Thứ bảy, 27/04/2024, 17:56 [GMT+7]

Truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Lai Châu tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Thứ sáu, 02/02/2024 - 10:04'
Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Đoàn kết, yêu nước nồng nàn, cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động và sống thích ứng là những giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc Việt Nam. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh rằng: đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống tạo nên sức mạnh vô địch, đưa nước ta, dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang.

Là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, từ ngàn đời nay Nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn kề vai sát cánh bên nhau để xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã nhiều lần đứng lên, đoàn kết chống lại sự xâm lược của kẻ thù, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

v

Toàn văn bia được tạc khắc bằng chữ Hán Bia (Bia hiện được đặt trên địa bàn xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu).

Vào thế kỷ XIII, các Chúa Lự đã xây dựng ở phía nam cánh đồng Mường Thanh công trình phòng thủ (nay thuộc xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) để chống lại những cuộc tấn công của kẻ địch.

Thế kỷ XV, trước sự xâm lược của giặc Minh (Trung Quốc), thổ ty Lai Châu là Đèo Cát Hãn đã đầu hàng, làm tay sai câu kết với bọn Kha Lại ở Ai Lao đem quân đánh chiếm Mường Muổi (Thuận Châu). Lê Lợi đã cùng Lê Sát đem quân lên Lai Châu trị tội Đèo Cát Hãn. Quân đội triều đình đi đến đâu cũng được Nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Cuối cùng, Đèo Cát Hãn phải đầu hàng, Kha Lại bị giết, quan quân tan tác. Sau khi bình định vùng Tây Bắc, mùa đông năm Tân Hợi 1431, Lê Lợi đã cho tạc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau về sự kiện này, sử cũ gọi là “Bia Cổ hoài lai”[1].

Năm 1754 hay tin Hoàng Công Chất, lãnh tụ phong trào nông dân vùng Sơn Nam (Thái Bình, Nam Định) từ miền thượng du Thanh Hóa tiến lên Tây Bắc, hai thủ lĩnh người Thái là Ngải và Khanh đã liên kết, phối hợp với nghĩa quân tổ chức tiến công thành Tam Vạn. Giặc Phẻ chống trả quyết liệt. Nghĩa quân Hoàng Công Chất và hai thủ lĩnh Ngải, Khanh được Nhân dân ủng hộ đã chiến đấu dũng cảm và giành thắng lợi. Tướng giặc Phạ Chậu Tin Tòng bị giết chết, số còn lại bỏ chạy sang Lào. Sau 18 năm (1751 - 1769) hoạt động ở Tây Bắc, chủ yếu ở vùng Mường Thanh, Hoàng Công Chất và nghĩa quân đã quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi biên giới, thu hồi toàn bộ những vùng đất đai bị chiếm giữ, giải phóng Nhân dân khỏi ách thống trị tàn bạo, dã man của ngoại bang, mang lại cho Nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng một cuộc sống ổn định. Hoàng Công Chất và nghĩa quân của ông được Nhân dân các dân tộc Lai Châu yêu mến, đùm bọc, tình nghĩa xuôi ngược ngày càng gắn bó.

Thế kỷ XIX, trong suốt thời kỳ nhà Nguyễn cai trị, cả nước hầu như không lúc nào yên ổn. Ở Tây bắc, hết giặc Lự, giặc Muông lại đến giặc Xiêm (Thái Lan), giặc Cờ Vàng… sang cướp phá, làm cho bản làng tan hoang, bệnh dịch, nạn đói liên tiếp xảy ra. Nhân dân đã nhiều lần nổi dậy chống quan quân triều đình và bọn phong kiến tay sai địa phương, đồng thời tự động tổ chức nhau lại tập hợp dưới cờ của tù trưởng Mường Muổi Bạc Cầm Ten chống giặc Xiêm ở Mường Thanh, của tù trưởng người Khơ Mú tên là Chương Han (biệt hiệu là Xeng) chống lại giặc Cờ Vàng.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng xây dựng bộ máy cai trị theo chế độ quân quản, âm mưu chia rẽ dân tộc, biến địa phương thành khu biệt lập. Vốn có truyền thống đoàn kết, không cam chịu áp bức, bóc lột, Nhân dân các dân tộc ở địa phương đã hăng hái tham gia chống Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa do các thủ lĩnh châu, mường lãnh đạo đã nổ ra và được Nhân dân ủng hộ. Như các cuộc khởi nghĩa của tù trưởng Lai Châu là Đèo Văn Trì; cuộc nổi dậy của Lường Sám; cuộc nổi dậy của Giàng Tả Chay, tháng 10/1918, tại vùng cao Điện Biên, đồng bào Mông cùng với Nhân dân các dân tộc Khơ Mú, Lào,... đoàn kết chống lại ách thống trị của thực dân Pháp với khẩu hiệu: “Quét sạch tây trắng (Pháp), chống thuế, giành quyền tự chủ” … Những cuộc đấu tranh của Nhân dân các dân tộc Lai Châu mặc dù bị thất bại, song tất cả phong trào đấu tranh đó là minh chứng, chứng minh truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó của Nhân dân các dân tộc Lai Châu với dân tộc anh em miền ngược, miền xuôi cùng nhau đấu tranh kiên cường chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai.

