Chủ nhật, 19/05/2024, 08:15 [GMT+7]

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm mua, bán người

Thứ hai, 16/04/2018 - 09:22'
(BLC) - So với các địa phương trong cả nước, Lai Châu không phải là điểm “nóng” về tình hình tội phạm mua bán người (MBN), song tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức, thậm chí có yếu tố nước ngoài nên không dễ kiểm soát, xử lý. Trước thực trạng đó, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm MBN. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về những thủ đoạn của loại tội phạm này.

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp cùng cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) - Công an tỉnh đến thăm gia đình em Sùng Thị Liền ở bản Phi Én, xã Tủa Sin Chải, huyện Sìn Hồ (nạn nhân của vụ mua bán người vừa được các anh giải cứu thành công)Trở về sau hơn 1 tuần phiêu bạt nơi đất khách, quê người, nỗi ám ảnh, sợ hãi vẫn còn in đậm trên khuôn mặt của cô gái chưa đầy 17 tuổi. Giấu đi giọt nước mắt trực lăn dài trên gò má, Liền kể cho chúng tôi nghe, em tình cờ quen và có cảm tình với anh Lầu A Già (sau này em mới biết tên thật của anh là Sình A Thông trú tại bản Pu Ca, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Sau hơn 2 tháng tìm hiểu, Già nói sẽ xin phép bố mẹ đưa em về thăm gia đình, rồi xin cưới em làm vợ. Cũng bắt đầu bước vào tuổi cập kê nên khi có người đàn ông yêu thương, chia sẻ Liền cũng định tìm bến đỗ cho cuộc đời mình, nhưng không ngờ, Già đã đã lừa dối Liền, đưa em sang Trung Quốc để bán. Sang đó, Liền bị nhốt trong một căn phòng kín, bị tịch thu mọi tư trang, điện thoại. Rồi có những người đàn ông lạ đến lúc dọa nạt đánh đập, lúc dụ dỗ...  Liền sợ lắm, em chỉ biết gào khóc xin được trở về nhà... Kể đến đây, giọng em nghẹn lại không nói lên lời. Ngồi bên cạnh chúng tôi, ông Sùng Phá Páo – bố của Liền chia sẻ: “Khóc hết nước mắt vì nghĩ sẽ không còn cơ hội tìm lại con, nếu không nhờ các chiến sỹ công an giúp đỡ, hỗ trợ thì con mình sẽ không được trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình như ngày hôm nay. Gia đình mình biết ơn các chiến sỹ công an nhiều lắm”. Liền chỉ là 1 trong số các cô gái may mắn được lực lượng chức năng trong tỉnh được giải cứu thành công trong những năm qua. Đại tá Nguyễn Văn Hiện – Trưởng Phòng CSHS (Công an tỉnh) cho biết, đối tượng mua bán người là loại tội phạm ẩn, chỉ khi bị hại được giải cứu hoặc trốn thoát trở về tố giác với cơ quan Công an thì mới điều tra làm rõ đối tượng để truy tố. Chúng thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự xuất hiện, điều tra của cơ quan công an do vậy đối tượng khi tiếp xúc với nạn nhân thường thay tên tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại… khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.

Nữ chiến sỹ Phòng CSHS cùng hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Cảnh sát điều tra (Hội Phụ nữ Công an tỉnh), chính quyền địa phương thăm hỏi nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến nay, Công an tỉnh đã xác lập nhiều chuyên án đấu tranh, triệt phá gần 100 vụ với 155 bị can, chiếm 5,8% tổng số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh. Qua phân tích các vụ án, một trong những thủ đoạn các đối tượng MBN thường sử dụng là giả vờ quan hệ yêu đương, mua sắm cho nạn nhân những đồ dùng cá nhân để lấy lòng, lừa bán qua biên giới. Điều đáng nói là bên cạnh số đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, có những phụ nữ từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm gái mại dâm, khi trở về Việt Nam vì hám lợi lại trở thành tội phạm lừa bán phụ nữ, trẻ em, kể cả những người thân quen...  Sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, điện thoại để kết thân, kết bạn rồi rủ rê lừa gạt mua bán. Hậu quả là họ trở thành nạn nhân của các hoạt động mại dâm, hôn nhân cưỡng ép và lao động bất hợp pháp. Và, đằng sau thực trạng này là không ít hệ lụy buồn cùng những nỗi đau dai dẳng đối với gia đình và nạn nhân của tội phạm MBN.

Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nêu trên, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó chú trọng công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng, tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người từ nước ngoài trở về. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng tăng cường lãnh, chỉ đạo các lực lượng Công an phối hợp với bộ đội biên phòng, ngành nội chính chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường bám nắm cơ sở, phối hợp tuần tra kiểm soát, chú trọng các đường mòn, tiểu ngạch, lối mở qua biên giới. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN. Thường xuyên trao đổi thông tin về nạn nhân hoặc đối tượng có biểu hiện nghi vấn về hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em cũng như thông tin về nạn nhân cần giải cứu để đề nghị phía nước bạn Trung Quốc phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân… Nhờ đó, tội phạm mua bán người từng bước được kiềm chế và có xu hướng giảm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Với vai trò là đơn vị chủ lực trong đấu tranh với tội phạm MBN, Phòng CSHS Công an tỉnh đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với các Công an các huyện, thành phố tiến hành tổng điều tra, rà soát, nắm tình hình tại các khu vực, địa bàn thường xảy ra việc MBN, lên danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự và nghi có liên quan đến tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em… Từ đó có cơ sở phân tích, đánh giá các hoạt động của bọn tội phạm. Xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về tình hình tội phạm MBN để xây dựng phương án tấn công, trấn ápĐiển hình như tuyến biên giới tiếp giáp với Trung Quốc gồm: Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ (trong đó, đặc biệt chú ý là các xã biên giới thuộc địa bàn huyện Phong Thổ); tuyến huyện Than Uyên, Tân Uyên đi tỉnh Lào Cai; tuyến thành phố Lai Châu đi Lào Cai, thành phố Lai Châu đi Phong Thổ (các đối tượng sử dụng tuyến giao thông để đưa phụ nữ, trẻ em đi rồi đưa sang Trung Quốc bán)Đối với địa bàn trọng điểm gồm các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ.

Cùng với đó, để ngăn chặn tội phạm MBN trên địa bàn đạt hiệu quả cao, tỉnh Lai Châu cũng xác định đây không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, mà còn là của toàn xã hội. Vì vậy, việc tuyên truyền cho mỗi người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới nâng cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện những thủ đoạn mới của đối tượng lừa đảo, buôn bán phụ nữ, trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống tội phạm MBN. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành căn cứ vào đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cũng như âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho các tầng lớp Nhân dân. Coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tuyên truyền vận động, quản lý giáo dục con em tại gia đình. Cộng đồng dân cư nâng cao cảnh giác, ký cam kết không xuất cảnh trái phép, không tiếp tay, tham gia hoạt động MBN. Các cơ quan, đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc… tổ chức tuyên truyền tới các trường học và cụm dân cư...

Nội dung tuyên truyền được biên soạn đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với mọi lứa tuổi, trình độ... hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, thông qua hệ thống loa truyền thanh, sử dụng tiếng dân tộc, người thật, việc thật để tuyên truyền; lấy các điển hình về các vụ việc thật; sự mất cảnh giác của các gia đình nạn nhân để tuyên truyền; kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm MBN... Sau các buổi tuyền truyền hầu hết những người tham gia đã hiểu và nhận thức được phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong đó có tội phạm MBN. Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh và tố giác tội phạm.

Đấu tranh với loại tội phạm MBN đang nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả cộng đồng. Song, với vai trò nòng cốt, tinh thần không quản ngại khó khăn gian khổ, "ba cùng" với dân, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm MBN. Qua đó, đã tác động mạnh mẽ đến ý thức của người dân, làm chuyển biến nhận thức, khơi dậy khí thế của cán bộ, Nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh Quốc gia, tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...