Chủ nhật, 19/05/2024, 13:26 [GMT+7]

Nhúng đũa vào bát canh chung: thói quen xấu xí

Thứ ba, 14/08/2012 - 13:58'
Sáu, bảy người ngồi chung mâm cùng thò đũa vào khoắng bát canh lên để vớt rau, vớt xương. Rồi sau đó người thì lấy đũa xỉa răng, người khác lại lấy đũa lau miệng... Thật là mất vệ sinh.

Ở nhà tôi không bao giờ có chuyện ai ngồi ăn mà dám thò đôi đũa vào gắp hoặc khoắng thức ăn trong bát canh, trên mâm cơm bao giờ cũng có muôi, thìa, đũa để múc, để gắp.

Tôi vốn sinh ra ở vùng miền núi. Mẹ tôi là người dân tộc thiểu số. Không biết có phải do tập quán dân tộc của mẹ hay bị ảnh hưởng của các dân tộc khác sống bên cạnh không mà trong cách ăn uống mẹ rất sạch sẽ.

Mẹ hầu như cũng ít khi gắp thức ăn cho ai, nếu có thì bao giờ cũng dùng một đôi đũa riêng hoặc nếu bí quá thì mẹ đảo đầu đũa để gắp. Khi gắp thức ăn cho mình cũng vậy, mẹ luôn luôn đổi đầu đũa để gắp.

Rồi trong chuyện uống nước, trẻ em bao giờ cũng có cốc chén riêng để uống không chung đụng với người lớn … Và còn nhiều chuyện tương tự như thế liên quan đến việc ăn uống.

Khi tôi về Hà Nội học đại học, thời đó còn khó khăn, ăn thường theo suất nên thấy cách ăn đó cũng rất văn minh và sạch sẽ, một suất cơm lúc đó chỉ có 1.500đồng.

Sau bốn năm đại học, tôi ra trường và ở lại Hà Nội. Đây chính là thời gian tôi phải quen với một cách ăn uống mới đó là ăn “mất vệ sinh”.

Công ty tôi lúc đó có tổ chức nấu ăn trưa cho mọi người, việc ăn cũng bình thường nhưng tôi sợ nhất là cảnh cả sáu, bảy người ngồi chung mâm cùng thò đũa vào khoắng bát canh lên để vớt rau, vớt xương và thế là bữa cơm đó tôi đành nhịn món canh.

Sau một thời gian, không chịu được cảnh ăn không có canh thế là tôi đành chuyển sang múc một bát canh ăn trước sau đó mới ăn cơm.

Một cảnh khác còn khiếp hơn là chuyện nhiều người lên muộn, những hôm không có bát sạch, họ lấy luôn những chiếc bát mà người khác ăn xong chưa rửa rồi ăn tiếp. Rồi có những hôm họ mời nhau ăn, miếng ăn được chuyền từ bát người nọ sang bát người kia, có khi đi gần hết cả lượt.

Còn nhiều chuyện khác nữa như lấy đũa xỉa răng, lấy đũa lau miệng …Và dần dần bữa trưa của tôi chi là ăn qua loa cho xong việc rồi về phòng nghỉ. Có nhiều người thấy tôi không thích cách ăn uống thì cho tôi là khó tính, nhưng có lẽ cái cách ăn uống vệ sinh nó đã có từ ngày nhỏ rồi thì khó mà thay đổi lắm.

Những năm gần đây, cơm văn phòng bán theo suất đã giúp ích rất nhiều cho một cách ăn uống văn minh sạch sẽ. Nhưng trong phần lớn các gia đình, lối ăn uống mất vệ sinh vẫn còn và đó cũng chính là một phần của tác nhân gây các bệnh truyền nhiễm mà Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang tăng cao.

Thiết nghĩ, việc học ăn học uống là vô cùng cần thiết, trong thời buổi văn minh và hội nhập với thế giới này. Và tôi dám chắc rằng, nhìn vào cách ăn của một người ta có thể đánh giá được mức độ văn minh cũng như lối sống của người đó.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...