Thứ sáu, 03/05/2024, 06:26 [GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và mong muốn của người về đội ngũ cán bộ Lai Châu, bài học lý luận sâu sắc để phát huy vai trò đội ngũ cán bộ của cán bộ, đảng viên hiện nay

Thứ bảy, 02/12/2023 - 12:41'
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, trong bất cứ thời kỳ nào của cách mạng, cán bộ và công tác cán bộ cũng là vấn đề trọng yếu, chẳng những có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng mà còn góp phần quyết định sự thành bại trong tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ ngày càng năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ ngày càng năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Với vị trí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, theo Hồ Chí Minh cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đến với Nhân dân; đồng thời cũng là người chỉ đạo, tổ chức Nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người nói, “khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[1]. Do đó, muốn đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống và tổ chức công việc đạt hiệu quả, cần phải có đội ngũ cán bộ tài đức, tuyệt đối trung thành với Đảng, có năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện, liên hệ mật thiết với Nhân dân, luôn gần dân, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân để thuyết phục Nhân dân một cách có lý, có tình...

Sau gần một thế kỷ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc Lai Châu hân hoan trong niềm vui giải phóng; niềm vui đó được nhân lên gấp bội khi chỉ 2 ngày sau giải phóng, Nhân dân các dân tộc Lai Châu nhận được “Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu” (12/12/1953) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng lời văn mộc mạc, dễ hiểu, gần gũi, Bác đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tình cảm đặc biệt và căn dặn các nhiệm vụ cụ thể tới đồng bào và cán bộ Lai Châu: “Tôi và Chính phủ luôn luôn thương xót đồng bào. Ngày nay đồng bào đã được bộ đội Chính phủ giải phóng khỏi ách thực dân và phản động; tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thăm đồng bào và cán bộ”. Bác căn dặn 4 điều đồng bào và cán bộ Lai Châu ghi nhớ và làm cho đúng, đó là:

1- Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau.

2- Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự.

3- Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no.

4- Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng.

Đặc biệt là ở điều cuối cùng trong bức thư, Người nhắn gửi cán bộ thì phải thực sự gần gũi giúp đỡ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Nội dung đó thể hiện 3 yêu cầu: Gần dân, giúp dân, biết hy sinh vì cuộc sống của dân[2]. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[3]. Mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, quyết định của đoàn thể chỉ biến thành hiện thực khi đi vào cuộc sống thông qua đội ngũ cán bộ tổ chức lãnh đạo Nhân dân thực hiện. Người đòi hỏi, mỗi cán bộ phải đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, đó là đạo đức, nghĩa vụ, bổn phận, là mục đích sống và lựa chọn giá trị của người cán bộ Cách mạng, tất cả phải vì dân chứ không vì mình. Biết đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết có nghĩa là biết hy sinh cá nhân mình, dù lợi ích cá nhân cũng cần thiết, hợp lý và cũng đáng xem trọng. Người khẳng định: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân... Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”[4]; chống chủ nghĩa cá nhân nhưng không xem nhẹ, càng không phủ nhận cá nhân. Đó là chỗ sâu sắc của trí tuệ Hồ Chí Minh. Nhưng lợi ích của Nhân dân là cần hơn, là quan trọng và hợp lý hơn, là cái đáng phải quan tâm hàng đầu và tôn trọng ở hàng đầu, xem đó là trước hết, trên hết. Đây là sự cao thượng của lối sống, nhân cách Hồ Chí Minh, là sự cao quý, đẹp đẽ của đạo đức, của Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh.

Người từng quan niệm rằng, cái gì tốt cho dân, lợi cho dân, có ích cho dân, cái đó là chân lý. Người còn chỉ rõ, phục vụ Nhân dân là phục tùng chân lý cao nhất. Và Người nhắn nhủ chúng ta, tận tâm tận lực vì dân, làm đầy tớ, công bộc trung thành và tận tụy của dân, đó là lẽ sống cao thượng nhất.

