Thứ sáu, 17/05/2024, 18:16 [GMT+7]

“Của cho không bằng cách cho”

Thứ năm, 20/06/2013 - 17:21'
(BLC)  - Sau khi nghỉ hưu, tôi chuyển về sống ở tổ dân phố số 9, phường Đoàn Kết (thị xã Lai Châu). Tuy không làm việc ở tổ dân phố, song tôi vẫn cùng với cán bộ trong tổ đi quyên góp tiền ủng hộ 1 số việc làm từ thiện như: Quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, mắt sáng cho người cao tuổi, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó… Dù là quyên góp cho quỹ trong tỉnh hay ngoài tỉnh, chúng tôi cũng rất nhiệt tình vì thấy đây là những hoạt động có ích đối với mọi người trong xã hội.

Tổ dân phố số 9 của chúng tôi có 122 hộ nhưng đa số là công chức viên chức, đóng góp ủng hộ tại cơ quan. 52 hộ còn lại là cán bộ về hưu và người dân buôn bán các mặt hàng: quán cơm phở, ăn đêm, shop quần áo, giày dép thời trang, cửa hàng hoa tươi, cửa hàng kinh doanh điện thoại di động, bán sim thẻ, đồ chơi trẻ em, kính mắt thời trang, hiệu ảnh, hiệu làm đầu, hiệu cầm đồ...

Đại diện lãnh đạo Trường Trường Tiểu học số 2 (thị xã Lai Châu) trao tặng gạo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Của cho không bằng cách cho”, từ nhỏ mẹ tôi thường dạy thế! Nhìn chung bà con khu phố rất xởi lởi đón tiếp đoàn và đều hiểu rõ về ý nghĩa của những việc làm từ thiện này nên đoàn đến gia đình rất chóng vánh, không phải giải thích nhiều lời. Có một bà cụ bán tạp phẩm, 80 tuổi, vừa bị tai biến mạch máu não, tay phải co hết ngón, đau nhức xương... cũng nhờ con gái moi hộ trong túi áo 10.000 đồng ủng hộ. Có một chị người Thái hơn 60 tuổi nhà trong ngõ vừa mổ mắt cũng mò mẫm  nhờ chị trong đoàn tìm hộ trong túi xách 20.000 đồng để đóng góp. Cả bà con khu phố cũng vậy. Họ không cho nhiều, nhưng nhìn cái cách họ lục tìm trong ví, lựa những tờ mới nhất hoặc không có tờ mới thì chọn tờ nom được hơn cả là vuốt thẳng thớm, nâng niu trên 2 tay trao tặng mà cảm động. Tuy nhiên, cũng có người viện lý do sáng sớm chưa được ai mở hàng để lần khất. Có cậu thanh niên ngoài 20 tuổi còn bảo: “Mẹ cháu đi chợ. Khi nào mẹ cháu về thì các bác đến hỏi mẹ cháu”. Có  cửa hàng toàn nam thanh nữ tú bảo: “Xếp của chúng cháu đi vắng, để chiều chúng cháu gọi điện xem xếp quyết bao nhiêu”. Có nhà đóng cửa im ỉm, đi 2, 3  lần không gặp. Nghĩ mà buồn…

Cũng may, số người như thế không nhiều. Anh Quân, bộ đội nghỉ hưu, làm thêm nghề sửa chữa đồng hồ nói: “Chúng tôi cũng một thời ăn cơm dân, mặc áo Đảng nên rất hiểu tình cảm và nghĩa vụ của mình. Thấy đoàn đến từng nhà vận động lòng hảo tâm của mọi người thế này chúng tôi rất hoan nghênh. Có lúc chỉ một hai người đến nhà, giấy tờ chả có,chúng tôi không tin đâu. Chỉ mong số tiền ít ỏi đến được tay đúng đối tượng thôi!”. Tôi cũng nghĩ và mong như thế!

 

Hoài Thy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...