Thứ hai, 06/05/2024, 13:25 [GMT+7]

Xây dựng vùng biên cương vững mạnh toàn diện

Thứ sáu, 10/07/2015 - 10:06'
(BLC) - Những năm qua, Đảng bộ, Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tăng cường công tác vận động quần chúng, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả công tác biên phòng.

 Đại tá Đào Quang Mạnh – Chính ủy BCH BĐBP tỉnh cho  chúng tôi biết, quán triệt nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của các cấp về tham gia củng cố cơ sở chính trị, giúp dân phát triển KT-XH, BCH BĐBP tỉnh đã ban nhiều nghị quyết như: “ BĐBP tỉnh tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, thực hiện mô hình giúp dân phát triển kinh tế”, đề án “BĐBP Lai Châu tham mưu cho địa phương giúp dân tộc La Hủ ổn định dân cư, xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội, gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của tỉnh”…Đồng thời, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với thực tế tình hình địa phương, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả. Qua đó, tăng cường quan hệ gắn bó giữa giữa đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở địa bàn biên giới với BĐBP, chung sức đồng lòng cùng BĐBP giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc.

Đồng chí Phạm Văn Hà – Bí thư Đảng ủy xã Sin Súi Hồ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật tới bà con.

Theo đó, tại các địa bàn, các đồn Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hàng chục nghìn buổi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các định hướng, kế hoạch xây dựng và phát triển của địa phương bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm dân cư. Nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến nghị quyết đại hội Đảng các cấp; các luật: Luật Biên giới quốc gia; Luật Quốc phòng; các luật Hình sự, Dân sự, Hôn nhân và gia đình, Cư trú, Phòng chống tham nhũng; Phòng chống ma tuý; các hiệp định, hiệp nghị về biên giới, tôn giáo, dân tộc… Qua đó, kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức pháp luật, tạo chuyển biến tích cực về hành động của nhân dân trên địa bàn.

Cùng với đó, căn cứ vào thực tiễn về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các đồn đã lựa chọn, xây dựng nhiều mô hình phát triển KT-XH như: Nuôi dê, trâu sinh sản tại xã Sin Suối Hồ; thâm canh ngô vụ đông và trồng cây đậu tương năng suất cao tại xã Ma Ly Pho; thâm canh lúa nước 2 vụ ở các xã Sì Lờ Lầu và Nậm Xe; trồng thảo quả ở xã Thu Lũm; nuôi cá hồi ở xã Pa Vây Sử; các phòng khám quân-dân y kết hợp; mô hình bán trú, dân nuôi; phong trào làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hoạt động đưa thông tin về cơ sở; tổ chức cai nghiện ma tuý tại cộng đồng; chung sức cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là tuyên truyền vận động nhân dân không di cư tự do để ổn định đời sống; xây dựng bản làng văn hóa, gia đình văn hóa. Hướng dẫn các hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, thay thế trồng cây thuốc phiện bằng cây thảo quả, cây cao su, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, trồng lúa nước, trồng chuối, trồng ngô, bảo vệ và phát triển rừng… Nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu với mức thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/ năm.

Đặc biệt là, công tác củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn biên giới được BĐBP tỉnh hết sức chú trọng, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên. Do vậy, việc tăng cường cán bộ giữ chức danh Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy các xã biên giới được tiến hành một cách khoa học từ khâu khảo sát địa bàn, tổ chức thí điểm, xây dựng kế hoạch phối hợp, xác định nội dung chức trách, lựa chọn cán bộ tăng cường cho đến giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ tăng cường. Nhờ đó, qua 16 năm thực hiện Nghị quyết số 150/ĐU-QSTW ngày 01/8/1998 của Quân ủy Trung ương về việc “Quân đội tham gia lao động, sản xuất làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược”, hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới có nhiều chuyển biến tích cực.

Đồng chí Phạm Văn Hà - Cán bộ tăng cường xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ chia sẻ, trước đó, tại xã Sin Suối Hồ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thiếu đồng bộ, có lúc, có việc còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ có dấu hiệu mất đoàn kết, một số cán bộ né tránh những công việc khó khăn mà người dân cần dẫn đến thiếu lòng tin đối với dân; đơn, thư tố cáo cán bộ vượt cấp xảy ra thường xuyên; năm 2009 tập thể Đảng ủy và một số cán bộ chủ chốt xã bị thi hành kỷ luật. Nhận nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy xã với những khó khăn như vậy, song với tinh thần trách nhiệm cao anh đã tập hợp, đoàn kết nội bộ, xây dựng các quy chế, quy định và duy trì điều hành các công việc một cách khoa học, linh hoạt; tìm hiểu, giải quyết dứt điểm một cách thấu tình, đạt lý những bức xúc trong nhân dân, nhờ đó năm 2011, Đảng bộ Sin Súi Hồ xếp loại yếu, năm 2012 vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ và các năm tiếp theo đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Hay như đồng chí Nguyễn Văn Chuân về tăng cường cho xã Pa Vệ Sử (huyện Mường Tè) thì ngoài việc củng cố hệ thống chính trị địa phương từ một xã yếu, kém trở thành Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng chí còn tham gia thành lập tổ giúp dân phát triển kinh tế, huy động các hộ gia đình gom bò được hỗ trợ từ “Ngân hàng bò” với 50 con để nuôi tập trung, đến nay đã phát triển đàn bò lên tới trên 70 con…Đây chỉ là 2 trong 20 cán bộ sỹ quan biên phòng đã gắn bó hàng chục năm với vùng đất biên cương, hiểu phong tục tập quán và cả những khó khăn của địa bàn được tăng cường tham gia cấp ủy, chính quyền các xã biên giới.

Chuyển biến trong hệ thống chính trị các xã biên giới rõ nét từ việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng kịp thời, sâu sắc hơn; việc xây dựng Nghị quyết, chương trình công tác của xã phù hợp, hiệu quả hơn; nề nếp, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ xã được nâng lên; đoàn kết nội bộ được củng cố; công tác phát triển đảng viên được quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2004, 21 xã biên giới mới chỉ có 05 đảng bộ cơ sở, 16 chi bộ cơ sở, 37 chi bộ trực thuộc với tổng số 1.112 đảng viên thì đến nay 23/23 xã thành lập Đảng bộ cơ sở với 309 chi bộ trực thuộc,  trên 2.300 đảng viên. Củng cố hoạt động 162 đơn vị MTTQ xã bản, 248 Hội, chi hội phụ nữ; 226 hội, chi hội nông dân; 270 đoàn cơ sở, chi đoàn…

Cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Dào San giúp người dân mở đường liên thôn bản.

Ngoài ra, các anh còn phối hợp với LLVT địa phương huấn luyện trên 5.300 lượt dân quân, 1.425 lượt công an xã, bản. Tham mưu cho các xã biên giới phối hợp tốt với các đồn Biên phòng, các lực lượng tham gia diễn tập cụm tác chiến biên phòng; trên 20 cuộc diễn tập chiến đấu trị an, cứu hộ cứu nạn, luyện tập các phương án, kế hoạch bảo vệ biên giới, góp phần xây dựng khu vực biên giới và khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các xã khu vực biên giới cũng được thực hiện hiệu quả hơn.

Những kết quả đạt được không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền biên viễn mà thực sự đang tạo thế sâu bền gốc rễ để xây dựng vùng biên giới vững mạnh toàn diện.

 

Minh Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...