Vậy là, chỉ trong một câu thôi, với 21 chữ ta thấy rõ yêu cầu, đòi hỏi của Người đối với cán bộ. Đó là, cán bộ phải thực hành đạo đức Cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Cán bộ phải thực hành bản chất nhân văn của nền chính trị kiểu mới - chính trị Thân dân và Dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, chính trị cốt ở Đoàn kết và Thanh khiết, phải thanh khiết từ việc nhỏ đến việc lớn. Phải ít lòng tham muốn về vật chất, phải tẩy bỏ chủ nghĩa cá nhân để toàn tâm toàn ý phục vụ dân. Vì dân thì phải quên mình. Tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều nói trên về mối quan hệ giữa cán bộ với dân, có đủ cả mục đích, động cơ, trách nhiệm, lựa chọn giá trị và cách ứng xử. Đó là sự thống nhất làm một giữa khoa học - cách mạng và nhân văn, giữa chính trị - đạo đức và văn hóa.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, thực hiện lời dạy của Bác trong “Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu”, nhận thức rõ tầm quan trọng của cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo và thực hiện thành công tư tưởng của Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ trong thực tiễn của tỉnh; chủ động, tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng bộ luôn lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ và công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

1. Từ những thành tựu của một chặng đường xây dựng và phát triển

Giai đoạn 1953 - 2003: Trong giai đoạn này, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công tác cán bộ được Ban cán sự Đảng sau này là Tỉnh ủy Lai Châu đặc biệt quan tâm. Từ việc chỉ đạo thành lập được Uỷ ban kháng chiến hành chính, mỗi uỷ ban xã có từ 3 - 5 uỷ viên; các uỷ viên uỷ ban và trưởng bản đa số do cán bộ, bộ đội chỉ định. Ban cán sự Đảng Lai Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Liên khu ủy 10 giao cho là: “Gây cơ sở quần chúng tạo nên điều kiện tiến tới lãnh đạo Nhân dân Lai Châu võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai”, từ đó tạo tiền đề cho Ban cán sự Đảng Lai Châu lãnh đạo Nhân dân các dân tộc cùng với cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ không những được phát triển nhanh về số lượng, mà cả về chất lượng, các cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ đều được tăng cường. Tổng số cán bộ toàn tỉnh đã tăng từ 85 người năm 1954 đến thời điểm 30/6/2003 có 15.648 người, trong đó có trình độ đại học, trên đại học chiếm trên 16%; cao đẳng, trung cấp 65,78%; dân tộc thiểu số 24%; nữ 55,5%, trình độ cử nhân, cao cấp lý luận 3,15%; trung cấp lý luận 4,63%. Chất lượng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ngày một nâng cao, riêng cán bộ cấp tỉnh có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 83,76%; trình độ cử nhân, cao cấp lý luận 74%; cán bộ cấp huyện có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 49,66%; có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị 67,78%... Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp đã tập trung lãnh đạo công tác cán bộ, gắn tinh giản biên chế với kiện toàn tổ chức. Hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn và củng cố một bước. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành quyết định về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ. Cấp ủy các cấp đã thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế về cán bộ của Tỉnh ủy, nên việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ để bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử… dần đi vào nền nếp, bước đầu thực hiện việc luân chuyển cán bộ một số chức danh cán bộ theo quy hoạch đạt kết quả. Việc đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy trình; từng bước thực hiện việc tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ngay từ đầu vào. Việc bổ nhiệm cán bộ có thời hạn, thi tuyển cán bộ, công chức được thực hiện bước đầu có hiệu quả. Công tác luân chuyển cán bộ đã được tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện, thử thách qua thực tiễn.

Một trong những nguyên nhân đưa đến những thành tựu của Lai Châu giai đoạn này là nhờ có đội ngũ cán bộ luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, hết mình phấn đấu vì lợi ích của Nhân dân, có tinh thần hy sinh, chịu đựng mọi gian khổ, gần gũi với quần chúng. Chính những cán bộ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; vận động Nhân sân vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào; và những cán bộ ngày đêm chống chọi với lũ lụt, mưa bão trong thời kỳ đầu xây dựng kinh tế - xã hội; những cán bộ tiên phong đi đầu trong xoá đói giảm nghèo, trong làm giàu từ những mô hình kinh tế mới,… đã góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên được Nhân dân yêu quý và tin theo.

Giai đoạn từ năm 2004 đến nay. Năm 2004, tỉnh Lai Châu được chia thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu[5]. Khi mới thành lập đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh còn thiếu nhiều, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở ngành và tương đương[6]. Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác cán bộ trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh; ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác cán bộ với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ: Thành lập các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh và thành lập các cơ quan giúp việc Tỉnh ủy; chủ động phối hợp, tham mưu nhiệm vụ về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng.

