Thứ sáu, 01/11/2024, 07:50 [GMT+7]

Quản lý chất thải rắn xây dựng

Thứ hai, 13/05/2024 - 09:22'
Quản lý chất thải rắn trong lĩnh vực xây dựng đã và đang là vấn đề đáng quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường của nhiều địa phương. Đối với Tân Uyên đang được xem là “đại công trường” xây dựng, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý sát sao, đảm bảo việc đổ thải xây dựng thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Uyên có 13 công trình đang thi công do Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản và Hỗ trợ bồi thường di dân tái định cư huyện làm chủ đầu tư. Ngoài ra còn có Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (tuyến nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai) đi qua địa phận huyện và Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 đoạn Km0-Km21. Theo nhận định của ông Đỗ Đình Định, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, chất thải tại các công trình được thu gom theo hồ sơ đúng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt; phương tiện, tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Để hiểu rõ hơn việc chấp hành quy định đổ thải của các đơn vị thi công trên địa bàn, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - đơn vị chủ đầu tư Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 đoạn Km0-Km21. Ông Phùng Văn Nam - Phó Ban Quản lý thông tin cho biết: Dự án có chiều dài 21km đi qua các xã: Thân Thuộc, Nậm Cần, Nậm Sỏ với tổng số 9 điểm đổ thải. Những vị trí đổ thải được phê duyệt đảm bảo an toàn cho các diện tích đất nông nghiệp, không sạt trượt và bố trí không quá xa so với điểm xúc đất đá. Lượng đất đá đơn vị thi công phải thực hiện vận chuyển đến điểm đổ thải lên tới hàng nghìn khối. Dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ kỹ thuật, đơn vị chủ đầu tư, công nhân vận chuyển đổ đúng vị trí tại các cột mốc hiện trường, không ảnh hưởng đến các diện tích khác. Ngoài ra, việc đổ thải cũng chịu sự giám sát của chính quyền, lực lượng công an và cộng đồng nên các đơn vị thi công thực hiện chuẩn chỉ, nghiêm túc theo đúng quy định.

Đơn vị thi công công trình Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 đoạn Km0-Km21 thực hiện nghiêm túc việc thu gom và xử lý chất thải rắn trong xây dựng.

Được biết, để giảm thiểu tác động đến môi trường, Phòng Tài nguyên - Môi trường tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, chung tay bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện. Chủ động phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện; kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải; quản lý bảo vệ môi trường về lấn chiếm dòng chảy và đổ thải; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai và bảo vệ môi trường; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Qua đó, yêu cầu chủ dự án nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường và thực hiện đầy đủ các nội dung hồ sơ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
UBND các xã, thị trấn cũng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường trong thi công đã được chủ đầu tư quan tâm thực hiện như: xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; thu gom xử lý rác thải, nước thải và quan trắc môi trường định kỳ hằng năm.
Tuy nhiên, các công trình xây dựng như: đường giao thông, đường vùng sản xuất thi công trong điều kiện địa hình đồi núi, chia cắt, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường khu vực thi công. Cụ thể là rửa trôi, sạt lở đất do mưa gây ảnh hưởng đến đất sản xuất và nguồn nước khu vực thi công dự án... Địa điểm triển khai các dự án, công trình đa số là địa bàn đồi núi, vùng sâu, vùng xa, nên chủ đầu tư tự thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong phạm vi công trình. Đây là những khó khăn do nguyên nhân khách quan trong công tác xử lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.
“Thời gian tới, một số dự án được phê duyệt sẽ tiếp tục thi công, Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn tham mưu UBND huyện tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường trong xây dựng, thực hiện nội dung theo hồ sơ bảo vệ môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền” - ông Đỗ Đình Định cho biết thêm.
Với sự quản lý sát sao của cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp, việc quản lý chất thải rắn trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện Tân Uyên chắc chắn sẽ tiếp tục được thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý đất đai và bảo vệ môi trường.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kỳ 2: “Thay da đổi thịt” nơi vùng đất khó
Thay đổi cuộc sống nhân dân, những biện pháp quyết liệt, mang tính đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền xã Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ) được triển khai, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tiếp...
Chi hội trưởng gương mẫu, đi đầu
Hơn 10 năm gắn bó với công tác Hội, chị Đỗ Thị Lả - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Mường (xã Mường Than, huyện Than Uyên) luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mạnh...