Càng trong hoạn nạn, khó khăn, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta lại bừng sáng, trở thành sức mạnh để cùng nhau vượt khó.

Trước và trong Cách mạng tháng Tám ở Lai Châu chưa có tổ chức Đảng. Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, trên địa bàn Lai Châu chỉ có huyện Quỳnh Nhai khởi nghĩa giành được chính quyền. Đến tháng 10/1949, tổ chức chi bộ Đảng - cơ quan lãnh đạo đầu tiên của Đảng bộ Lai Châu mới được thành lập. Trải qua những năm tháng hoạt động gian khổ, đến trước Đông Xuân 1953-1954, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã trưởng thành về nhiều mặt. Từ 1 chi bộ ban đầu với 20 đảng viên, đến tháng 8/1950 đã phát triển thành 4 chi bộ (chi bộ Quỳnh Nhai, chi bộ Điện Biên, chi bộ Tuần Giáo và chi bộ văn phòng Ban cán sự tỉnh). Tháng 8/1951, ba Ban cán sự Đảng huyện và liên huyện được thành lập, đó là: Ban cán sự huyện Điện Biên, Ban cán sự liên huyện Tuần Giáo - Châu Lai (Tuần - Lai), Ban cán sự liên huyện Quỳnh Nhai - Sìn Hồ (Quỳnh - Hồ). Chính quyền cách mạng các cấp từ tỉnh đến cơ sở được thiết lập, lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở cơ sở xã, bản được tổ chức.

Năm 1952, với chiến thắng của chiến dịch Tây Bắc, tỉnh Lai Châu có 3 huyện được giải phóng hoàn toàn là Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên, phần lớn huyện Sìn Hồ và một phần huyện Châu Lai (Mường Lay hiện nay) cũng được giải phóng. Địch chỉ còn đóng ở thị trấn Lai Châu và một vài vị trí thuộc huyện Sìn Hồ, Mường Tè. Ngày 20/01/1953, phát hiện bộ đội chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, bộ chỉ huy quân đội Pháp đã cho quân nhảy dù xuống chiếm cánh đồng Mường Thanh của huyện Điện Biên, biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất ở Đông Dương. Địch cho không quân đánh phá và thả biệt kích, thám báo xuống các huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Thuận Châu, dùng lực lượng phản động, thổ phỉ phá hoại, quấy rối hậu phương của ta. Ý định của địch là dựa vào Điện Biên Phủ để che chở cho quân Pháp ở Lai Châu và bảo vệ sự chiếm đóng của chúng vùng Thượng Lào, phá hướng tiến công chính của ta trong Đông Xuân 1953-1954. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thực hiện kế hoạch tiêu diệt địch ở Lai Châu và chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược nhằm phá tan kế hoạch Nava. Quân, dân Lai Châu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ có nhiệm vụ nặng nề là vừa phối hợp với quân chủ lực đánh địch, vừa phải tiễu phỉ làm trong sạch địa bàn, động viên Nhân dân huy động sức người, sức của phục vụ tiền tuyến - đóng vai trò hậu phương tại chỗ của mặt trận. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lai Châu đã được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc chỉ đạo sâu sát.