Từ năm 2005 đến nay toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tập trung tham mưu cho cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tập trung chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, XII, XIII, XIV và nhân sự đại hội đảng bộ các cấp đảm bảo theo quy định. Sau các kỳ Đại hội đã tập trung tham mưu ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ[7]; đồng thời tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ, chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo hài hoà về cơ cấu, chất lượng ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển tỉnh Lai Châu trong giai đoạn mới, cụ thể:

Tập trung tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành đồng bộ và tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; về kiểm điểm, đánh giá cán bộ; về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ; về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về chính sách cán bộ; về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị tỉnh; về chỉ định tăng thêm và nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới…

Tham mưu thực hiện tốt công tác tuyển dụng, tiếp nhận công chức đảm bảo theo quy định, từ năm 2004 đến nay đã tuyển dụng 12.300 công chức, viên chức, trong đó: Nữ 7.965, dân tộc thiểu số 4.072. Tiếp nhận 154 viên chức và cán bộ, công chức cấp xã vào làm công chức cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó: Nữ 59, dân tộc thiểu số 31. Đồng thời rà soát, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ đảm bảo theo quy định. Toàn tỉnh đã hoàn thành việc xử lý sai phạm trong công tác cán bộ theo Kết luận số 48-KL/TW và Kết luận số 71-KL/TW đối với 8.183 trường hợp[8].

Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện đồng bộ, khoa học, nền nếp, thường xuyên; cơ bản đảm bảo số lượng, cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, có tính kế thừa, phát triển, có sự liên thông giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các ngành, lĩnh vực công tác; từng bước nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch, đảm bảo nguồn cán bộ cho các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp trước mắt và lâu dài; quy hoạch cán bộ đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện đồng bộ hơn, chất lượng hơn các khâu khác trong công tác cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ đã góp phần quan trong trong việc chuẩn bị nguồn cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp cho các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015, 2015-2020, 2020-2025; phát huy những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục kịp thời tham mưu rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030 đảm bảo theo quy định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 và quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030 đối với 709 lượt cán bộ[9]; hiệp y quy hoạch đối với 39 lượt cán bộ; đề xuất nguồn nhân sự giới thiệu quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030; Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031; đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 và nhiệm kỳ 2026-2031. Việc quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo cơ bản bảo đảm về số lượng, chất lượng từng bước được nâng lên; có cơ cấu phù hợp; quan tâm quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số[10].

Quan tâm ban hành nghị quyết, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện nghị quyết, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả nhiệm kỳ và từng năm bảo đảm toàn diện về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kiến thức quốc phòng an ninh; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới. Phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; phối hợp với Học viện chính trị Khu vực I tổ chức các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung tại tỉnh. Từ năm 2004 đến nay đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng 134.152 lượt cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: đào tạo chuyên môn 4.274, lý luận chính trị 10.062, bồi dưỡng 119.816 lượt; cử 107 cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Tham mưu làm tốt công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, nâng cao chất lượng cán bộ; đồng thời bổ sung cho những nơi khó khăn về cán bộ, gắn với thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ, lãnh đạo quản lý không là người địa phương. Từ năm 2004 đến nay toàn tỉnh đã luân chuyển 209 cán bộ, trong đó từ đầu đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay, toàn tỉnh đã luân chuyển 23 đồng chí: Tỉnh về huyện 06, ngành sang ngành 05, huyện về xã 12.

Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền theo quy định; cán bộ được bầu cử, bổ nhiệm bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh. Từ năm 2004 đến nay toàn tỉnh đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 16.030 lượt cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay đã kịp thời tham mưu kiện toàn chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, kiện toàn 02 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 02 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 01 Ủy viên UBKT Tỉnh ủy, 01 Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; chỉ định 45 cấp ủy viên cấp huyện, 35 ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn; giới thiệu bầu 25 uỷ viên ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh; toàn tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 1.377 lượt cán bộ[11], trong đó Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 188 lượt cán bộ (nữ 28, cán bộ người dân tộc thiểu số 48); hiệp y bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động 44 cán bộ. 

Lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá cán bộ gắn với kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại đảng viên hằng năm; đánh giá trước khi kết thúc nhiệm kỳ, trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật... Kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức cơ bản đã sát với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ; quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, giải quyết chế độ, chính sách đối với các đồng chí không đủ tuổi tái cử cấp ủy các cấp. Ngoài bảo đảm chế độ chính sách theo quy định, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để giải quyết chế độ, chính sách đối với cấp ủy viên cấp xã không đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ luân chuyển, cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Hằng năm, tổ chức khám sức khỏe cho cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định.

