Thứ năm, 12/12/2024, 21:15 [GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc thể hiện trong Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu, những giá trị lý luận và thực tiễn

Thứ hai, 26/02/2024 - 16:38'
Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng sáng ngời và cao đẹp của khối đại đoàn kết dân tộc. Chính Người là ngọn cờ quy tụ, tập hợp, thu hút mọi người dân Việt Nam yêu nước đứng chung hàng ngũ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh vô địch của khối đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và chiến thắng đói nghèo, lạc hậu. Chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết về đại đoàn kết dân tộc mãi mãi soi đường và tỏa sáng trên các chặng đường phát triển của đất nước ta.

đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh

Đoàn cán bộ y tế của Lai Châu hỗ trợ các tỉnh miền Nam chống dịch Covid-19.

Quê hương Lai Châu vinh dự có “Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu” của Bác Hồ, minh chứng lịch sử về sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc Lai Châu. Đúng ngày này 70 năm năm trước, ngày 12/12/1953 thị trấn Lai Châu được giải phóng, dù bận việc nhưng nhận được tin vui, Bác đã dành thời gian viết thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu. Bức thư ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy tình cảm không chỉ là những lời thăm hỏi ân cần, tình thương yêu rất mực chân thành, sự cảm thông chia sẻ, khích lệ động viên mà còn là lời căn dặn ân tình của Người với những việc cần phải làm làm, những yêu cầu rất cụ thể:

 “Sau đây tôi có mấy lời dặn đồng bào và cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng:

1- Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau.

2- Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự.

3- Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no.

4- Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng.

Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”.

Nhân dân các dân tộc Lai Châu phấn khởi khi quê hương vừa được giải phóng lại vinh dự, xúc động trước tình cảm của Bác Hồ, dù bận trăm công, ngàn việc đại sự quốc gia, Người vẫn ân cần quan tâm dành thời gian viết thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu. Bức thư tuy ngắn, nhưng đã thể hiện sự quan tân sâu sắc của Bác, đã chỉ ra những nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền cách mạng mới. Những điều căn dặn trong thư, nhiệm vụ đầu tiên mà Người căn dặn đồng bào và cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng là “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau”.

Vì sao điều đầu tiên Bác căn dặn đồng bào và cán bộ Lai Châu trong thư lại là “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau”?

Chúng ta đều đã biết, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Ông cha ta đã từng tổng kết: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Đến thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”.

Về thực tiễn, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Lai Châu là địa phương đầu tiên của Miền Bắc bị thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ luôn quan tâm đến tình hình Tây Bắc. Sau khi thất bại trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947 và chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” không thực hiện được, thực dân Pháp chuyển sang chính sách “Dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” và lập ra “Xứ Thái tự trị” nhằm lừa bịp và mua chuộc dân tộc Thái, gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, Đèo Văn Long được cử làm Chúa Xứ kiêm Tỉnh trưởng Lai Châu. Sau khi thị trấn Lai Châu được giải phóng (12/1953) về cơ bản chúng ta đã đánh được Pháp và tay sai rút chạy, làm chủ tình hình, tuy nhiên với âm mưu thâm độc hòng chống lại cách mạng, thực dân Pháp sử dụng bè lũ tay sai, Việt gian người địa phương tiếp tục ra sức tuyên truyền nói xấu Việt Minh, lôi kéo người thân đi theo chúng; chúng tuyên truyền cho Đèo Văn Long, Bạc Cầm Quý, Bảo Đại và Mỹ nói xấu kháng chiến; đe dọa, sát hại những người theo Việt Minh… lợi dụng khó khăn, thiếu thốn của người dân, chúng dùng muối, vải, bạc trắng dụ người dân về hàng, đi theo chúng, làm cho Nhân dân hoang mang lo sợ.

