh. Lâu và kỳ công là vậy nhưng mỗi phụ nữ đồng bào dân tộc Mông ở Pha Mu vẫn luôn gìn giữ bằng nhiều cách.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội cùng sự giao thoa của văn hóa, nguy cơ mai một nghề truyền thống độc đáo này vẫn hiện hữu rất rõ nét. Bởi vậy, với trách nhiệm của những người trẻ, Đoàn Thanh niên xã Pha Mu đã vào cuộc tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu niên trong xã gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến nghệ thuật độc đáo tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong của đồng bào Mông ở 2 bản Phá Khoang và Huổi Bắc.
Còn đối với cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức các hội thi trình diễn trang phục truyền thống, dệt vải, vẽ họa tiết bằng sáp ong trên vải lanh; vận động các gia đình người Mông trao truyền nghề thủ công truyền thống tới thế hệ trẻ.
Phụ nữ dân tộc Mông xã Pha Mu, huyện Than Uyên bên sản phẩm sau khi hoàn thành.
Khuyến khích các hộ gắn giữ gìn nghề thủ công truyền thống với chỉnh trang không gian nhà ở, xây dựng bản văn hóa cộng đồng, thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm. Tuy vậy, vẫn cần hơn hết những lớp truyền nghề một cách bài bản, khoa học để hướng tới phát triển phục vụ mục đích thương mại, dịch vụ.
Những họa tiết được vẽ bằng sáp ong trên váy áo không chỉ thể hiện sự tinh tế, khéo léo, kiên trì của người phụ nữ mà còn là biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian trong vũ trụ quan cổ đại của dân tộc Mông. Trải qua thời gian, đến nay nghề thủ công truyền thống này vẫn được người phụ nữ Mông xã Pha Mu lưu truyền. Đó là minh chứng về giá trị thẩm mỹ, nét văn hóa giàu truyền thống của một dân tộc cần được bảo tồn, gìn giữ.
Tin đọc nhiều

Lễ hội Trà huyện Tân Uyên lần thứ II năm 2025 sẽ diễn ra trong 2 ngày (24 - 25/5)

Bảo tồn văn hóa qua các tác phẩm nghệ thuật

Chống mê tín dị đoan: Đừng đợi đến lúc không còn cơ hội

Kỳ 2: “Ánh sáng” từ một nghị quyết
Sâu lắng vở kịch “Con đò của mẹ”

“Phá rào” hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh

Làm giàu từ nghề thêu, dệt truyền thống

Vẻ đẹp mê hoặc của những đồi chè