Với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, sự quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đội ngũ cán bộ của tỉnh được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng. Tính đến thời điểm 30/11/2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh là 18.831 người tăng 51,6% so với năm 2004, trong đó: Dân tộc thiểu số 7.720 chiếm 41%, tăng 15,4%; nữ 11.041 chiếm 58,6%, tăng 36,9%; về trình độ: Chuyên môn đại học trở lên chiếm 72,5%, tăng 59,5%, lý luận chính trị trung cấp trở lên chiếm 32% tăng 41%. Về cơ bản đội ngũ cán bộ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý tại địa phương, cơ quan, đơn vị; luôn ý thức rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, năng lực công tác, góp phần không nhỏ trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của Đảng bộ tỉnh.

2. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ vẫn còn những hạn chế như:

Công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ đến với cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi chưa kịp thời; việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện ở một số nơi còn chậm, chất lượng còn hạn chế, chưa sát với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị.

Một số nơi công tác kiện toàn cấp ủy cơ sở, lãnh đạo, quản lý còn chậm; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thấp hoặc chưa có; cơ cấu cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số ở một số nơi chưa đồng đều, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số.

Một số địa phương, cơ quan, đơn vị số lượng cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu. Một số ít cán bộ, công chức, viên chức trình độ, năng lực còn hạn chế; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ chưa cao, vi phạm kỷ luật.

Một số cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành chưa đề cao trách nhiệm trong công tác quy hoạch cán bộ, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ; việc đánh giá cán bộ có lúc, có nơi, có trường hợp còn nặng về cảm tính, thiếu tính khách quan; việc luân chuyển cán bộ còn hạn chế, chưa xây dựng được kế hoạch luân chuyển cán bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều hạn chế; chất lượng đội ngũ cán bộ tuy đã được nâng lên nhưng chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ.

3. Một số bài học kinh nghiệm

Một là, quán triệt, nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước về công tác cán bộ; cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp thành chương trình, kế hoạch; xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ.

Hai là, quan tâm tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị người đứng đầu; thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn chức danh, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, công khai, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ.

Ba là, bám sát lộ trình để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; phải thường xuyên chăm lo củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ của hệ thống chính trị, chú trọng công tác tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; coi trọng củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của Nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Bác, để xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Lai Châu trong bối cảnh mới có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thời tới tiếp tục hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tiếp tục tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, học tập và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác tổ chức xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ bảo đảm theo các quy định mới của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 161-KH/TU, ngày 13/9/2018 về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kết luận số 30-KL/TU, ngày 18/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở với mục tiêu đến năm 2025.

3. Tham mưu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; phát huy dân chủ, xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, phân công rõ trách nhiệm, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, công khai, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ.

4. Tiếp tục bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp với sở trường công tác và chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo, quan tâm kiện toàn cán bộ; chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cấp ủy, HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031; thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ gắn với bố trí chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở cùng một địa phương và phấn đấu thực hiện đối với chức danh bí thư cấp ủy cấp xã ở những nơi có điều kiện. Quan tâm bố trí cán bộ nữ giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã nhất là các huyện tỷ lệ còn thấp.

5. Tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức ở các các cấp, các ngành; đảm bảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy, tầm nhìn về công tác tổ chức và cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

6. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, ủy ban kiểm tra, thanh tra các cấp; giám sát của Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong triển khai thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kịp thời giải quyết những đơn thư, khiếu nại, tố cáo về công tác cán bộ và cán bộ.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của sự nghiệp xây dựng và phát triển Lai Châu giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ ngày càng đóng vai trò quyết định. Do vậy, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng và không ngừng nâng cao năng lực, trình độ đủ sức lãnh đạo, phát huy sức mạnh của Nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở tỉnh Lai Châu./.