Có thể thấy trong giai đoạn lịch sử cam go này, dưới sự lừa bịp của thực dân Pháp và tay sai đã dẫn đến nhận thức về cách mạng, về Việt Minh và Bác Hồ có sự khác nhau giữa các dân tộc, giữa các địa bàn, khu vực. Đó là hậu quả của chính sách chia để trị, dùng người Việt trị người Việt, gây chia rẽ trong đồng bào các dân tộc ở Lai Châu để thực dân Pháp dễ bề cai quản. Trung ương Đảng, Chính Phủ và Bác Hồ vẫn hằng ngày, hằng giờ dõi theo phong trào cách mạng của Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng. Ngày Lai Châu được giải phóng là kết quả bước đầu của chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954. Vui mừng khi đồng bào các dân tộc Lai Châu thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, lừa bịp của thực dân Pháp và Việt gian, ngay trong ngày thị trấn Lai Châu được giải phóng, Bác đã gửi thư thăm hỏi đồng bào và cán bộ Lai Châu; Bác căn dặn những nhiệm vụ trước mắt mà đồng bào và cán bộ Lai Châu phải tập trung vào xây dựng chế độ mới mà nhiệm vụ đầu tiên Bác căn dặn là phải “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau”.

Bằng kinh nghiệm và sự nhạy bén chính trị sâu sắc của Bác, Bác hiểu rõ nhiệm vụ trước mắt của việc xây dựng chế độ mới, xây dựng quê hương mới phải bắt đầu bằng sự “đoàn kết”. Đây là vấn đề tiên quyết đã được Bác đúc rút trong thực tiễn cách mạng Việt Nam; chính sự đoàn kết đã làm nên sức mạnh của Đảng, từ Hội nghị thành lập Đảng (2/1930) với sự đoàn kết của các tổ chức cộng sản đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nhờ vào sự đoàn kết trong toàn Đảng và toàn dân Việt Nam. Đến nay, với Lai Châu, vùng đất với nhiều dân tộc sinh sống, lời đầu tiên Bác căn dặn cũng như là nhiệm vụ Bác giao cho đồng bào và cán bộ Lai Châu là phải “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau”.

Khắc ghi lời Bác về “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau” trong suốt 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương Lai Châu. Thư của Bác đã động viên, cổ vũ quân và dân các dân tộc Lai Châu tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, khích lệ nhân dân hăng hái tích cực tham gia kháng chiến, huy động sức người, sức của cho chiến dịch Đông - Xuân, góp phần quan trọng, trực tiếp cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, quân và dân Lai Châu vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam, góp phần cùng quân dân cả nước giành thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975 và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào. Đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, Lai Châu cùng cả nước bước vào một thời kỳ mới, vừa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, anh dũng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, vừa đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 2004, tỉnh Lai Châu (mới) được chia tách, thành lập. Là tỉnh có 20 dân tộc cùng sinh sống, 19 dân tộc thiểu số, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 84% dân số; 13 dân tộc sinh sống thành cộng đồng, có 4 dân tộc ít người và đặc biệt khó khăn (Cống, Mảng, La Hủ, Si La); đời sống đồng bào các dân tộc Lai Châu chứa đựng những phong tục, bản sắc đa dạng, phong phú mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Trong giai đoạn đầu khi mới chia tách, Lai Châu đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức của một tỉnh nghèo nhất cả nước; kinh tế - xã hội kém phát triển, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ vừa mới, vừa thiếu; tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước những thách thức mới đặt ra, Đảng Bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lai Châu không quên lời Bác dặn trong “Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu” và vận dụng lời dặn “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau” để bắt tay vào công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương Lai Châu giàu đẹp. Từ sự “đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau”, Nhân dân các dân tộc Lai Châu dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ “đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng khó khăn” chỉ sau 05 năm của nhiệm kỳ đầu chia tách (2005-2010). Hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao di dân tái định cư các công trình thủy điện Quốc gia trên địa bàn tỉnh (Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu). Phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân. Bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc, hoàn thành các mục tiêu “đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển” và “trở thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”.