Chiến dịch giải phóng Lai Châu được mở và giành thắng lợi. Ngày 12/02/1953, thị trấn Lai Châu được giải phóng, cùng đó là các huyện Châu Lai, Mường Tè, Sìn Hồ cũng được giải phóng hoàn toàn. Nhân ngày thị trấn Lai Châu được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào các dân tộc và cán bộ tỉnh Lai Châu. Trong thư, Người đã khen ngợi, động viên, cổ vũ quân và dân các dân tộc trong toàn tỉnh, đặc biệt đối với hơn 2 vạn đồng bào phía Bắc Lai Châu mới được giải phóng. Chiến dịch giải phóng Lai Châu thắng lợi đã động viên kịp thời đồng bào các dân tộc Lai Châu đóng góp công sức cho tiền tuyến, góp phần giải phóng quê hương.

Phát huy sức mạnh đoàn kết, trong chiến dịch Điện Biên Phủ đồng bào Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chung sức, đồng lòng, đóng góp công sức, xương máu góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Khi Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Lai Châu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc giao nhiệm vụ tham gia chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch. Ban cán sự Đảng tỉnh đã chủ trương lãnh đạo động viên Nhân dân các dân tộc nỗ lực, tập trung đến mức cao nhất để cùng cả nước thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ. Trọng tâm công tác lúc này là phục vụ tiền tuyến, xây dựng, củng cố vùng mới giải phóng và tăng gia sản xuất để chống đói.

Thi hành chỉ thị chuẩn bị chiến trường của Bộ Tư lệnh Khu Tây Bắc, tỉnh đã thành lập Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh và các huyện. Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh do đồng chí Trần Quốc Mạnh - Phó ban cán sự Đảng tỉnh phụ trách; các ban chuẩn bị chiến trường của huyện Điện Biên, Tuần - Lai, Quỳnh - Hồ do các đồng chí Phó ban cán sự Đảng huyện phụ trách. Nhiệm vụ của Ban chuẩn bị chiến trường là đi sâu vào vùng địch hậu vận động Nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 2/1954, Ban cán sự Đảng tỉnh ra chỉ thị cho các huyện đẩy mạnh tiết kiệm, tăng gia sản xuất để chống đói và đóng góp cho chiến dịch. Tỉnh cũng quyết định tiến hành công tác thuế nông nghiệp ở các huyện Tuần Giáo, Quỳnh Nhai, Điện Biên, Châu Lai và khu Tả Sìn Thàng (Tủa Chùa hiện nay), phân công đồng chí Lê San - Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh phụ trách công tác này.

Để tiện cho sự chỉ đạo công tác phục vụ chiến dịch, Ban cán sự Đảng và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã chuyển văn phòng về hang Thẩm Púa (xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo) gần Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ để nắm bắt những yêu cầu phục vụ chiến dịch, chỉ đạo các huyện kịp thời. Ban đã đề ra chương trình, kế hoạch công tác của tỉnh, củng cố xây dựng vùng mới giải phóng, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; phân công các đồng chí ủy viên xuống các huyện, xã trọng điểm chỉ đạo phong trào, trưng tập một số cán bộ các ngành chuyên môn xuống giúp cán bộ cơ sở tổ chức huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã không quản ngại khó khăn cùng nhau tham gia chiến dịch. Ngành Công an của tỉnh một mặt tham gia các hoạt động phục vụ chiến trường, mặt khác chú trọng công tác đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại của địch, đảm bảo an toàn các cuộc hành quân, trú quân, vận chuyển của bộ đội, dân công, bảo vệ kho tàng, vũ khí, lương thực, thực phẩm, bảo vệ giao thông trên các trục đường vận chuyển chính vào Điện Biên Phủ. Ngành Lương thực tỉnh phối hợp với bộ đội vận động Nhân dân cho Chính phủ tạm vay thóc, gạo, thực phẩm, làm kho chứa lương thực để cung cấp cho bộ đội và dân công. Ngành Y tế tổ chức các trạm điều trị để phục vụ dân công hoả tuyến, đảm nhiệm công tác tải thương ở tuyến 3... Có thể nói ở khắp nơi trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, từ đồng bào Thái, Mông đến Hà Nhì, Mảng Ư, Khơ Mú... người người, nhà nhà đều thi đua phục vụ chiến dịch. Phụ nữ các dân tộc Lai Châu xưa nay chỉ quen với công việc quay sợi, dệt vải, nội trợ trong gia đình, nay theo tiếng gọi của Đảng cũng nô nức lên đường, chẳng quản bom đạn, khó khăn, cùng nam giới làm đường, gánh gạo, tải lương... Nhiều gia đình mang cả ngựa, mảng của nhà mình để chở vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường từ 1 đến 2 tháng. Nhiều người hết thời gian quy định song vẫn tình nguyện ở lại, ngày đêm cùng bộ đội lăn lộn trên khắp các tuyến đường, đặc biệt trên tuyến đường sông Nậm Na chuyển tiếp lương thực, thực phẩm từ huyện Phong Thổ về thị trấn Lai Châu - Điện Biên Phủ. Nhân dân và du kích địa phương hai bên bờ sông Nậm Na bằng kinh nghiệm phá thác đã cùng lực lượng bộ đội và các đoàn vận tải vượt thác bảo đảm an toàn cho hàng nghìn chuyến bè, mảng vận chuyển lương thực, thực phẩm cung cấp cho mặt trận.