[1] Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011,  t.5, tr.636
[2] Báo Nhân dân, số 155, từ ngày 21 đến 25-12-1953.
[3] Hồ Chí Minh:  Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011,  t.5, tr. 309.
[4] Hồ Chí Minh:  Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H.2011, t.4, tr. 64-65, 64.
[5] Ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ tư đã ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; theo đó ngày 01/01/2004, tỉnh Lai Châu được chia thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Đảng bộ tỉnh Lai Châu (mới) được thành lập gồm có 5 đảng bộ trực thuộc, 204 tổ chức cơ sở đảng.
[6] 14 đơn vị chỉ có 01 đồng chí cấp trưởng hoặc cấp phó phụ trách); thời điểm 01/01/2004, tổng số biên chế cán bộ toàn tỉnh Lai Châu (mới) có 7.515 người, trong đó biên chế khối Đảng, đoàn thể là 402 người, khối nhà nước là 7.113 người; cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện chất lượng còn hạn chế, có trình độ chuyên môn đại học trở lên khoảng 20%, trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên khoảng 10%; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở cũng còn rất thấp có khoảng 8% cán bộ, công chức xã có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên và 20% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 26/86 (30%) xã chưa đủ điều kiện để thành lập đảng bộ cấp xã (mới có chi bộ), trên 600 thôn, bản, tổ dân phố (chiếm 60%) chưa có chi bộ, trong đó 141 thôn, bản (chiếm 15%) chưa có đảng viên; 40% đảng bộ cấp xã xếp loại hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ, một số nơi yếu kém kéo dài.
[7] Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 01/11/2006 về đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2006 – 2010; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/10/2011 về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 -2015; Nghị quyết số 10-NQ/TU về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2013-2020; Nghị quyết số 12-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 07-NQ/TU về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2016-2020; Kết luận số 30-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; Nghị quyết số 06-NQ/TU về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
[8] Khắc phục sai phạm theo Kết luận số 48-KL/TW đối với 1.565 trường hợp; xử lý, khắc phục sai phạm theo Kết luận số 71-KL/TW đối với 6.618 trường hợp, trong đó: Khối Đảng, đoàn thể: Khắc phục sai phạm theo Kết luận số 48-KL/TW đối với 100 trường hợp; xử lý, khắc phục sai phạm theo Kết luận số 71-KL/TW đối với 204 trường hợp. Khối Nhà nước: Khắc phục sai phạm theo Kết luận số 48-KL/TW đối với 1.465 trường hợp; xử lý, khắc phục sai phạm theo Kết luận số 71-KL/TW đối với 6.413 trường hợp.
[9] Bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 đối với 77 lượt cán bộ; quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030 đối với 632 lượt cán bộ.
[10] Cấp tỉnh: Ban Chấp hành 58 đồng chí (1,2 lần), trong đó: Tuổi trẻ 6,9%, nữ 25,9%, dân tộc thiểu số 36,2%. Ban Thường vụ 16 đồng chí (1,06 lần), trong đó: Nữ 25%, dân tộc thiểu số 37,5%. Trưởng, phó ngành 253 đồng chí, trong đó: Nữ 27,7%, dân tộc thiểu số 22,1%. Các chức danh lãnh đạo tỉnh (Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh) 27 đồng chí, trong đó: Nữ 15%, dân tộc thiểu số 56%.

Cấp huyện: Ban Chấp hành 396 đồng chí (1,15lần), trong đó: Tuổi trẻ 21,2%, nữ 26,5%, dân tộc thiểu số 47,2%. Ban thường vụ 124 đồng chí (1,13 lần), trong đó: Tuổi trẻ 16,1%, nữ 25%, dân tộc thiểu số 41,1%. Các chức danh lãnh đạo, quản lý 166 đồng chí, trong đó: Tuổi trẻ 9%, nữ 19,3%, dân tộc thiểu số 34,9%.

Cấp xã: Ban Chấp hành 1.367 đồng chí (0,89 lần), trong đó: Tuổi trẻ 35,2%, nữ 34,6%, dân tộc thiểu số 71,7%. Ban thường vụ 471 đồng chí (0,96 lần), trong đó: Tuổi trẻ 15,9%, nữ 24,6%, dân tộc thiểu số 78,3%. Các chức danh lãnh đạo, quản lý 1.643 đồng chí, trong đó: Tuổi trẻ 12,8%, nữ 25,1%, dân tộc thiểu số 81,7%. Gắn quy hoạch cấp ủy với chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp và quy hoạch chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.
[11] Ban Thường vụ các huyện uỷ, thành uỷ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 468 lượt cán bộ (trong đó nữ 182, cán bộ người dân tộc thiểu số 132), hiệp y bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 220 cán bộ. Lãnh đạo các sở, ngành bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 457 lượt cán bộ (trong đó nữ 153, cán bộ người dân tộc thiểu số 69).

B.Y

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...