Thực hiện lời dạy trong thư của Bác, Đảng bộ tỉnh đã tăng cường lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình, thực tiễn của địa phương về các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về đoàn kết toàn dân tộc. Cụ thể Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, ngày 12/5/2003 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU, về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; Chương trình hành động số 11-CTr/TU, ngày 31/5/2010 về thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX. Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW, ngày 01/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc “tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”; ban hành Thông tri số 09-TTr/TU, ngày 15/4/2015 về việc lãnh đạo tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò và khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc; đồng hành, chia sẻ, đồng thuận thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh; luôn đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt khó; tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững. Tích cực hưởng ứng và tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phản bác trước các thông tin xấu độc, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Hằng năm, các thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư toàn tỉnh đều tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, qua đó là dịp để Nhân dân các dân tộc ở khu dân cư có dịp gặp mặt, sum vầy chia sẻ những kinh nghiệm hay, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống; phát huy tinh thần đoàn kết, keo sơn, nghĩa tình, gắn kết cộng đồng. Là dịp để ông, bà, cha, mẹ trao truyền những phong tục tập quán tốt đẹp của gia đình dòng họ cho con cháu như: truyền thống tôn sư trọng đạo, ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách; thực hiện tốt các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, gia đình điển hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; phát huy vai trò nòng cốt của các nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú trong việc truyền dạy, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa… Các hộ gia đình động viên nhau chung tay xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các hành vi phạm pháp luật ở khu dân cư như: lạm dụng rượu, cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm, đánh bạc…

Việc tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” tại Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc hằng năm đã gắn kết các cộng đồng, tăng cường khối đại đoàn kết, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; đẩy lùi các mâu thuẫn, tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu trong Nhân dân; thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc… từ đó tình làng, nghĩa xóm trong mỗi cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động chia sẻ khó khăn, hoạn nạn ở cộng đồng dân cư.

Từ lời dạy của Bác “Thân ái giúp đỡ lẫn nhau”, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Lai Châu chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong những năm qua, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái tham gia ủng hộ các quỹ để thực hiện công tác an sinh xã hội như: hỗ trợ làm nhà ở, tặng quà, hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng yếu thế; xây dựng các công trình an sinh xã hội ở cộng đồng. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, các đơn vị, tổ chức và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện quyên góp, ủng hộ được 13,852 tỷ đồng tiền mặt, ngoài ra còn ủng hộ nhu yếu phẩm như: Gạo, rau, củ, mỳ tôm, trứng, cá, trang thiết bị y tế (găng tay, khẩu trang, nước sát khẩn, máy đo thân nhiệt ...) ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Tư tưởng “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau” của Bác được cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lai Châu thực hiện không chỉ dừng lại trong phạm vi Lai Châu, qua đại dịch Covid-19, trước những cam go, thử thách, lời dạy của Bác được Lai Châu thể hiện qua việc chia sẻ với các địa phương khác chống chọi với đại dịch. Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tỉnh Lai Châu đã thành lập 02 đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và 01 đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương với tổng số 96 cán bộ, nhân viên y tế có năng lực, trình độ chuyên môn tốt, có lòng nhiệt huyết và tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cho địa phương bạn. Đây là minh chứng thực tế nhất của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã thực hiện lời dạy của Bác thành hành động cách mạng cụ thể.
Thực tiễn qua 70 năm thực hiện Thư Bác, và đặc biệt qua 20 năm chia tách, thành lập, Lai Châu đã giành được những thành tựu to lớn đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước. Nhìn tổng thể, từ một tỉnh vùng cao biên giới mới chia tách, kinh tế - xã hội trong tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến nay kinh tế - xã hội của tỉnh đã từng bước chuyển mình; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004-2023 ước đạt 9,69%/năm; thu nhập bình quân đầu người khi mới chia tách (2004) đạt 2,2 triệu đồng đến nay đã đạt trên 47 triệu đồng (gấp trên 21 lần); thu Ngân sách trên địa bàn năm 2004 đạt 31 tỷ đồng, đến nay đã đạt trên 2.200 tỷ đồng (tăng trên 70 lần). Văn hóa - xã hội được triển khai hiệu quả, giáo dục và đào tạo được tăng cường, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 02 trở lên và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 01 trở lên; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 58,4%. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, tỷ lệ bác sỹ toàn tỉnh đạt 12,6 bác sỹ/vạn dân; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được triển khai sâu rộng. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới Quốc gia được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và xã hội; ý thức của cán bộ, đảng viên về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống được nâng cao; đấu tranh phòng chống thanh nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai hiệu quả; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đi sâu vào chất lượng. 

