Thứ hai, 07/10/2024, 07:57 [GMT+7]

Kéo giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em

Thứ sáu, 19/04/2024 - 16:18'
Những năm qua, huyện Than Uyên quan tâm kéo giảm tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em dưới 5 tuổi, tuy vậy vẫn ở mức cao. Do đó, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đội ngũ y tế cơ sở.

Sau khi sinh con, chị Lò Thị Bươi (bản Lướt, xã Mường Kim) thường xuyên được cán bộ Trạm Y tế xã đến tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Nhưng do bận rộn công việc, chị không thể cho con ăn chế độ riêng khiến bé còi cọc, thường xuyên ốm. Sau mỗi lần đi khám tại Trạm Y tế xã, chị được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn cách bổ sung dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho con. Một thời gian được chăm sóc cẩn thận, con gái chị không còn ở thể SDD. Chị Bươi tâm sự: “Trước đây, tôi không để ý bổ sung dinh dưỡng nên con chậm lớn, thay đổi thời tiết là ốm. Khi áp dụng kiến thức được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn, thể trạng và sức đề kháng của con đã tốt hơn rất nhiều”.
Trong quá trình đi khám thai định kỳ, chị Tòng Thị Lả ở bản Cang Mường (xã Mường Cang) được cán bộ Trạm Y tế xã tuyên truyền, hướng dẫn bổ sung sắt, canxi trong kỳ thai sản. Sau khi sinh, chị còn được tham gia thực hành dinh dưỡng tại trạm; được tư vấn về dinh dưỡng cho trẻ. Nhờ đó, chị biết chế biến, thay đổi món ăn hằng ngày và bổ sung dinh dưỡng từ các loại rau, củ, quả, thịt, trứng…, nên con phát triển tốt về thể trạng so với độ tuổi.

Kiểm tra chiều cao cho trẻ dưới 5 tuổi.

Gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ mang thai và trẻ em đã nhiều năm, chị Lò Thị Ón - cán bộ chuyên trách Chương trình dinh dưỡng ở xã Mường Cang hiểu rõ những khó khăn, vất vả của các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Chị Ón cho biết: Trở ngại lớn nhất là đời sống của phần lớn người dân còn khó khăn, không có điều kiện chăm sóc các con đầy đủ về dinh dưỡng. Nhiều gia đình cho trẻ ăn dặm quá sớm, trong khi hệ tiêu hóa của bé còn non kém, cách chế biến thức ăn chưa hợp lý, chưa đảm bảo vệ sinh. Khi mang thai, đa số phụ nữ không có điều kiện uống bổ sung sắt, chất dinh dưỡng nên chất lượng sữa không tốt và tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu thấp. Với vai trò là cán bộ chuyên trách Chương trình dinh dưỡng của xã, tôi tham mưu Trạm Y tế xã đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi có hại cho sức khỏe khi chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt là các bà mẹ và phụ nữ mang thai.
Trung bình mỗi quý, Trạm Y tế xã Mường Cang tổ chức 1-2 buổi tuyên truyền cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Lồng ghép tuyên truyền cho các bà mẹ qua các đợt cân, đo, tiêm phòng cho trẻ; phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền lồng ghép về phòng chống SDD cho trẻ em tại các buổi sinh hoạt đoàn thể, họp bản. Ngoài ra, kết hợp tuyên truyền, tư vấn trực tiếp với phát trên loa truyền thanh của xã, tư vấn online trên điện thoại, facebook, zalo về những kiến thức chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Mường Cang đã giảm dần tỷ lệ trẻ SDD qua các năm. Năm 2023, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi ở thể cân nặng là 11,06% (giảm 0,58% so với năm 2022); thể chiều cao là 23,07% (giảm 1,72% so với năm 2022).
Không chỉ xã Mường Cang, nhiều xã như: Mường Than, Phúc Than, Hua Nà đã giảm đáng kể tình trạng SDD ở trẻ em. Có được kết quả đó, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã, thị trấn chú trọng truyền thông lồng ghép trong các buổi cân, đo trẻ tại các thôn, bản, tổ dân phố về chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý, lợi ích của việc theo dõi tăng trưởng. Làm tốt công tác quản lý, khám thai định kỳ; tư vấn về chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi hợp lý cho bà mẹ mang thai nhằm giảm tỷ lệ SDD bào thai. Đồng thời, triển khai đồng loạt, có hiệu quả các hoạt động phòng chống SDD trẻ em thông qua các hoạt động hưởng ứng “Ngày vi chất dinh dưỡng”, “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ”, “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển”. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ trẻ em SDD trên địa bàn huyện ở thể cân nặng là 14,71% (giảm 0,63% so với năm 2022), ở thể chiều cao còn 22,41% (giảm 2,11% so với năm 2023).
Bác sỹ chuyên khoa I Cao Thị Thúy Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Than Uyên khẳng định: Nhờ sự nỗ lực, tận tâm của cán bộ y tế trạm, y tế bản, tổ dân phố tư vấn, hướng dẫn, giúp người dân thay đổi hành vi trong chăm sóc cho trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ SDD ở trẻ em trên địa bàn huyện vẫn còn rất cao. Để giảm tỷ lệ này bền vững, thời gian tới mong nhận được sự hỗ trợ, chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là từ chính các bậc phụ huynh.

A.H

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...