Thứ sáu, 29/03/2024, 16:08 [GMT+7]

Nghề nuốt độc vào bụng vì miếng cơm manh áo

Thứ sáu, 18/03/2011 - 09:06'
Bên phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) có nhiều ngôi làng mà hầu hết người dân ở đây đều làm một nghề: cắn chì làm lưới thuê. Cuộc sống của những ngư dân vốn bấp bênh theo con nước nay chuyển sang cái nghề mà bệnh tật luôn rình rập. 

“Thủ phủ” của nghề cắn chì dọc các xã Quảng Lợi, Quảng Phước, thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền. Trong căn nhà nhỏ tềnh toàng, ông Nguyễn Văn Mạo, 59 tuổi, thôn Phước Lộc, xã Quảng Phước buồn buồn bảo: “Có ai muốn làm cái nghề ni đâu chú. Đi biển không đủ ăn nên phải gắn mình với chì thôi!”.

Vừa nói, ông Mạo vừa lấy tay vốc một nắm chì cho vào miệng, dùng tay đưa lưới lên môi rồi dùng lưỡi lừa từng miếng chì một ra răng cửa, cắn chặt vào lưới.

Tuổi đời 59 nhưng "tuổi nghề" cắn chì của ông đã là 42 năm. Theo ông Mạo, hầu hết người dân nơi đây ai cũng biết làm việc này. Ngoài thời gian đi đánh bắt cá tôm trên phá từ 5 giờ chiều tới 5 giờ sáng, thời gian còn lại không có việc gì kiếm ra tiền chi tiêu nên người trong làng đến với nghề cắn chì như một sự bất đắc dĩ, trẻ con học từ già, con cháu học từ ông bà và cha mẹ...

Ảnh:
Ông Nguyễn Văn Mạo, thôn Phước Lộc, xã Quảng Phước đang cắn chì làm lưới. Ảnh:Nguyễn Văn Đông.

Thợ lành nghề có thể cắn được 2 tay lưới mỗi ngày, trừ mọi chi phí họ thu được khoảng 70 ngàn đồng. Gần đây, các ngư dân ở bên kia phá, thậm chí nhiều người làm nghề chài lưới trên sông Hương cũng tìm về xã Quảng Phước, Quảng Lợi để thuê cắn chì vào lưới bởi lưới làm thủ công kiểu này có độ bền cao hơn rất nhiều so với lưới công nghiệp bán ngoài thị trường.

Không ít ngư dân mừng ra mặt vì họ có thêm việc làm, đồng nghĩa với việc có thêm thu nhập. Nhà nhà mua lưới, mua chì về cắn thuê. Nhiều khi làm không kịp, họ “vận động” cả trẻ em tham gia.

Vì thường xuyên ngậm chì trong miệng, việc nuốt cả viên hay nuốt nước bọt ngấm chì là chuyện thường ngày của các ngư dân ở đây. “Ngày nào cũng 'chén' được 3-4 viên chì vào bụng, trong làng có nhiều người phải nhập viện vì nuốt phải chì đó!”, ông Thường, 43 tuổi, hàng xóm nhà ông Mạo cho hay.

Vẫn biết là mình đang làm nghề độc hại nhưng biết rồi cũng để đó. Đối với người dân nơi đây, không phải là nói bỏ nghề là bỏ ngay được. “Ngày trước việc dùng miệng cắn chì tui xem thường, người ta bảo bị bệnh nhưng tui vẫn mặc kệ, vì làng này ai cũng làm cả, nhưng nhiều lần có người lên cơn đau, co giật phải nhập viện mới biết bệnh của mình do cắn chì mà ra”, ông Hai, thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi cho biết.

Bản thân ông Hai cũng đang mang trong mình căn bệnh viêm loét dạ dày nhưng ông vẫn không thể bỏ nghề bởi “đi chữa bệnh thì không có tiền, ở nhà cũng không có tiền chi tiêu, ruộng nương không có một tấc, thôi thì cứ bám cái nghề này được ngày nào hay ngày đó”.

Ông còn đùa rằng: “Cứ nhìn hàm răng của mấy cha con tui thì biết là có bao nhiêu tay lưới đã được hoàn thành. Cả làng, cả thôn ni có cái hàm răng giống nhau là đều sứt mẻ, đen sì…”.

Đang nằm ở Bệnh viện Trung Ương Huế với nước da nhợt nhạt, chị Nguyễn Thị Lành, người thôn Phước Lộc, xã Quảng Phước, cho biết chị vừa phải nhập viện điều trị và được các bác sĩ chuẩn đoán bị bệnh viêm đường ruột.

“Nỗi lo bệnh tật từ nghề cắn chì giờ đây cả làng tui ai cũng hiểu. Khổ nỗi chỉ bám lấy đầm phá thì không đủ tiền trang trải chi tiêu trong gia đình, lại việc học hành của con cái. Mình cũng chỉ vì cái ăn mà liều làm cái nghề ni thôi!”.

Vài tháng một lần, người cắn chì ở Tam Giang - Cầu Hai lại nghe tin có ai đó mới nhập viện vì nuốt chì vào bụng. Người dân nơi đây dường như vẫn dửng dưng vì họ biết rồi sẽ đến lúc người nhập viện là mình chứ không phải ai khác.

Theo bác sĩ Lâm Thị Vinh - Trưởng khoa Nội tiêu hóa- Bệnh viên Trung Ương Huế, những người làm nghề cắn chì rất dễ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm đường ruột, giảm trí nhớ. “Nếu không được chữa trị kịp thời, khi để bệnh nặng mới chữa có thể gây tử vong”, bác sĩ Vinh nói.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...