Lai Châu đang chuyển mình cùng cả nước đổi mới. Tuy nhiên với vị trí địa chiến lược của Lai Châu các thế lực thù địch luôn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động nhằm phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc. Ngày nay, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội càng là cơ hội để các thế lực thù địch mở rộng phạm vi, cách thức chống phá, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực; sự xung khắc các hệ tư tưởng, các nền văn hóa, tôn giáo… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc của Đảng, Nhà nước ta cũng như với Lai Châu. Hơn lúc nào hết “Đoàn kết toàn dân tộc” là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Lai Châu. Một minh chứng, một bài học thực tế đang diễn ra về sự mất đoàn kết dân tộc gây nguy hại nghiêm trọng đến việc xây dựng một nhà nước thống nhất suốt hơn 70 năm qua đang diễn ra đối với người Palestine ở Trung Đông.

Với sự kiên định và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước, sự đoàn kết của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu sẽ được tiếp tục khẳng định và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Lai Châu. Tiếp tục phát huy tinh thần và hành động“đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau” theo lời dạy của Bác Hồ trong “Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu” để củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phát huy những kết quả đã đạt được, xin đề xuất với Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc Lai Châu một số nhiệm vụ, giải pháp cần được quan tâm là:

Thứ nhất: Tiếp tục tăng cường củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, lấy đoàn kết trong cấp ủy, tổ chức Đảng là hạt nhân để phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Cấp ủy các cấp tăng cường việc triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng nghiên cứu tư tưởng của Bác về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với nội dung “Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu” của Bác, vận dụng phù hợp vào thực tiễn của địa phương, đơn vị. Triển khai hiệu quả quan điểm của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025) bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; chú trọng tính đặc thù của từng vùng, từng dân tộc trong quy hoạch và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hành dân chủ rộng rãi gắn với phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Thứ hai: Chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc. Tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, miền núi của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả các chính sách đối với các đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng để phát triển sản xuất. Chú trọng công tác phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa như công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân; công tác giáo dục và đào tạo; thông tin, truyền thông để nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thứ ba: Chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 của Tỉnh ủy về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Từng bước xóa bỏ, ngăn chặn các hủ tục lạc hậu; phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, nếp sống mới, góp phần tạo nên các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Lai Châu. Lấy bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc làm nền tảng, điều kiện cốt lõi để phát triển du lịch, quảng quá bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng đất, con người Lai Châu. Quan tâm ưu tiên dành nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa ở cơ sở để phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa của Nhân dân.

Thứ tư: Tiếp tục triển khai hiệu quả, đi vào chiều sâu phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Triển khai hiệu quả Kết luận số 98-KL/TU, ngày 28/4/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Đề án tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân, từng bước thay đổi diện mạo của nông thôn. Đổi mới công tác tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa, nhu cầu của Nhân dân và nhiệm vụ chính trị địa phương; đa dạng các hình thức tổ chức: liên khu dân cư, liên xã... để Ngày hội thực sự trở thành hoạt động văn hóa, xã hội rộng lớn được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần tăng cường đoàn kết, tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Thứ năm: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chủ trương về đại đoàn kết toàn dân tộc; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền triển khai sâu rộng các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cảnh giác, nhạy bén, kịp thời phát hiện các thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xỷ lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng vi phạm; kiên quyết đấu tranh và xử lý những đối tượng lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo phá hoại Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm 2023, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu phấn khởi kỷ niệm 70 năm Bác Hồ gửi thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu và hướng đến kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 20 năm chia tách, thành lập tỉnh. Những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu giành được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển suốt 75 năm qua, đặc biệt giai đoạn 20 năm từ ngày chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (mới) thật đáng vinh dự và tự hào. Có được kết quả đó là nhờ sự đoàn kết thống nhất của cả Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn trong Thư của Bác. Phấn khởi, tự hào với thành tựu đạt được, chúng ta thành kính tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta. Người luôn dành những tình cảm đặc biệt với Nhân dân các dân tộc Lai Châu.

T.H

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...