Tại địa bàn huyện Điện Biên, nơi chiến trường diễn ra ác liệt; Ban cán sự Đảng phân huyện làm hai vùng: Vùng ngoài (tức vùng giải phóng) có nhiệm vụ củng cố, bảo vệ cơ sở, chuẩn bị sức người sức của, kho tàng, phương tiện và sẵn sàng huy động lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Vùng địch tạm chiếm gồm 6 xã đồng bào Thái trong cánh đồng Mường Thanh, Ban cán sự Đảng huyện phân công các đồng chí ủy viên phụ trách từng khu vực để nắm dân, nắm tình hình địch, gây dựng cơ sở, chỉ đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích tổ chức phục kích, chặn đánh những cuộc hành quân càn quét, thăm dò của địch và làm nhiệm vụ đưa đường cho bộ đội chủ lực hoạt động.

Tại huyện Tuần Giáo nơi nằm kề với mặt trận nên có vị trí cực kỳ quan trọng có hệ thống giao thông huyết mạch để lực lượng hậu cần vận chuyển vũ khí, lương thực vào tuyến lửa. Tuần Giáo được tỉnh giao nhiệm vụ đón tiếp các đoàn dân công từ Pa Nậm Cúm, Sìn Hồ, Mường Lay, Mường Tè qua lại. Bằng các phương tiện thô sơ, dân công Tuần Giáo đã đón và gánh tiếp lương thực, thực phẩm đến các địa điểm quy định. Đúng như đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) đã khẳng định: “Một cân gạo, một cân thịt, một cân rau ở Tuần Giáo giá trị gấp nhiều lần so với từ hậu phương chuyển đến”.

Trên địa bàn tỉnh, việc đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành một phong trào, niềm vinh dự và tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu. Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh, đồng bào các dân tộc Lai Châu đã đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ 2.666 tấn gạo (vượt mức trên giao 64 tấn); 226 tấn thịt (vượt mức trên giao 43 tấn); 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công (tính ra bằng 568.139 ngày công); 438 ngựa thồ, hàng nghìn thuyền mảng, góp 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội hành quân. Đồng bào huyện Điện Biên khi bị địch dồn vào các nơi tập trung còn đuổi trâu, bò, lợn, gà của mình ra rừng và báo cho bộ đội ta bắt lấy để nuôi quân, quyết không để rơi vào tay giặc. Mặc dù “kho người, kho của” là cánh đồng Mường Thanh tạm thời bị giặc chiếm giữ nhưng trong cả chiến dịch, Nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên đã đóng góp vượt mức 555 tấn gạo (tỉnh giao 450 tấn); 36 tấn thịt (tỉnh giao 18 tấn); 104 tấn rau xanh (tỉnh giao 60 tấn), số dân công huy động được là 3.600 người (gồm 64.670 ngày công). Những đóng góp của huyện Điện Biên nói riêng, của đồng bào các địa phương trong tỉnh Lai Châu là nhân tố rất quan trọng đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Quân và dân Lai Châu rất phấn khởi và tự hào được Đảng và Chính phủ trao tặng những phần thưởng quý báu. Toàn tỉnh đã có 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương, Khu ủy Tây Bắc và Tỉnh tặng bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch.

70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể Nhân dân các dân tộc 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu, Điện Biên vững bước trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

T.H

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...